Trong không khí thân tình, cởi mở, hai bên đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bền vững cho các mô hình phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương…
Sáng 4/12, tại trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có buổi trao đổi kinh nghiệm với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Quang cảnh buổi làm việc
Đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội gồm có: Đồng chí Trần Thị Vân Anh- Phó Giám đốc Sở – Trưởng đoàn; lãnh đạo, công chức, viên chức các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.
Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác gồm có: Đồng chí Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện một số doanh nghiệp đang thực hiện tốt về mô hình phát triển công nghiệp văn hóa.
Đồng chí Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, trong không khí thân tình, cởi mở, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bền vững cho các mô hình phát triển công nghiệp văn hóa tại các địa phương; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, di sản, không gian sáng tạo và du lịch văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa. Đoàn Công tác của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bền vững cho các mô hình phát triển công nghiệp văn hóa tại các địa phương.
Đồng chí Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Để triển khai thành công Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 4098/UBND-VH ngày 26 tháng 6 năm 2019 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 312/CTr-UBND ngày 11/10/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó chú trọng triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tỉnh triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa tạo điểm nhấn cho Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế. Triển khai ứng dụng kết quả Đề tài khoa học “Xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa ẩm thực Huế” đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa. Xây dựng Đề án hình thành không gian mỹ thuật Huế trực thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế theo Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 08/10/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế.
Đặc biệt Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài” tại Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 29/3/2023. Sở đã triển khai nhiều hoạt động gắn với thực hiện Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài” với nhiều chương trình sự kiện văn hóa phong phú đa dạng từ năm 2020 đến nay như: tổ chức các sự kiện hoạt động trong Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế, các hội thảo, tọa đàm; giới thiệu quảng bá áo dài Huế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thành bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc Áo dài Huế” và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; tổ chức thiết kế, đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Huế – Kinh đô Áo dài”.
Về một số cơ chế chính sách phát triển văn hóa, thể thao, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực để phát triển lĩnh vực di sản, văn hóa, nghệ thuật, thể thao thành tích cao. Tiêu biểu là Nghị quyết và Đề án về hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Nghị quyết và Đề án về chính sách hỗ trợ phát triển Bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030; Nghị quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định nội dung, mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về việc quy định mức thưởng và chế độ đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên lập thành tích tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế; tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2021 – 2025 định hướng 2030.
Về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong những năm qua, Sở quan tâm, tập trung chỉ đạo đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực văn hóa, thể thao; thường xuyên phổ biến các Nghị quyết, chiến lược, đề án, chương trình… của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng đội ngũ trí thức, phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao để các cấp ủy, cơ quan, đơn vị nắm bắt đầy đủ các nội dung và tổ chức triển khai hiệu quả.
Về phát triển thể thao thành tích cao, hằng năm, Tỉnh đã ưu tiên phân bổ ngân sách cho các hoạt động thể thao, trong đó có chi phí cho đào tạo, bồi dưỡng vận động viên và huấn luyện viên bao gồm chi phí cho các khóa tập huấn, tham gia thi đấu và các chương trình đào tạo chuyên sâu. Ngoài ra, Sở VHTT thường có chương trình hợp tác với trường đại học thể dục thể thao như Bắc Ninh, Trung tâm đào tạo thể thao II để mời các chuyên gia về đào tạo, bồi dưỡng vận động viên và huấn luyện viên. Trong những năm qua, Thể thao thành tích cao của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc và dần khẳng định được vị trí đối với thể thao trong nước, khu vực, cũng như quốc tế. Thành tích và số môn thể thao thành tích cao ngày càng được nâng lên, nhất là thành tích thi đấu ở các giải thi đấu quốc gia, quốc tế và khu vực. Năm 2024, các vận động viên thể thao Thừa Thiên Huế tham gia thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế đạt 582 huy chương các loại: 157 HCV, 152 HCB, 273 HCĐ (Vượt 182 huy chương so với chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2024 của UBND tỉnh) trong đó có 35 huy chương quốc tế (14HCV, 11HCB, 10 HCĐ).
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – Trưởng đoàn công tác cho biết: Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó có 01 Di sản thế giới; 21 cụm di tích (trong đó: 93 di tích đơn lẻ) xếp hạng Quốc gia đặc biệt; 1.163 di tích/cụm di tích (trong đó: 1.174 di tích đơn lẻ) xếp hạng quốc gia; 1.512 di tích/cụm di tích xếp hạng cấp Thành phố, hơn 3000 di tích chưa xếp hạng thuộc danh mục kiểm kê. Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 41 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Có 04 di sản được UNESCO ghi danh; 22 Bảo tàng ngoài công lập, lĩnh vực hoạt động, trưng bày tập trung chuyên đề chuyên sâu theo các nhóm về: Hội họa, cổ vật, chứng tích chiến tranh, lưu niệm danh nhân. Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Năm 2022, Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hà Nội đã tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế tiềm năng: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời quan tâm phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản, Thời trang.
Thực hiện Nghị quyết 09, Hà Nội đã Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và Phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, để phát triển nguồn nhân lực, Hà Nội đã triển khai nhiều nội dung: Xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030; Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành CNVH tại Trung Quốc, đưa các nghệ sĩ của ngành tham gia chuyến biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật tại một số nước như Hàn Quốc, Nga, Pháp… Cử cán bộ tham gia chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thủ thư Dự án “Tái tạo thư viện công cộng” tại Hàn Quốc; Hỗ trợ nâng cao năng lực thiết kế quảng bá cho các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Tổ chức 40 lớp tập huấn: cho 3.400 học cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở công nghiệp nông thôn về quản trị doanh nghiệp, 600 học viên nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm; Xây dựng 23 nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Công tác tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp được quan tâm, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục bảo vệ quyền sở hữu công nghệp đối với nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghệ.
Hà Nội đã hoàn thành số hóa 3D các hiện vật và một số hạng mục quan trong tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội. Xây dựng các chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật trong không gian phố cổ, phố cũ, hình thành 05 không gian các tuyến phố đi bộ với nhiều hoạt động… với nhiều chương trình hấp dẫn khách tham quan. Nghiên cứu sáng tạo và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, triển khai các sản phẩm du lịch đêm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống, mang đến sự độc đáo, mới lạ cho du lịch Hà Nội điển hình như: tour du lịch Đêm thiêng liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, du lịch “Giải mã Hoàng thành”; Hà Nội 36 phố phường; trải nghiệm tuor “Ngọc Sơn huyền bí” và nhiều địa điểm trải nghiệm sáng tạo khác. Hoạt động đón tiếp khách thăm quan tại các di tích, bảo tàng do Thành phố quản lý: số lượng khách đến thăm quan di tích tăng dần qua các năm. Nguồn thu từ hoạt động thăm quan di tích tăng lên gấp 10 lần so với năm 2008 (đạt 90 tỷ đồng năm 2023/09 tỷ đồng năm 2008). Đồng thời, Hà Nội đã triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế du lịch văn hóa, du lịch nông thôn; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Mê Linh… Nghiên cứu triển khai các loại hình du lịch gắn với thế mạnh từng địa phương như: sản phẩm du lịch golf, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, khảo sát xây dựng tuor du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch trên sông Hồng…Xây dựng các mô hình làng nghề du lịch đồng bộ với quy hoạch, cung cấp đầy đủ các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, đa dạng, các hoạt động trải nghiệm, gắn kết chặt chẽ trong các vùng du lịch trọng điểm của Thủ đô. Xây dựng chương trình quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội liên quan đến ẩm thực với gần 200 sản vật, món ăn uống đặc sắc của Hà Nội như Phở, Cốm, bún Mạch Tràng, bún chả que tre… đã hình thành các tuyến phố ẩm thực, khu vực giới thiệu những món ăn, ẩm thực của Thủ đô, xây dựng hồ sơ đưa một số món ăn ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội vào Danh mục di sản phi vật thể Quốc gia: Cốm Mễ Trì, Xôi Phú Thượng…
Đặc biệt, thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã thực hiện 03 sáng kiến cấp độ quốc tế: (1) Tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2022, 2023, 2024, tạo được dấu ấn lớn với Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế; (2) Tổ chức Diễn đàn mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á (tháng 11/2023) với hơn 20 đại biểu quốc tế tham dự; (3) Xây dựng Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ thông qua việc tổ chức các cuộc thi có tính thiết kế, sáng tạo, các hoạt động kết nối không gian sáng tạo, các trường đại học, các tổ chức, cá nhân…hướng tới mạng lưới thiết kế trẻ, kết nối các doanh nghiệp đồng hành, hướng đến các sản phẩm có giá trị đóng góp vào ngành công nghiệp sáng tạo Thành phố.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế trao quà lưu niệm
Đoàn công tác Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khảo sát thực địa, học tập kinh nghiệm trong các mô hình phát triển công nghiệp văn hóa về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, di sản, không gian sáng tạo và du lịch văn hóa, thể thao tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Không gian trưng bày tác phẩm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương; Đại Nội Huế…
Đức Minh