Tin ngành

Sở Văn hóa  và Thể thao Hà Nội tổ chức thành công chuyến trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tế tại tỉnh Lâm Đồng và Quảng Nam

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và Quảng Nam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong thực hiện xây dựng công nghiệp văn hóa. Qua đó, góp phần tích cực để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tham mưu Thành phố thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch văn hóa trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.

Thực hiện Kế hoạch số 365/KH-SVHTT ngày 28/5/2024, từ ngày 26/6 đến 30/6/2024,  Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Đoàn công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tế về mô hình quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, di sản, không gian sáng tạo và du lịch văn hóa tại tỉnh Lâm Đồng và Quảng Nam.

Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác đã cung cấp thông tin về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô; việc thực hiện các cam kết, sáng kiến khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO của thành phố Hà Nội. Nội dung thông tin trao đổi cơ bản: Tổng quan về thành phố Hà Nội; Nguồn lực, kết quả phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội; Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO; Một số khó khăn, hạn chế…

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Lê Thị Ánh Mai phát biểu tại buổi làm việc với Sở VHTTDL Lâm Đồng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ với Đoàn công tác nhiều thông tin, kinh nghiệm hữu ích.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 9.783,34 km², có 12 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 10 huyện và 02 thành phố, 142 đơn vị hành chính cấp xã (111 xã, 18 phường và 13 thị trấn); 1.367 thôn, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh gần 1,5 triệu người. Trên địa bàn tỉnh có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, với nhiều tôn giáo khác nhau có tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có 37 di tích được xếp hạng; trong đó có: 02 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di tích quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh. Với ưu thế về vị trí địa lý, địa hình và cảnh quan thiên nhiên, khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm nên Lâm Đồng – Đà Lạt là một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng của cả nước và quốc tế. Lâm Đồng sở hữu nhiều di sản văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa truyền thống phát triển gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng Trần Thanh Hoài thông tin về kết quả phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh

Để triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch thực hiện Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành và các huyện, thành phố thuộc tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trưởng Phòng Tổ chức Pháp chế (Sở VHTT Hà Nội) Nguyễn Minh Hạnh trao đổi thông tin tại buổi làm việc với Sở VHTTDL Lâm Đồng

Thực hiện chủ trương “tiếp nối các giá trị văn hóa cốt lõi của Đà Lạt trong hành trình phát triển thành phố thông minh, hiện đại”, quảng bá hình ảnh thành phố Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền với các chương trình có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung tuyên truyền về sự phát triển một số ngành: mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa…Lâm Đồng ưu tiên quảng bá du lịch canh nông và các loại hình, sản phẩm văn hóa du lịch mới của tỉnh; các ứng dụng Du lịch thông minh phục vụ du khách đến với Đà Lạt, Lâm Đồng; những sự kiện, lễ hội văn hóa – du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt Festival Hoa Đà Lạt gắn với Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa…Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương.

Đặc biệt, Lâm Đồng đã xây dựng Video clip phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu thông tin, hình ảnh, sản phẩm du lịch gắn với thương mại bằng nhiều ngôn ngữ (Việt, Anh, Nhật, Hàn) thông qua việc phát hành miễn phí đến các hãng lữ hành, các hội nghị, hội thảo, hội chợ trong và ngoài nước, các đoàn đi công tác nước ngoài, đoàn khảo sát liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các tỉnh…

NSND Huỳnh Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Sở VHTT Hà Nội) trao đổi về phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật tại buổi làm việc với Sở VHTTDL Lâm Đồng

Với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh Lâm Đồng có sự chuyển mình trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại từng bước tiệm cận với sự phát triển chung của đất nước đáp ứng việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương : công nghệ giữa trình diễn thực tế kết hợp với đồ họa kỹ sảo XR, AR, 3D (Mapping); các phương tiện LED, LCD hay Trivision (3 mặt lật); Triển khai các dự án công nghệ thông tin thuộc Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2018 – 2025, đặc biệt trong hoàn thiện, phát triển và quảng bá các ứng dụng thuộc lĩnh vực du lịch, gồm: Ứng dụng Đà Lạt Trực tuyến – iGov Connect Cổng thông tin Du lịch và Ứng dụng du lịch thông minh – Dalat Flower City. Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng: đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng”; thực hiện trên 300 mã QR-Code hiện vật tại nhà trưng bày chính Bảo tàng Lâm Đồng, Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên…

Không gian sáng tạo “Phố bên đồi” – một điểm nhấn trong phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh Lâm Đồng

Năm 2023, thành phố Đà Lạt đã chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO lĩnh vực âm nhạc. “Phố Bên Đồi” là một doanh nghiệp xã hội công nghiệp văn hóa sáng tạo được thành lập năm 2016. Phố Bên Đồi đã tiên phong tạo ra một nền tảng kết nối các nguồn lực trong cộng đồng, xây dựng thương hiệu “Đà Lạt – Thành phố nghệ thuật”  thông qua các dự án nghệ thuật đa – liên ngành. Các hoạt động chính của Phố Bên Đồi bao gồm: Không gian văn hóa đa – liên ngành tại Đà Lạt; Lớp học piano, hội họa, luyện thi vẽ tại Phố Bên Đồi Creative Studio; tour nghệ thuật Đà Lạt trải nghiệm và tìm hiểu các gia trị lịch sử – văn hóa – nghệ thuật; sản xuất, thiết kế ấn phẩm, quà tặng lưu niệm văn hóa; tư vấn, cung cấp giải pháp truyền thông,  thiết kế sáng tạo cho cá nhân, doanh nghiệp…Các dự án tiêu biểu như: Dự án Sách nghệ thuật “Đà Lạt- Dạo bước nghệ thuật” kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt; bản đồ Nghệ thuật Đà Lạt (một sáng kiến đóng góp việc thực hiện các cam kết thành phố sáng tạo lĩnh vực âm nhạc); Dự án cộng đồng Music Studio- Open Stage; Hội thảo “Đà Lạt thành phố Âm nhạc UNESCO”, “ Viet Nam Classical Music- Đà Lạt thành phố Âm nhạc UNESCO”…Từ năm 2017-2024, Phố Bên Đồi đã tổ chức 155 chương trình, sự kiện với 51.155 khách tham dự.

Công tác triển khai thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhìn chung đạt được những kết quả nhất định, nhờ bám sát các nội dung và nhiệm vụ được giao. Từng bước hình thành nên các lĩnh vực công nghiệp trong hoạt động văn hóa, qua đó đã có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Lê Thị Ánh Mai phát biểu tại buổi làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đã trao đổi, chia sẻ với Đoàn công tác nhiều thông tin về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh: Thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã chủ trương phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện thị trường văn hóa, gắn liền với các sản phẩm du lịch nhằm phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân; góp phần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Quảng Nam nói chung và của Hội An nói riêng. Một số sản phẩm đã khẳng định thương hiệu như show “Ký ức Hội An” thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, các sản phẩm du lịch trải nghiệm sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My); lễ hội trái cây (huyện Tiên Phước); Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú – Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); du lịch sinh thái gắn với cuộc sống văn hóa đồng bào dân tộc ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang…chính là những bước đi để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn. Trong đó, nhiều năm qua, Hội An đã tạo ra nhiều mô hình phát triển du lịch dựa vào thế mạnh văn hóa. Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, có diện tích tự nhiên 6.354 ha; dân số trên 100.500 người; có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 09 phường và 04 xã. Hội An có xã đảo Tân Hiệp (Cù lao Chàm), cách đất liền 15 km là gồm nhiều đảo lớn nhỏ với diện tích 1.654 ha, đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới có nhiều giá trị hệ sinh thái thiên nhiên. Khu phố cổ Hội An là di tích đặc biệt của quốc gia, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999; là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu, trao đổi với Đoàn công tác

Di sản văn hóa thế giới Hội An có lợi thế là nơi hội tụ của hơn 50 nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề được đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia như: Nghề gốm Thanh Hà, nghề mộc Kim Bồng, nghề trồng rau Trà Quế, nghề khai thác yến sào Thanh Châu. Hội An còn có nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như hát Bả trạo, hò khoan, sắc bùa, hô hát bài chòi, dân ca, nghệ thuật tuồng. Ngoài 2 khu trưng bày lịch sử – văn hóa và truyền thống cách mạng, Hội An còn thành lập mới 4 bảo tàng chuyên đề như: Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Văn hóa dân gian và Bảo tàng Y học cổ truyền.

Lãnh đạo đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL Quảng Nam trao đổi với Đoàn công tác

Thời gian qua, Hội An cũng đã chú trọng kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, các làng nghề, văn hóa nghệ thuật truyền thống như dân ca, hát bả trạo, hát tuồng và đương đại như thơ, ca nhạc, họa…làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng ở nơi “hội thủy hội nhân” này. Trong đó việc kết nối di sản phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An – Cù Lao Chàm và không gian văn hóa làng quê, làng nghề đã tạo thêm sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Đồng thời, Hội An đã thực hiện có hiệu quả việc trao truyền nghệ thuật dân gian, đưa vào biểu diễn phục vụ du khách; mở các lớp dân ca, nhạc cụ dân tộc, thành lập nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền. Đây là những nét nổi bật đầu tư cho việc sáng tạo và xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch bản địa có “tố chất văn hóa”, vừa bảo tồn, vừa phục vụ nhu cầu của Nhân dân, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế du lịch, tiêu biểu là chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Lễ hội đèn lồng”, “Sắc màu Lụa”, “Liên hoan âm nhạc Asian”…

Công nghiệp văn hóa đã có những đóng góp quan trọng trong việc mở ra những mối quan hệ hợp tác giao lưu giữa Hội An với các cá nhân, tổ chức, địa phương, quốc gia trên thế giới. Hội An đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các thành phố Wernigerode (CHLB Đức); Andong, Osan (Hàn Quốc); Sakai, Nagasaki, Matsusaka, Niihama (Nhật Bản), Szentendre (Hungary), … và đoàn đại biểu, nghệ sĩ, nghệ nhân Hội An đã nhiều lần được mời tham gia lưu diễn, giới thiệu văn hóa Hội An, Quảng Nam tại Đức, Pháp, Italia, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, …

Ngày 31/10/2023, Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian). Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa Quảng Nam xác định chọn Hội An là thành phố thí điểm theo hướng đặt công nghiệp văn hóa là một trong những điểm nhấn để phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm là quan tâm để thực hiện xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là hạt nhân. Đồng thời, làm thế nào để Hội An tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, là thành phố sự kiện – lễ hội của tỉnh Quảng Nam; xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch – dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Một góc trong nhà cổ Tấn Ký, di sản Quốc gia tại Hội An. Đây là điểm đến của đông đảo du khách, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đã được triển khai tốt ở Hội An thời gian qua là nhờ vào sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền thành phố Hội An. Chính quyền thành phố có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường, liên kết và khơi thông các nguồn lực, ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và người dân thông qua các chính sách phù hợp. Nhờ đó, Hội An đang trở thành địa phương đi đầu của tỉnh Quảng Nam trong việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, ở Hội An có thể thấy rằng việc đầu tư, phát triển một số sản phẩm du lịch văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa chưa được đa dạng; các mô hình thử nghiệm về không gian sáng tạo, kinh doanh khởi nghiệp chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức; các cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đơn vị kinh doanh văn hóa bán lẻ chiếm đại đa số, còn số lượng các đơn vị kinh doanh văn hóa tổng hợp và các siêu thị văn hóa thì chưa có. Khó khăn tiếp theo là vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Nhân lực trong ngành này cần đủ mọi loại kỹ năng, nhưng hiện nay đang vừa thiếu vừa yếu. Bên cạnh đó, sự liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực trong việc phát triển công nghiệp văn hóa chưa chặt chẽ. Về bản chất, các ngành công nghiệp văn hóa cần có các mạng lưới chuyên môn được kết nối chặt chẽ, từ đó giúp thúc đẩy các yếu tố thương mại trong các sản phẩm văn hóa, tạo ra các mối liên kết trong chuỗi giá trị.

Trong những năm tới, Hội An tiếp tục phát huy tốt hơn nữa các giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò của nghề truyền thống, văn  nghệ dân gian. Thành phố đã có nhiều định hướng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững, cùng nhiều mô hình khởi  nghiệp sáng tạo từ nghề truyền thống như Mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, khai thác yến sào Thanh Châu, đèn lồng phố Hội…Cùng với đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian… cần được truyền truyền dạy và tổ chức thực hành thường xuyên trên diện rộng ở cơ sở và không gian văn hóa hướng đến công chúng…

Chuyến đi thực tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm của Đoàn công tác Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại tỉnh Lâm Đồng và Quảng Nam đã thành công tốt đẹp. Qua đó góp phần tích cực để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tham mưu Thành phố thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch văn hóa trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.

P.V

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *