Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử

Tham gia “Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V- năm 2022”, các tác giả Đỗ Thị Vân Quế, Đỗ Trần Quân, Nguyễn Tuấn Dũng và Tả Minh đến từ chuyên đề An ninh Thủ đô, báo Công an Nhân dân đã xuất sắc đạt giải A với tác phẩm “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” với 4 kỳ liên tiếp. Cổng Thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trân trọng giới thiệu tác phẩm trên tới đông đảo bạn đọc!

Với bản phỏng dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, Viện Nghiên cứu Kinh thành được xem là đơn vị Nhà nước đầu tiên áp dụng công nghệ số phục dựng lại một phần di sản Hoàng thành Thăng Long từ các nghiên cứu và hệ thống di vật, hiện vật phát lộ (tại các hố khai quật của di chỉ 18 Hoàng Diệu). Khi những phỏng dựng này được công bố, bên cạnh những phản ứng tích cực từ đông đảo dư luận thì cũng vẫn còn không ít băn khoăn. Nhưng nếu cứ mãi rụt rè, lo ngại mà không từng bước mở đường thì làm sao có đại lộ thênh thang cho người sau bước tiếp (?!).
Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 1

Những thử nghiệm mang tính mở đường

Thực ra, từ nhiều năm trước đã có một vài công trình mô phỏng, phỏng dựng di sản ở Hà Nội bằng công nghệ 3D được rải rác công bố. Tuy nhiên, đây chỉ là nhóm những người yêu di sản, đam mê công nghệ, vì lẽ đó mà thực hiện và tất nhiên việc chi trả cho đam mê này là từ tiền túi cá nhân.

Năm 2020, dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm và văn bia Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm 1121), nhóm SEN Heritage thử đưa ra một phương án tái lập kiến trúc hoa sen 1 cột 6 cạnh đời Lý (độc trụ lục giác liên hoa lâu – Việt Sử lược) tại chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Ngôi chùa này là một biểu tượng của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nhưng kiến trúc hiện tại mới được phục dựng từ năm 1955, kế thừa phong cách thời Nguyễn. Vì thế, dự án này hướng đến tái lập mặt bằng thời Lý, kiến trúc thời Lý, phong cách mỹ thuật thời Lý từ các hiện vật khảo cổ và bi ký, nhằm truyền tải những tinh hoa văn hóa của Đại Việt xưa đến xã hội ngày nay.

Nếu như, chùa Diên Hựu là mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo với tháp Một Cột (tháp hoa sen nằm ở trung tâm của Mandala đồng tâm đa chiều) thì các sản phẩm công nghệ VR là một nỗ lực hiện thực hóa, hình ảnh hóa cấu trúc bình đồ và nghệ thuật kiến trúc thời Lý để người xem có thể “bước vào lịch sử, bước đi trong lịch sử”. Mặc dù đây chỉ là “thực tế ảo” nhưng các thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên số liệu cụ thể, nhằm hướng đến các phương án tái lập và phục vụ công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa Đại Việt thời Lý đến với xã hội hiện tại.

Sau tròn 3 năm trời ròng rã, nhóm SEN Heritage đưa sản phẩm VR3D Diên Hựu hoàn thành ra mắt công chúng. Các thành viên của SEN Heritage bày tỏ mong muốn một ngày nào đó có thể bước đi trong ngôi chùa Diên Hựu lịch sử. Người Việt Nam của thế kỷ XXI có thể “bước vào lịch sử”, “bước đi trong lịch sử”, có thể đi dạo trong không gian lộng lẫy của nghệ thuật Phật giáo cung đình, có thể “đưa tay chạm vào hiện vật nghìn năm”, để hiểu bàn tay tài hoa của cha ông thể hiện qua từng nét chạm, đường khắc trên kiến trúc. Và không xa nữa, từ công trình “thực tế ảo” này, hoàn toàn có thể hy vọng phỏng dựng lại chùa tháp Diên Hựu của nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thời Lý.

Sau thành công bước đầu của việc phỏng dựng kiến trúc chùa Diên Hựu thời Lý, năm 2021, SEN Heritage tiếp tục công bố hình ảnh tượng đức Thích Ca sơ sinh tọa trên cột đá chạm búp sen rồng cuốn thời Lý, cùng với đó là giả thiết, tượng cùng tòa sen có thể được đặt tại ao rồng chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh) cách đây hơn 9 thế kỷ. Công trình phỏng dựng tiến hành dựa trên việc nghiên cứu các hiện vật khảo cổ như trụ đá Bách Thảo, chân đá chùa Phật Tích, đỉnh hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh… Trong số đó, trụ đá Bách Thảo, đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Còn trụ đá tại chùa Phật Tích đã mất, nhưng còn ảnh chụp từ thời Pháp. Cả 2 hiện vật này đều đã bị mất phần tượng, gãy phần chân và phần ngọn. Công trình phỏng dựng bao gồm các sản phẩm như: Bản chế tác trên đá, bản vẽ 2D, bản vẽ 3D trụ đá, bản AR Tu Di đài Thích Ca sơ sinh, bản phỏng dựng thực tế ảo 3D-VR3D-VR Thích Ca sơ sinh dựa theo phong cách mỹ thuật thời Lý.

Kết hợp các tư liệu hiện còn, nhóm SEN Heritage đã phục dựng lại toàn bộ cấu trúc của tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý với cấu trúc gồm 3 phần. Phần 1 là chân trụ gồm 1 phiến đá 6 cạnh giật 3 cấp; phần 2 là thân trụ gồm đồ án Cửu sơn bát Hải, Song long hiến châu và tòa sen; phần 3 là phần tượng Thích Ca sơ sinh. Tòa Thích Ca sơ sinh là trung tâm của nghi lễ tắm Phật trong văn hóa Phật giáo. Từ thời Lý, tín ngưỡng thờ Thích Ca đản sinh gắn liền với ngày Phật đản (mùng 8 tháng 4 Âm lịch).

Nhóm nghiên cứu SEN Heritage khi đó đã bày tỏ mong muốn, việc phục dựng hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý sẽ gắn liền với việc phục dựng lễ tắm Phật ở tầm mức quốc gia, trong không gian cụ thể là chùa Diên Hựu, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Đại Việt thời Lý, cũng như văn hóa Phật giáo.

Cách đây 18 năm (2004), nhóm 3D Hà Nội đã làm người xem ngỡ ngàng khi ra mắt triển lãm với hàng loạt bức ảnh tái tạo hình ảnh phố phường Hà Nội cổ, Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp… gắn liền với kiến trúc phố và các sự kiện lịch sử diễn ra trong lòng Thủ đô. Khi đó, những người làm dự án này chia sẻ, mục tiêu dài hạn là tạo ra sản phẩm bước đầu có thể được sử dụng trong ngành văn hóa, tạo hậu kỳ, dựng phim nghiên cứu, phim tài liệu… Rồi sau đó trở thành phương pháp trực quan, sinh động, hiệu quả trong giáo dục và phát triển văn hóa truyền thống; tạo ra công cụ quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội trung thực nhưng giàu tính sáng tạo tới bạn bè thế giới, tạo ra một nguồn tài liệu phong phú, chất lượng, dễ tiếp cận và thân thiện với tất cả mọi người.

Tiếp nối cảm hứng từ dự án, năm 2009, 3D Hà Nội tiếp tục phối hợp với mạng Ashui.com thực hiện dự án “Tái hiện di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội bằng công nghệ 3D” với mục tiêu xây dựng một bảo tàng (thư viện) trực tuyến bằng hình ảnh 3D với độ chính xác cao từ các dữ liệu là các bản vẽ kỹ thuật kết hợp với đo vẽ hiện trạng, nhằm tạo nên một cơ sở dữ liệu chuẩn hóa phục vụ việc nghiên cứu, bảo tồn các công trình kiến trúc đang tồn tại hoặc đã biến mất trong khu vực phố cổ ở Hà Nội.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 2
Hình ảnh phỏng dựng Đức Thích Ca sơ sinh trên tòa sen thời Lý

Việt Nam có một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, trải dài khắp dải đất hình chữ S. Đặc biệt, có rất nhiều di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, trở thành tài sản của thế giới. Con người có thể xây dựng nên rất nhiều công trình kỳ vỹ mới, thách thức và chinh phục mọi giới hạn nhưng không thể tạo ra di sản, vì di sản là quá khứ, là lịch sử, là văn hóa – đó chính là những báu vật, cần được đặc biệt nâng niu, bảo vệ, gìn giữ.

Trên khắp thế giới, di sản thiên nhiên và văn hóa đã và đang trở thành các yếu tố nền tảng để định vị bản sắc dân tộc trong thế giới hiện đại. Thúc đẩy bảo tồn di sản một cách có trách nhiệm ở cấp độ quốc gia, ngành, địa phương, phát huy giá trị bền vững để khơi nguồn cho sự phát triển đã được thực hiện ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Quá khứ là tương lai. “SỐ HÓA DI SẢN” là “cầu nối” quá khứ đến hiện tại. Trong giai đoạn hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng, là một trong những giải pháp tối ưu nhằm lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản; khiến cho di sản tỏa sáng mang lại lợi ích kinh tế – xã hội cho đất nước, con người; mang lại các giá trị bền vững cho đô thị hiện đại.

Ảo mà thật và những tiếng thở dài…

Năm 2016, vẫn từ mạng xã hội cá nhân, Nguyễn Trí Quang công bố hình ảnh toàn bộ không gian VR3D của đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Clip sống động này cho phép người tham quan có thể xem rõ đến từng chi tiết của ngôi đình. Khi đó, ngay cả những người trong ngành quản lý di sản văn hóa cũng phải ngỡ ngàng, bởi lẽ đây thực sự là một tài liệu, một hệ soi chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích cỡ, mặt cắt, độ phân giải cao, ghi nhận rõ nét từng thớ gỗ, kẽ gạch, tất tật mọi ngóc ngách của ngôi đình… Nếu căn cứ vào công trình này, những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu sẽ dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh. Bản sao 3D scanning chất lượng cao còn như một “tài sản” lưu giữ vĩnh cửu trước những biến động của thời gian, thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh…

Không chỉ dừng lại ở đó, VR3D đình Tiền Lệ còn tạo ra một kịch bản tương tác cho người xem, hệt như một chuyến tham quan (theo tour). Công trình quét 3D đình Tiền Lệ đã lấy đi của chàng trai trẻ này 2 năm học hỏi kinh nghiệm và 4 tháng ròng rã thi công. Đương nhiên, kinh phí thực hiện phải lấy nguồn từ… “ngân sách gia đình”. Thời điểm năm 2016, khi Nguyễn Trí Quang công bố công trình này, thiết kế clip giống như một chuyến tham quan cho phép người xem tương tác, phóng to, thu nhỏ, đo, vẽ, dập… từng chi tiết, từ chân móng cho tới mỗi viên ngói khiến nhiều người “sốc” nặng, trong đó có cả các nhà quản lý văn hóa.

Giới truyền thông lúc bấy giờ cũng đặt câu hỏi, cá nhân làm được, liệu các bảo tàng hay di tích thuộc quyền quản lý của Nhà nước có làm được hay không? Và đã có nhiều tiếng thở dài tiếc nuối: “Chúng ta chưa có điều kiện để bảo tồn di sản theo cách này. Rất tốn kém và điều kiện kỹ thuật chưa cho phép”.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 3
Bản phỏng dựng kết cấu một cột từ các tư liệu khảo cổ (Ảnh: SEN Heritage)

Số hóa là một quá trình dài, quyết tâm là làm được

6 năm sau (năm 2020), khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã khiến tất cả các hoạt động bảo tàng, vui chơi giải trí bị ngưng trệ. Xu hướng tham quan, du lịch… theo cách truyền thống buộc phải gián đoạn. Vừa hay lúc đó một số bảo tàng Nhà nước bắt đầu công bố các triển lãm thực tế ảo, bảo tàng, du lịch trực tuyến. Khái niệm VR3D là công nghệ mô phỏng mọi vật chân thực, hiển thị trong môi trường 3 chiều, người xem có thể toàn quyền tương tác, xoay lật để quan sát ngay trong trình duyệt mà không cần cài đặt thêm phần mềm nào đã trở nên quen thuộc và thông dụng.

Cũng với tinh thần số hóa, quận Hoàn Kiếm và Đống Đa (Hà Nội) cũng cho ra mắt trang hoankiem360.vn và dongda360.vn. Tại đây, ứng dụng sử dụng tọa độ GPS của người dùng làm nền tảng với các tính năng chính: Tìm kiếm các địa điểm du lịch, dịch vụ, thương mại hiển thị dưới dạng bản đồ Google hoặc danh sách; trải nghiệm và khám phá các địa điểm bằng công nghệ ảnh 360 độ; đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch, các dịch vụ đặt chỗ và thương mại điện tử… Ứng dụng hiện hỗ trợ các nền tảng iOS, Android, Windows Phone, Web Browser. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, du khách sẽ trực tiếp tương tác, trải nghiệm thực tế về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm đến du lịch, các dịch vụ thương mại một cách trực quan, sinh động tương tự như đang đứng ngay tại không gian và địa điểm đó.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 4

“Số hóa di sản văn hóa đang trở nên đặc biệt quan trọng, nếu cứ chần chừ đợi chờ sẽ không kịp nữa. Bởi lẽ, xã hội phát triển từng ngày, nhưng những di sản, tư liệu thì phôi phai cũng nhanh. Cứ làm đã, nền tảng gì, kỹ thuật ra sao thì bổ sung sau, cứ quyết tâm là sẽ thực hiện được hết… Số hóa là cả một quá trình dài, phải thực hiện từng bước một, y như việc người ta sinh ra và nuôi lớn một đứa con. Rất cần quan tâm, chăm sóc thường xuyên, nuôi lớn rồi mới có thể trưởng thành và dựng vợ gả chồng”.

Ông Phạm Tuấn Long (Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trao đổi với An ninh Thủ đô, ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, mục đích của quận khi thực hiện website: hoankiem360.vn là để du khách có được cái nhìn chân thực nhất, có thể ngồi ở nhà vẫn được trải nghiệm và tìm hiểu các di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương. Đó cũng là những thông tin cụ thể nhất để du khách có thể tìm hiểu trước về điểm đến, tìm nhà hàng, cơ sở lưu trú… Tiếp theo và cũng không kém phần quan trọng là muốn thông qua công nghệ số để tiếp cận giới trẻ, giúp họ hiểu và yêu di sản văn hóa, biết trân trọng lịch sử. Ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh, trang web hoankiem360.vn vẫn sẽ được tiếp tục biên tập, chắt lọc và cập nhật dữ liệu để ngày một dày thêm, thu hút đông đảo người tiếp cận và truy cập. Trang web nói trên cũng là do các thế hệ lãnh đạo của quận Hoàn Kiếm tự mày mò chứ chưa có chuẩn thống nhất nào cho các quận, huyện cả. Bởi lẽ, vấn đề số hóa di sản văn hóa đang trở nên đặc biệt quan trọng, nếu cứ chần chừ đợi chờ sẽ không kịp nữa. Bởi lẽ, xã hội phát triển từng ngày, nhưng những di sản, tư liệu thì phôi phai cũng nhanh. “Cứ làm đã, nền tảng gì, kỹ thuật ra sao thì bổ sung sau, cứ quyết tâm là sẽ thực hiện được hết…” – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long quả quyết.

Hỏi ông Phạm Tuấn Long, khi bắt tay vào triển khai số hóa một số tài liệu, di sản văn hóa của quận Hoàn Kiếm thì việc khó nhất là gì, ông khẳng định: “Đó là yếu tố con người!”. Tức là chìa khóa nằm ở nhận thức trước tiên, rồi sau đó mới đến cách làm. Đó cũng là việc không mấy tốn kém vì có thể kêu gọi xã hội hóa, không cần quá nhiều thiết bị, nhưng phải hiểu, ưu tiên làm việc gì làm trước, công đoạn nào sau. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ví số hóa là cả một quá trình dài, phải thực hiện từng bước một, y như việc người ta sinh ra và nuôi lớn một đứa con. Công cuộc số hóa của quận Hoàn Kiếm hiện tại như một đứa trẻ mới chỉ vài tháng tuổi. Rất cần quan tâm, chăm sóc thường xuyên, nuôi lớn rồi mới có thể trưởng thành và dựng vợ gả chồng.

Di sản văn hóa Việt Nam được hình thành cùng dòng chảy hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Đó là những bằng chứng có giá trị nổi bật, chứa đựng những thông tin về quá khứ với nội dung đa dạng, mang tính duy nhất không thể thay thế và có sức ảnh hưởng sâu rộng. Thế nhưng để bảo tồn, phát huy, lan tỏa những giá trị quý báu ấy, đòi hỏi phải có một hành trình “đánh thức”, “mở lối” để di sản văn hóa có cơ hội đến gần hơn với đông đảo công chúng.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 5
Triển khai lấy dữ liệu số hóa các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Vietsoftpro)

Chuyện của một ngành: Cần đặt ra mục tiêu chính để điều chỉnh mức độ ưu tiên

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Riêng ở lĩnh vực văn hóa, việc số hóa được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong quảng bá di sản. Chúng ta hãy cùng trò chuyện với với bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội về câu chuyện số hóa, những gian truân trên hành trình khiến di sản “kể chuyện”…

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 6
Khán giả trải nghiệm các sản phẩm công nghệ thực tế ảo (Ảnh: SEN Heritage)

Mới chỉ dừng lại ở tư liệu hóa

– PV: Thưa bà, chúng ta nên hiểu số hóa di sản theo hướng nào cho đúng với mục tiêu, tính chất của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản?

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 7
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội

– Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh: Hiện tại, có nhiều cách hiểu về việc số hóa nói chung và số hóa di sản văn hóa nói riêng. Có người hiểu số hóa là sử dụng thuần túy thiết bị công nghệ. Còn số hóa theo chuẩn của thế giới mà các quốc gia khác đang thực hiện đòi hỏi rất nhiều công đoạn, trong đó ứng dụng công nghệ chỉ là khâu sau cùng. Nhưng có một thực tế rằng, kể cả việc số hóa một cách đơn thuần nhất thì hiện nay ở tất cả các tỉnh thành, kể cả Hà Nội, đều chưa có một cơ sở để thực hiện việc này một cách cơ bản nhất. Tôi đơn cử một ví dụ, hồ sơ xếp hạng di tích bây giờ chỉ quét thành file PDF, phân loại, chia nhóm xong là lưu trữ. Khi cần tra cứu thì in ra bản giấy, hoặc mọi người có thể xem trên máy vi tính, điện thoại thông minh. Thứ nhất, công đoạn nêu trên nhiều địa phương cũng chưa làm được. Thứ hai, mọi người coi đó là số hóa, nhưng theo tôi đó mới chỉ dừng lại ở việc tư liệu hóa.

– Nói vậy tức là chúng ta mới đang trong thời kỳ quá độ lên số hóa? Nếu phân tích cụ thể hơn thì nó sẽ như thế nào?

– Đầu tiên, chúng ta chia ra di sản vật thể và phi vật thể. Tư liệu hóa nhóm di sản phi vật thể thì từ trước đã làm bằng rất nhiều phương pháp. Ví dụ như trong lĩnh vực âm nhạc là ghi âm và sau này là ghi hình. Ở nghệ thuật trình diễn thì có ký âm. Trước đây, cố Giáo sư Trần Văn Khê đã thực hiện ký âm các làn điệu ca trù, nhưng việc tư liệu hóa nó cũng không hề đơn giản. Việc này đòi hỏi phải có chuyên ngành, biết nốt nhạc mới có thể làm được, còn người không có chuyên môn chỉ làm được việc ghi âm. Có một hình thức tư liệu hóa nữa là viết lại. Hát văn đang được đề nghị tư liệu hóa bằng cách viết lại, sau đó là hát và ghi hình, như thế mới hoàn chỉnh việc tư liệu hóa. Thêm một cách tư liệu hóa nữa là bằng hình ảnh tĩnh (chụp ảnh) và động (ghi hình). Di sản phi vật thể mới thực hiện bằng hình thức đó, và không phải tất cả đều được tư liệu hóa một cách đầy đủ. Đơn cử, ca trù, chầu văn, hát xoan… đều có múa. Hay lễ hội còn có trang phục, đạo cụ, lời hát, diễn xướng… nếu không ghi hình sẽ không thể hình dung ra được hết. Xưa nay chúng ta có truyền miệng, nhưng bắt buộc phải tư liệu hóa làm nền tảng cho số hóa.

Số hóa để phát huy giá trị di sản, là xu hướng của tương lai

“Di sản văn hóa Việt Nam được hình thành cùng dòng chảy hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Thời gian minh chứng cho giá trị di sản, nhưng thời gian cũng tàn phá và khiến di sản hư hỏng hoặc mất đi. Không có gì tồn tại mãi mãi, đá là chất liệu tốt nhất thì trăm năm bia đá cũng mòn. Gạch, ngói, gỗ… là vật liệu hữu cơ, sự tồn tại còn thấp hơn rất nhiều. Ngoài thời gian còn là con người. Thông qua du lịch, khách tham quan cũng khiến hư hại di sản từ cố ý đến vô ý. Thời tiết, biến đổi khí hậu, biến thiên của lịch sử, thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, đô thị hóa khiến làng quê “thay da đổi thịt”, phong tục tập quán mất dần khiến di sản bị mai một hoặc hư hại, xuống cấp khiến cho việc quản lý, bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, số hóa rất cần thiết và cấp bách trong bảo tồn, phát huy di sản, là xu hướng của tương lai”.

Bà Phạm Thị Lan Anh (Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội)

Đối với di sản vật thể, việc tư liệu hóa dễ dàng hơn vì nó ở thể tĩnh. Hiện vật, công trình kiến trúc, di tích… được chụp ảnh các góc độ, có bản vẽ kiến trúc, bản vẽ nghệ thuật, hoa văn trang trí, chạm khắc chi tiết. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh, quay video 360 độ chưa thể tiệm cận được với thế giới vì ta có thể nhìn thấy nhưng chưa lột tả được số đo, màu sắc chuẩn, chất liệu. Do đó, việc số hóa đơn thuần sẽ là không đầy đủ nếu không có tư liệu hóa trước đó. Số hóa hiện vật, di tích đòi hỏi phải đạt được mức 90-100% so với bản gốc.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 8
Số hóa hiện vật (Ảnh: Vietsoftpro)

Tất cả đều phải chờ…

– Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Đây chỉ là một trong rất nhiều hạng mục đồ sộ cần phải làm, theo bà thì Hà Nội sẽ thực hiện việc này như thế nào và trong bao lâu?

– Đây là một câu hỏi khó. Tôi không rõ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai số hóa được bao nhiêu di tích, nhưng nói thật, một di tích thôi đã có rất nhiều việc phải làm rồi. Trong khi đó Hà Nội có tới 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, riêng chùa Hương mười mấy điểm, cụm Thăng Long tứ trấn 4 điểm và rất nhiều các điểm di tích khác của Thủ đô. Bên cạnh đó, câu hỏi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ ứng dụng công nghệ và nền tảng kỹ thuật gì vẫn chưa được giải đáp. Cũng chưa biết trường thông tin số hóa tới đây triển khai thì đạt đến mức độ nào. Liệu việc số hóa có phải chỉ dừng ở mức tra cứu và quản lý không hay số hóa theo kiểu để ứng dụng thực tế ảo? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khiến chúng ta phải nghĩ đến một kế hoạch chung và có sự phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới. Nếu không, Bộ sẽ làm một kiểu, địa phương triển khai một nẻo, sau này không kết nối được thành cơ sở dữ liệu quốc gia thì sẽ vô cùng lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Ở thời điểm hiện tại, tôi chưa biết cái gì đã được phê duyệt, phương án triển khai thế nào, tất cả đều phải chờ…

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 9
Hình thái bộ mái trong kiến trúc cung điện thời Lý (Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

– Nếu phân nhánh, chia nhỏ, giao cho địa phương, rồi quận, huyện… liệu rằng cơ sở có đủ năng lực để triển khai số hóa di sản không, thưa bà?

– Chắc chắn là không, từ dự chi ngân sách đến yếu tố năng lực. Tôi đã đi tham quan nhiều nơi trên thế giới, xem cả hoạt động mạng lưới thành phố sáng tạo thì thấy chúng ta hoàn toàn tiếp cận được công nghệ tiên tiến của họ nhưng lại không có trình độ công nghệ thông tin, lại là cấp quản lý Nhà nước nên không thể tiếp cận kinh phí từ dự án. Thứ nhất, số hóa xong không phải để cất đi mà phải ứng dụng công nghệ vào bảo tồn và phát huy được giá trị di sản. Thứ hai, chúng ta mong muốn rất nhiều nhưng chỉ làm được ít do năng lực và kinh phí. Vì vậy, buộc phải ưu tiên số hóa di sản có giá trị, bắt buộc phải bảo tồn, tiếp đến là di sản đặc biệt quý nhưng có điều kiện thuận lợi để khai thác. Thứ ba, không chỉ dừng lại số hóa, cùng với đó cần có quy hoạch, ứng dụng công nghệ, đầu tư, khai thác để phát triển du lịch, làm công nghiệp văn hóa. Thứ tư, không thể ngay một lúc số hóa được hết di sản văn hóa quốc gia, vì vậy nên triển khai theo nguồn lực, nơi nào chưa có kinh nghiệm thì nhờ tư vấn, đồng hành cùng nhiều sở, ban, ngành để tạo ra sự đồng bộ, nhất quán, đạt hiệu quả cao.

– Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội): Số hóa di sản giúp con người Việt Nam thêm hiểu biết, tự tin về văn hóa đất nước

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 10

Hiện nay, có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện số hóa dữ liệu ở những dạng thức khác nhau. Điều đó chứng tỏ rằng, mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của câu chuyện số hóa, giữ gìn tư liệu. Điều này đến từ sự cổ vũ của Chính phủ và nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp, cá nhân. Có câu chuyện, nếu số hóa quá nhiều định dạng mà không có một cơ sở dùng chung thì sẽ giống như những viên ngọc nằm khắp nơi, không tạo thành khối để tỏa sáng. Cần có thống nhất trong việc tạo ra cơ sở chung, dữ liệu lớn (big data) cho tư liệu số hóa di sản văn hóa.

Khi xã hội có nhu cầu lớn, nếu ta không đáp ứng thì sẽ tụt hậu, đó là một thực tế rõ ràng. Quá trình số hóa, tạo ra mạng lưới giúp chúng ta có sức mạnh để phân tích, lưu trữ, bảo tồn, phát triển di sản văn hóa. Di sản văn hóa luôn biến thiên theo thời gian, sự khác biệt về văn hóa tạo ra sức hấp dẫn. Số hóa giúp cho chúng ta có được cái nhìn xuyên qua sự khác biệt văn hóa, vùng miền, hiểu thêm về sự đa dạng, đó chính là sức mạnh của công nghệ, sức mạnh của số hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là nhận thức, đôi khi chưa đầy đủ từ chính những người làm văn hóa dẫn đến việc thực hiện một cách thụ động. Họ chưa nhận thấy việc số hóa giúp gì cho đơn vị, địa phương, bộ, ngành… của mình. Khi không ý thức được sẽ dẫn đến việc thực hiện đối phó và không tạo ra sức mạnh. Thêm nữa, nhân lực của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật chưa thực sự chủ động, được xem là yếu về công nghệ thông tin. Từ đó dẫn đến việc số hóa thường để giữ trong kho. Ngoài ra, cộng thêm ý thức của chúng ta chưa tốt nên cứ nghĩ rằng, giữ trong nhà thì là tài sản, chia sẻ đi thì sẽ mất. Điều này không đúng với tri thức vì càng lan tỏa, sức mạnh sẽ tăng lên, câu chuyện số hóa di sản cũng như vậy.

Chính phủ thúc đẩy, mong muốn tạo ra một xã hội số thì ngành văn hóa cần đứng ra làm thủ lĩnh, dẫn dắt câu chuyện bằng số hóa di sản văn hóa, như thế sẽ có ý nghĩa tích cực, tạo ra giá trị lan tỏa trong toàn xã hội. Số hóa giúp chúng ta không những bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà còn giúp con người Việt Nam thêm hiểu biết, tự tin về văn hóa đất nước trong hội nhập quốc tế.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử ảnh 11

(Còn nữa)

Vân Quế- Tả Minh- Trần Quân- Tuấn Dũng

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (2): Ước mơ số hóa để đi vào quá khứ, bước trong lịch sử (anninhthudo.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *