Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan

Tham gia “Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V- năm 2022”, các tác giả Đỗ Thị Vân Quế, Đỗ Trần Quân, Nguyễn Tuấn Dũng và Tả Minh đến từ chuyên đề An ninh Thủ đô, báo Công an Nhân dân đã xuất sắc đạt giải A với tác phẩm “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” với 4 kỳ liên tiếp. Cổng Thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trân trọng giới thiệu tác phẩm trên tới đông đảo bạn đọc!

Khái niệm số hóa được đề cập đến từ khoảng những năm 2010 – 2011, nhưng phải đến giai đoạn 2014 – 2016 mới trở nên quen thuộc hơn bởi một vài dự án của các “tay ngang” tự bỏ kinh phí thực hiện và công bố. Song, vai trò của số hóa chỉ thực sự phát huy ở thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành. Cả thế giới áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa bầu trời để phòng chống dịch bệnh. Không còn tự do đi lại như trước, con người buộc phải thích nghi và thay đổi những thói quen cũ. Không đến nhà hàng mà tự ở nhà nấu ăn, không ra rạp chiếu phim mà chấp nhận xem phim trên mạng, du lịch, tham quan, triển lãm, bảo tàng… tất tật đều dựa vào công nghệ. Đại dịch thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng, nhưng khi dần qua đi, nó cũng để lại một vài tác động.

Số hóa di sản: Ai là đầu tàu?

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 1

Bảo tàng 3D tương tác trực tuyến (Nguồn: Nguyễn Trí Quang)

Cũng giống như quận Hoàn Kiếm hay Đống Đa (Hà Nội) đã xây dựng trang thông tin 360 theo cách tự mày mò, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang chuẩn bị cho một dự án số hóa lớn. Dự án này được chính thức phê duyệt kinh phí vào năm 2021, triển khai trong năm 2022 và hoàn thành trong năm 2023. Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu số của Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm cả 2 hạng mục là di sản vật thể và di sản phi vật thể. Trong đó, di sản phi vật thể gồm các tư liệu lịch sử, những thông tin liên quan đến di tích. Phần di sản vật thể ngoài các công trình kiến trúc thì quan trọng nhất vẫn là hệ thống bia Tiến sĩ (82 bia từng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc – UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới). Việc ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D cho Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám dự kiến mang lại các hiệu quả như: Hình thành được kho lưu trữ điện tử cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ nhất về Văn Miếu – Quốc Tử Giám phục vụ công tác quản lý và tra cứu; Giúp khai thác nội dung dữ liệu được dễ dàng, nhanh chóng; Thông qua việc quản lý dữ liệu điện tử, phục vụ có hiệu quả công tác bảo tồn một cách toàn diện, khoa học, thuận lợi, an toàn… Việc số hóa cũng được kỳ vọng sẽ làm tăng khả năng bảo tồn, phục dựng trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn…

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh, nếu chỉ dừng ở các việc kể trên thì có nghĩa là dự án hoàn tất xong sẽ cất đi, khi nào “có chuyện” mới lấy ra để sử dụng. Để công việc số hóa thực sự có ý nghĩa, ngoài việc lưu giữ để bảo tồn thì song hành với nó còn phải phát huy giá trị di sản văn hóa. Có nghĩa là cần phải có những bước mở tiếp theo. Đó là xây dựng hệ thống tương tác trên thiết bị thông minh, ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, trải nghiệm đa phương tiện… Khách tham quan chỉ cần tải “app” (ứng dụng) là có thể tương tác, tham quan về Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngay trên điện thoại thông minh với không gian 3 chiều, xem các nội dung đa phương tiện (phim, ảnh…), giao tiếp với trợ lý “ảo” thông qua công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo), định vị GIS (công cụ dùng để thu thập, phân tích, lưu trữ dữ liệu và tạo lập bản đồ truyền từ các hệ thống định vị như GPS để sử dụng trong mục đích kinh doanh, quản lý tài nguyên, nhận dạng hình ảnh…). Công nghệ số sẽ giúp con người trải nghiệm, khám phá về di tích một cách tiện lợi, thoải mái nhất. Cùng với đó là thúc đẩy hoạt động du lịch Hà Nội với chương trình trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Đây chính là bước tiếp theo của công nghiệp văn hóa mà Hà Nội đang theo đuổi và tích cực triển khai trong suốt hơn 2 năm vừa qua.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám kể, trong một vài cuộc họp về Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025 cũng đã có ý kiến đề xuất xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, một phần mềm thống nhất cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Tức là, Văn Miếu – Quốc Tử Giám hay Hoàng thành Thăng Long, Đống Đa, Hoàn Kiếm và các quận, huyện khác… có thực hiện công tác số hóa thì nhất định phải triển khai trên nền tảng công nghệ thống nhất. Điều này là để tránh rơi vào thực trạng mạnh ai nấy làm, đây một kiểu, kia một cách, khi kết nối sẽ không liên thông được bởi không tương thích. Rồi từ hệ thống chung, Hà Nội sẽ hòa cùng hệ thống của quốc gia. Nghĩa là, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng cần phải xây dựng một hệ thống chung cho toàn quốc.

Ông Trần Đình Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch): Triển khai 7 nhiệm vụ và giải pháp thuộc Chương trình số hóa di sản văn hóa

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 2

Hiện nay, chương trình số hóa đang được Cục Di sản văn hóa tổng hợp ý kiến của địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho các tỉnh, thành phố; triển khai Dự án “Xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, theo lộ trình triển khai giai đoạn 2021 – 2025, sẽ triển khai 7 nhiệm vụ và giải pháp thuộc Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021 – 2025 (Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật; Xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ; Xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa; Quản lý, vận hành và khai thác kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế”.

Cơ chế, hướng dẫn: Vẫn đang chờ đợi

Trong kỳ trước của loạt bài viết này, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề mà bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội nêu thực trạng. Đó là hiện nay chưa có bất cứ văn bản hướng dẫn nào của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về vấn đề số hóa kể từ sau Quyết định 2026/QĐ-TTg ban hành ngày 2-12-2021 phê duyệt “Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2030”. Và quan điểm của bà Phạm Thị Lan Anh cũng đồng quan điểm với Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu – rất cần sự đồng bộ trên toàn quốc. Nếu chờ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì đến bao giờ?… Thực tế, chờ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm ở mức độ nào, công nghệ gì, nền tảng kỹ thuật ra sao, có hiện đại nhất hay không, địa phương nên làm trước hay đợi… là tâm tư của rất nhiều nhà quản lý di sản ở các tỉnh thành chứ không riêng gì Hà Nội.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 3
Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cung cấp thông tin QR code các hạng mục di tích…

Tuy nhiên, đó mới chỉ là mặt chủ trương, khi thực hiện, không ít trở ngại sẽ phát sinh trong quá trình số hóa mà theo ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (Vietsoftpro – đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia số hóa 23 bảo vật quốc gia) thì khó khăn đôi khi không nằm ở công tác chuyên môn. Nhiều địa phương tâm huyết muốn làm, nhưng hoàn toàn không có hướng dẫn cụ thể về kinh phí, ngân sách. Đó là nguyên do đến nay nhiều địa phương vẫn ngần ngại chưa muốn triển khai. Ông Hoàng Quốc Việt phân tích: “Từ câu chuyện này, tôi vẫn trăn trở rằng, nếu ai cũng ngại như thế thì mọi chuyện sẽ đứng im tại chỗ. Trong khi đó công nghệ thông tin luôn là những vấn đề mới. Tôi có thể lấy ví dụ vui thế này, khi thực hiện số hóa di sản, để có được một bức ảnh đẹp, nhiều khi phải chụp hàng trăm bức chỉ để chọn lấy bức hoàn hảo nhất. Nhưng khi thanh toán thì chỉ được trả tiền cho một bức ảnh mà thôi, còn công sức chụp các tấm còn lại sẽ chẳng được ai tính đến. Cho nên, tôi nghĩ, cái vướng ở đây không chỉ là chuyên môn mà cần một cơ chế tốt. Tôi đi đến các địa phương, thấy rất nhiều nơi muốn làm, nhưng họ ngại cơ chế”.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 4
Đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã trở thành di tích lớn đầu tiên được lưu giữ, trưng bày nguyên trạng bằng công nghệ số hóa và tương tác 3D (Nguồn: Nguyễn Trí Quang)
Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 5

Đã 9 tháng trôi qua kể từ khi Quyết định số 2026/QĐ-TTg được Chính phủ phê duyệt ngày 2-12-2021, trong đó: “Giao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì với các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả của chương trình”. Thực tế, cho tới thời điểm này nhiều cơ sở, đơn vị, tỉnh thành sốt ruột muốn số hóa trước vì thời hạn 10 năm tưởng dài, nhưng khối lượng công việc khổng lồ thì 10 năm vẫn là ngắn. Tuy nhiên, họ lại bị rơi vào tâm lý “nhỡ làm trước mà Bộ lại đề ra kiểu khác, sau này không kết nối được thì có phải lãng phí hay không?”…

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 6

“Trên thế giới hiện nay có 2 cách thực hiện việc số hóa di sản văn hóa. Thứ nhất, Nhà nước cần đầu tư xây dựng một hệ thống dùng chung, sau đó các địa phương, cơ sở quản lý sẽ tự thực hiện số hóa những di sản, di tích, hiện vật của họ rồi đưa lên hệ thống đó. Thứ hai, Nhà nước không cần làm gì cả mà chỉ cần đề ra tiêu chuẩn, tiêu chí… sao cho các cơ sở cấp dưới vẫn có thể chủ động làm sản phẩm riêng. Họ chỉ cần đảm bảo sản phẩm của mình sẽ chia sẻ, “link” (kết nối) được với các sản phẩm của cơ sở, địa phương khác trên cả nước. Tôi thấy thế giới họ hay chọn cách 2. Lý do là, nếu chọn cách 1 rất dễ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh, năm trước so với năm sau đã khác nhau nhiều. Thêm nữa, nếu cứ áp mô hình chung sẽ dễ dẫn đến triệt tiêu sáng tạo. Do đó, Nhà nước chỉ nên đưa ra tiêu chuẩn, điều đó có nghĩa là các cơ sở, địa phương căn cứ vào đó để làm tốt bằng, thậm chí có thể sáng tạo để làm tốt hơn tiêu chuẩn của Nhà nước.

Tôi lấy ví dụ, bây giờ Nhà nước giao cho công ty tôi làm một sản phẩm dùng chung, nhưng năm sau công ty khác có thể làm ra thứ tốt hơn thì sao? Không lẽ lại bắt họ hạ cấp sản phẩm xuống để cho bằng sản phẩm của công ty tôi? Như thế là vô hình trung Nhà nước đang cho tôi thế độc quyền, mà độc quyền công nghệ thì kiểu gì cũng thất bại. Năm nay có thể tôi ưu việt, nhưng năm sau có khi tôi đã lạc hậu. Vậy thì Nhà nước chỉ nên giao tiêu chí, tiêu chuẩn thôi. Nói nôm na, số hóa di sản văn hóa giống như một đoàn tàu, mỗi toa tàu là một cơ sở hoặc địa phương. Các cơ sở, địa phương muốn trang trí, đầu tư, tô vẽ, sáng tạo toa tàu của họ bằng cách nào cũng được, miễn là nó đẹp, an toàn và hiệu quả. Nhưng điều bắt buộc là các toa tàu đều phải có khớp nối đúng tiêu chuẩn để móc vào các toa khác và cùng đầu máy chạy về phía trước. Đó chính là sự đa dạng trong một thực thể thống nhất, nó giúp huy động được mọi nguồn lực xã hội. Tôi thấy các quốc gia trên thế giới hay làm theo cách này. Ngoài ra phải khẳng định số hóa di sản văn là một chương trình rất lớn nên cần phải huy động mọi nguồn lực xã hội mới có thể thành công được”.

Ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu -Quốc Tử Giám): Hiệu quả xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D di tích

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 7

– Thứ nhất, hình thành được kho lưu trữ điện tử cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ nhất về Văn Miếu – Quốc Tử Giám phục vụ lưu trữ, quản lý và tra cứu giúp việc khai thác nội dung dữ liệu được dễ dàng, nhanh chóng hơn thông qua việc quản lý dữ liệu điện tử.

– Thứ hai, việc số hóa và quy chuẩn dữ liệu hoàn thiện cơ sở dữ liệu số về tư liệu lưu trữ tại kho lưu trữ quản lý sẽ là cơ sở và nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng để thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và bảo tồn tư liệu di sản văn hóa trên các lĩnh vực, phục vụ có hiệu quả công tác bảo tồn một cách toàn diện và khoa học. Nâng cao quản lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu và quảng bá hình ảnh của Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng và thúc đẩy hoạt động du lịch của TP Hà Nội nói chung được hiệu quả, thuận lợi, an toàn.

– Thứ ba, tăng khả năng bảo tồn và kéo dài tuổi thọ của di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua các hoạt động tương tác và tra cứu thông tin tư liệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

– Thứ tư, xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (máy chủ lưu trữ và quản trị dữ liệu số; Kiosk tra cứu màn hình cảm ứng; kính thực tế ảo VR; hạ tầng kết nối…) tạo nên không gian chân thực và sống động nhất cho khách tham quan du lịch những vẫn giữ nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống đồng thời tích cực quảng bá về Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thực hiện thường xuyên, rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước, góp phần cho việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hưởng ứng Hà Nội tham gia các mạng lưới thành phố sáng tạo.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 8
Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Chuyện của bảo tàng: Đối mặt rủi ro vẫn quyết tâm số hóa di sản

Số hóa di sản là xu hướng tất yếu của các bảo tàng trên thế giới. Khi đại dịch Covid-19 có xu hướng phức tạp, việc tiếp cận trực tiếp gặp khó khăn thì bảo tàng số sẽ giúp công chúng dễ dàng truy cập, tham quan trên không gian mạng. Số hóa ngoài quảng bá, trưng bày, còn gìn giữ di sản, hiện vật cho mai sau, vấn đề còn lại là cách làm để sao cho hấp dẫn và được công chúng đón nhận. Đó cũng là quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoan – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khi trao đổi với An ninh Thủ đô về vấn đề này.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 9
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoan – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

– PV: Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật, di sản văn hóa quý của đất nước, đồng thời cũng là một trong những cơ quan chủ động đi đầu trong công tác số hóa kho tư liệu của mình. Từ đâu mà bảo tàng lại có quan điểm tích cực này, thưa bà?

– Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoan – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Số hóa các di sản, hiện vật bảo tàng thì có rất nhiều mức độ và chúng tôi đã thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, ban đầu chúng tôi chỉ làm đơn giản là nhập liệu. Còn thực hiện chuyên sâu như ứng dụng các kỹ thuật 3D thì trước đây Bảo tàng Dân tộc học cũng đã từng có ý tưởng, nhưng chưa thực hiện được. Đến năm 2013, khi phối hợp với Công ty cổ phần giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (Vietsoftpro) thì chúng tôi mới đưa vào áp dụng.

Cũng phải nói rằng, vì làm lần đầu nên ngày đó chúng tôi chỉ thực hiện số hóa theo chuyên đề trưng bày, cụ thể là 2 chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Mục đích lúc ấy cũng không dám nghĩ đến điều gì xa xôi, lớn lao, mà chỉ có mong muốn mang 2 chuyên đề đó đến với công chúng cho đỡ… lãng phí. Hai chuyên đề này chúng tôi trưng bày ở bảo tàng chỉ trong vài tháng thôi, nhưng điều đáng nói là công tác chuẩn bị cho nó vô cùng kỳ công. Mọi công sức của bảo tàng đều tập trung giới thiệu từ đầu Công nguyên cho tới thời điểm hiện tại. Và rồi chúng tôi nghĩ, cả một chuyên đề ngốn biết bao tâm huyết, tư liệu đầy ắp như thế nhưng không phải người dân nào cũng có điều kiện đến thưởng lãm. Điều đó sẽ rất phí phạm nếu như kết thúc mà không có cái gì để lưu giữ. Lúc ấy, có ý kiến cho rằng bảo tàng nên làm catalog, sách ảnh để sau đó giới thiệu, lưu trữ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ bị hạn chế rất nhiều. May sao lúc đó chính Vietsoftpro xuất hiện và đưa ra ý tưởng số hóa chuyên đề trưng bày để lưu giữ mãi mãi. Thế là chúng tôi bắt tay vào thực hiện và đến nay 2 chuyên đề đó mọi người vẫn có thể vào website của bảo tàng để tham quan.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 10
Trưng bày chuyên đề trực tuyến “Đèn cổ Việt Nam” bằng kỹ thuật 3D với trên 50 hiện vật có niên đại từ khoảng 2.500 năm trước tới đầu thế kỷ XX, bao gồm các chất liệu gốm, sắt, đồng, gỗ… đặc biệt là cây đèn đồng hình người quỳ thời Đông Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

– Sau lần thử nghiệm đó, khi đã đủ tự tin để bắt tay vào thực hiện số hóa các hiện vật, di sản, có bao giờ bảo tàng nghĩ đến tình huống mình sẽ rơi vào thế “việt vị” khi “đi trước đón đầu” không, thưa bà?

– Cũng có đấy! Nhưng chúng tôi không ngại bởi trách nhiệm của bảo tàng là làm những điều tốt nhất cho chuyên ngành của mình. Cũng phải nói thêm rằng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có một lợi thế là hay được mời tham gia các hội thảo khoa học quốc tế. Chúng tôi đến các bảo tàng nước ngoài và thấy công tác số hóa đã trở thành việc rất bình thường, vậy tại sao chúng ta lại không làm? Khi đã trả lời được câu hỏi đó thì vấn đề còn lại chỉ là công nghệ.

Sau thành công của 2 chuyên đề, chúng tôi bắt đầu nghĩ xa hơn, đó là tiến tới số hóa toàn bộ hệ thống hiện vật thuộc quản lý của mình. Nhưng tiếc là bài toán kinh phí đặt ra sẽ rất tốn kém mà điều kiện của bảo tàng thì chưa cho phép. Vậy là chúng tôi nghĩ đến làm hệ thống trưng bày cố định, từ thời tiền sử đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn, coi như vừa làm vừa thử nghiệm tiếp. Ngoài hình ảnh 3D, chúng tôi còn có thêm phần tương tác với chuyên gia. Trong quá trình làm, chúng tôi cứ xây dựng nội dung cho hiện vật còn Vietsoftpro thì thực hiện phần kỹ thuật. Phải nói là lúc đầu chúng tôi làm vẫn còn sơ khai, phần hình ảnh không gian 3 chiều chỉ là 3D xoay 360 độ. Tuy nhiên, phản hồi từ công chúng cho thấy họ đã quan tâm, hiểu được nhiều hơn, thích thú hơn… Đã thế không gian mạng lại mang tới một lợi thế là không bị giới hạn dung lượng thông tin giống như trên trưng bày. Hiện vật được số hóa còn có cái hay là khi ta muốn xem chi tiết chỉ cần “zoom” lại là sẽ rõ nét hết, điều đó cho công chúng một cảm nhận trực quan rất tốt.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 11
Hình ảnh ấn “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” – bảo vật quốc gia được Bảo tàng Lịch sử quốc gia số hóa 3D

Sau đó, chúng tôi nung nấu ý tưởng sẽ làm một cuộc trưng bày nào đó thoát ra khỏi bảo tàng, nghĩa là nó sẽ hoàn toàn “ảo”, nhưng phải đạt tiêu chí “ảo mà thật” để thu hút du khách. Đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khách đến bảo tàng tham quan gần như bằng không do quy định giãn cách nghiêm ngặt thì chúng tôi quyết định phải làm càng sớm càng tốt. Quyết định này đối mặt với một rủi ro là nếu như kết quả không được như mong muốn cũng phải chấp nhận. Hạ quyết tâm rồi thì việc còn lại là tất cả bắt tay vào làm thôi.

– Những cuộc trưng bày trực tuyến trong thời gian 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19 đã cho kết quả thế nào và đến nay bảo tàng đã số hóa được bao nhiêu phần trăm hiện vật có trong kho của mình, thưa bà?

– Trong 2 năm dịch bệnh, chúng tôi đã xây dựng nội dung giới thiệu các bảo vật quốc gia hoàn toàn bằng 3D. Và như các anh thấy đấy, bây giờ mọi người đều có thể truy cập vào để xem. Thậm chí các em học sinh đã có thể học lịch sử online bằng cách xem những trưng bày đó. Tất cả những ai chưa có điều kiện đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì bây giờ đã có thể tiếp cận được với các bảo vật, hiện vật di sản với đầy đủ thông tin, chú thích rất kỹ càng. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ số hóa được các chuyên đề bằng 3D để giới thiệu tới công chúng, còn số hóa các tư liệu vốn có của bảo tàng thì chưa làm được. Muốn số hóa thì phải xây dựng nội dung, tư liệu, việc này đòi hỏi rất nhiều công sức. Do đó, có thể nói, với những chuyên đề đã làm thì mới chỉ là một phần vô cùng nhỏ của bảo tàng.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 12
Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề online “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” bằng kỹ thuật 3D, giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật có niên đại từ đầu Công nguyên tới thời Nguyễn gồm tranh, tượng Phật, trang trí kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, nhạc khí…

– Theo bà, công tác số hóa của bảo tàng có thể sớm nhân rộng được không, bởi cho đến hiện nay nhiều di sản văn hóa đã mai một và nhận thức của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đối với vấn đề này cũng có vẻ chưa được mặn mà?

– Nhiều người cứ nói số hóa các hiện vật, di tích, di sản văn hóa là làm giống như cách chúng tôi đang làm. Thế thì tôi phải nói thật, những thứ đó chỉ là làm để giới thiệu các hiện vật, quảng bá cho bảo tàng của chúng tôi mà thôi. Đấy chưa thể gọi là số hóa. Muốn số hóa, việc đầu tiên là phải nhận thức được số hóa là gì đã. Nó phải có nền tảng cơ sở dữ liệu, đấy là vấn đề rất khó. Bây giờ tôi đặt câu hỏi, tất cả những gì tôi đã làm sẽ lưu giữ vào đâu? Làm sao để khai thác và phát triển nó? Và khai thác, phát triển nó đến mức độ nào? Ai sẽ làm việc đó? Đấy là chưa nói đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Giả dụ tôi có số hóa tốt đến mức nào đi nữa mà hệ thống trục trặc thì tất cả sẽ về con số không hết.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 13
Các chuyên gia thực hiện quét 3D ấn “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” – bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Hiện nay, chúng tôi đang rất đau đầu với một vấn đề, đó là những hiện vật nào chúng tôi đã thực hiện số hóa được đều phải mang đi gửi Vietsoftpro lưu giữ hộ. Họ đang làm việc đó hoàn toàn miễn phí và chẳng có gì ràng buộc nếu như ngày mai họ không còn tâm huyết với chúng tôi nữa. Số hóa ngoài việc khai thác còn phải bảo tồn để nếu như sau này hiện vật mai một thì chúng ta chỉ cần lấy lại các dữ liệu đó là sẽ có được phiên bản 1:1. Nhưng ở đây cũng có rủi ro, nếu các dữ liệu đó để lọt vào tay kẻ xấu thì sẽ có những bản sao được tung ra tràn lan với mục đích thương mại hay lừa đảo. Như vậy, ta lại quay trở lại những khúc mắc tôi vừa đặt ra, đó chính là cơ sở hạ tầng. Câu chuyện ai sẽ quản lý nó và mức độ bảo mật đến đâu vẫn còn chưa rõ. Đấy là tôi còn chưa nói đến việc chúng ta sẽ vấp phải câu chuyện, người làm công nghệ thì không đủ am hiểu về di sản văn hóa, người làm di sản văn hóa thì lại không biết về công nghệ.

– Có một câu chuyện thế này, ngành Công an, Hải quan… bắt giữ được các vụ buôn lậu cổ vật ra nước ngoài. Tuy nhiên, thu được tang vật rồi thì lại không biết nó thuộc về nơi nào để mà trả lại. Theo bà, nếu ngành văn hóa làm được số hóa di sản thì những cổ vật đó sẽ trả về chỗ cũ không?

– Câu chuyện này nói lên 2 vấn đề. Thứ nhất, tôi nhớ trước đây có người đã nói là cần phải gắn mã QR code để nhận diện cho hiện vật, lý do là bởi với hàng hóa có cả tỷ sản phầm người ta còn làm được thì mấy thứ hiện vật, di sản có khó gì. Người ta không hiểu QR code trong thương mại và ngành bảo tàng là 2 câu chuyện không hề giống nhau. Số hóa ứng dụng trong bảo tàng phải có tính hệ thống, phải “link” (liên kết) với nhau thì mới trở thành bảo tàng thông minh, bảo tàng số. Vì thế, nếu dùng tư duy thương mại đó để làm văn hóa thì không được. Thứ hai, vừa rồi chúng tôi làm số hóa các bảo vật quốc gia, việc quét 3D thực tế sẽ không mất quá nhiều thời gian. Nhưng việc sắp xếp cái nào với cái nào để “link” với nhau, để tra cái này còn ra cái kia, thành hệ thống thông minh, đấy mới là câu chuyện khoa học.

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 14
Thực hiện số hóa 3D cho các hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Nguồn: Vietsoftpro)

Vừa rồi cũng có báo hỏi chúng tôi về trình độ của các cán bộ Công an, Hải quan khi họ không thể nhận biết được cổ vật. Tôi xin nói thật, họ đâu có được đào tạo về khảo cổ mà nhận biết được. Đòi hỏi họ phải phân biệt được cái này là đổ cổ, cái kia là giả cổ, như thế không đúng. Đến ngay như chúng tôi hay các chuyên gia khảo cổ dành cả đời nghiên cứu về cổ vật đôi khi còn chưa phân biệt được nếu không có sự hỗ trợ máy móc chuyên sâu nữa là cán bộ Công an, Hải quan. Nhưng nếu chúng ta làm được số hóa cho các cổ vật thì việc này sẽ giải quyết được. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó chỉ là sự phát huy tác dụng tích cực của công tác số hóa thôi.

– Với tốc độ đang làm thì dự kiến bao lâu sẽ xong toàn bộ các kho hiện vật của bảo tàng, thưa bà?

– Câu hỏi này rất khó nói bởi nó quay trở lại câu chuyện lúc đầu. Tôi nhớ trong một cuộc hội thảo có người đã chia sẻ câu chuyện cán bộ công nghệ xây dựng phần mềm rồi hướng dẫn cho cán bộ bảo tàng sử dụng. Nhưng cán bộ bảo tàng chỉ cần gõ mã sai hoặc nhập liệu sơ suất là dẫn đến lỗi cả hệ thống. Thế nên tôi cho rằng, để số hóa trước tiên là phải chọn làm trước đối với những hiện vật cấp thiết, sau đó đến những bảo vật có giá trị lớn như bảo vật quốc gia. Chứ để làm đồng bộ với hơn 200.000 hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì quả thực tôi không biết phải nói thế nào, vì nó còn liên quan đến bài toán kinh phí.

Bảo tàng chúng tôi đã gặp tình huống như thế này, trong hợp đồng với đơn vị công nghệ có điều khoản phải thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống. Nhưng rồi về sau họ phá sản và chúng tôi chẳng biết làm thế nào để khắc phục cả. Làm công tác số hóa tôi rất lo ngại vấn đề đó. Trước mắt, chúng tôi cứ xây dựng trước các trường thông tin, những việc này sẽ rất mất thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi cứ làm sẵn để sau này có đưa vào số hóa thì sẽ rất là nhanh…

– Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Số hóa xong cất vào một chỗ rồi cầm chìa khóa, chờ người đến mới mở ra thì còn nói chuyện làm gì!

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 15

“Số hóa trước tiên sẽ giúp chúng ta trong vấn đề quản lý, khi công tác quản lý tốt thì sẽ phát huy giá trị của di sản. Ví dụ như các bảo vật quốc gia chúng tôi quản lý và đã số hóa 3D, công chúng có thể vào xem được và nó phục vụ rất tốt cho giáo dục, có thể làm sách, truyền thông, quảng bá du lịch… Đã gọi là bảo tàng số, bảo tàng thông minh là chỉ cần “click” chuột thì mọi thứ sẽ “link” với nhau. Chứ nếu ta cứ cất di sản vào một chỗ rồi cầm chìa khóa, chờ người này người kia đến mới mở ra để cho họ vào xem thì còn nói chuyện số hóa làm gì!”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoan (Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan ảnh 16
Đình Tiền Lệ đã trở thành di tích lớn đầu tiên được lưu giữ, trưng bày nguyên trạng bằng công nghệ số hóa và tương tác 3D

(Còn nữa)

Vân Quế- Tả Minh- Trần Quân- Tuấn Dũng

Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (3): Đường dài còn lắm gian nan (anninhthudo.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *