Tin ngành

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức kỷ niệm lần thứ XVIII Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Sáng 22/11/2022, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022…

 

Đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Tới dự buổi lễ có các đại biểu, các vị khách quý: Bà Trần Thị Vân Anh – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; PGS.TS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu Văn hóa; PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam; ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội; cùng các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, các nghệ nhân; đại diện phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã, một số xã, thị trấn;  câu lạc bộ, các cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa của Thủ đô…

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, đại diện các Nghệ nhân phát biểu tại buổi lễ

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm động viên và huy động các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Là một trong số ít các Thủ đô, thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trải qua hơn một ngàn năm với biết bao biến đổi, thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội trở thành mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa, sức mạnh dân tộc, tỏa sáng hình ảnh đất nước một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất,  là “trái tim của cả nước” – nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam.

Trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, ngành Di sản Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã từng bước phục hồi, thích ứng với tình hình chung của đất nước, vừa đảm bảo sự an toàn tại các trụ sở làm việc của ngành, các điểm di tích, di sản, vừa đổi mới tổ chức nhiều hình thức để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu để Thành ủy, UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với những điều, khoản cụ thể trong lĩnh vực văn hóa. Tham mưu để Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố….



Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm

Các quận, huyện, thị xã có nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện các chương trình công tác của Thành phố, chú trọng đầu tư cho phát triển văn hóa, bảo tồn di sản, xây dựng Hà Nội – Thành phố Sáng tạo. Nhiều không gian văn hóa dành cho cộng đồng được ưu tiên như: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây)… Đặc biệt đã có những dự án sáng tạo từ nguồn lực văn hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp như: Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt ở Bát Tràng của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh; Lễ hội đường hoa Home Hanoi Xuân 2022 tại Khu đô thị Bắc An Khánh, Hoài Đức của Tập đoàn SOVICO; Dự án tuyến phố đi bộ Bitexco (quận Hoàng Mai) và nhiều dự án xã hội hóa cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích đang được triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố…

Năm 2022,  Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội; Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội; Phối hợp tổ chức thành công Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và các Đại hội trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là Lễ Khai mạc, Bế mạc SEA Games 31 và nhiều hoạt động khác đóng góp không nhỏ vào thành công của Đại hội với thông điệp Việt Nam thân thiện, Đông Nam Á mạnh mẽ, cùng nhau tỏa sáng…

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: “ Năm 2022 là năm đầy ấn tượng, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội  trong việc duy trì các hoạt động văn hóa thể thao, đặc biệt, lĩnh vực di sản văn hóa đã hoạt động trở lại bình thường sau 2 năm chịu nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh COVID-19”.

Phó Giám đốc Sở cũng chúc mừng các nghệ nhân của Hà Nội được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2022. Đây  là những người nắm giữ và thực hành thành thạo các tri thức về văn hóa phi vật thể, nghi lễ, diễn xướng dân gian đồng thời cũng là những người truyền dạy, bảo tồn những tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

“Để đạt được những kết quả đó, chúng ta không thể không nhắc đến sự tham gia nhiệt huyết, tâm huyết, trách nhiệm và một tình yêu Hà Nội của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, đặc biệt là các cán bộ công chức, viên chức các bộ nghiệp vụ và rất nhiều tổ chức, cá nhân với tình yêu di sản Hà Nội. Sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội tuy đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhưng cũng còn nhiều dư địa để chúng ta làm tốt hơn. Chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đặc biệt là những thách thức trong việc huy động nguồn lực xã hội để tập trung cho văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh mềm, là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc và hội nhập, phát triển thành công. Với sự quan tâm của Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các tầng lớp Nhân dân;  với sự  quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là sự giúp đỡ của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, các tổ chức xã hội, đặc biệt là sự tham gia của các nhà khoa học, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và Hà Nội, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng Hà Nội sẽ kế thừa và phát triển xuất sắc các giá trị văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực di sản văn hóa để xác định di sản văn hóa sẽ góp phần xây dựng và định vị thương hiệu Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại”- Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Đức Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *