Trên địa bàn Thành phố phấn đấu 85% người dân sử dụng các mô hình đọc sách có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí. Phấn đấu mỗi năm tổ chức ít nhất 1.000 hoạt động liên quan đến sách, trưng bày triển lãm sách, hội sách, giao lưu tác giả – tác phẩm, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu sách mới, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và viết cảm nhận về sách…
Nhằm cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch số 268/KH-UBND của UBND Thành phố về “Phát triển mô hình đọc sách trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” đảm bảo tiến độ và đạt các mục tiêu đề ra, Sở Văn hóa và Thể Thao (VH&TT) Hà Nội xây dựng Kế hoạch số 128/KH-SVHTT triển khai thực hiện.
Mô hình thư viện lưu động giúp khơi gợi niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh, giúp giáo viên nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Ảnh minh họa
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, phát triển văn hóa đọc với mục tiêu là một trong những nội dung quan trọng góp phần vào sự phát triển văn hóa, giáo dục của địa phương, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp Nhân dân; nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ, khai thác có hiệu quả nguồn vốn tài liệu, phát triển tài nguyên thông tin trong hệ thống thư viện, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Trên địa bàn thành phố phấn đấu có 85% người dân sử dụng các mô hình đọc sách có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí. Phấn đấu mỗi năm tổ chức ít nhất 1.000 hoạt động liên quan đến sách, trưng bày triển lãm sách, hội sách, giao lưu tác giả – tác phẩm, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu sách mới, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và viết cảm nhận về sách. Phấn đấu mỗi năm có ít nhất 3.000.000 lượt truy cập, sử dụng thông tin tại chỗ và phục vụ lưu động; đạt ít nhất 2.000.000 lượt truy cập trên không gian mạng. Phấn đấu 100% người làm công tác thư viện trong hệ thống thư viện và cán bộ phụ trách tại các mô hình đọc sách trên địa bàn thành phố được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ. Phấn đấu mỗi năm đầu tư và củng cố, nâng cao chất lượng từ 100-200 mô hình tủ sách thôn, tổ dân phố, phòng đọc cơ sở. Phấn đấu 100% quận, huyện, thị xã đều có thư viện tư nhân, tủ sách gia đình.
Có thư viện sách thôn, người dân yêu đọc sách, trẻ em ham học hơn. Ảnh minh họa
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Sở VH&TT chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, hệ thống thư viện công cộng đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò của thư viện và phát triển văn hóa bằng nhiều hình thức: Pa nô, áp phích, bài viết giới thiệu về các mô hình đọc sách tiêu biểu trên địa bàn thành phố. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động thư viện như xe ô tô chuyên dụng phục vụ cho thư viện lưu động; bổ sung các bộ tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, xã hội của Thủ đô, xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên thông tin đa dạng; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn tài liệu cho hệ thống thư viện cấp huyện, cấp xã, phòng đọc cơ sở, thư viện cộng đồng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc đến sử dụng thư viện. Mở rộng giao lưu hợp tác giữa các thư viện tỉnh, thành và quốc tế bằng việc tích cực phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện truyền thông liên quan đến phát triển văn hóa đọc; tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi xuất bản phẩm; tiếp tục thực hiện dự án tái tạo thư viện công cộng. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng dẫn hệ thống thư viện công cộng tổ chức các lớp bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý cho những người làm công tác thư viện tại mạng lưới thư viện cấp huyện, cấp cơ sở, trường học trên địa bàn thành phố; tham mưu các văn bản về hỗ trợ chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác thư viện tại cơ sở. Lựa chọn, giới thiệu các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, phát triển các mô hình đọc sách trình Sở VH&TT xem xét, khen thưởng. UBND các quận, huyện, thị xã huy động nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch, trong đó chú trọng phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương…
Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ vào nội dung được phân công trong Kế hoạch nghiêm túc triển khai thực hiện.
Thảo Nhi