Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Sáng 25/8/2022, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý Nhà nước đối với di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt trên địa bàn Hà Nội. Tham dự tập huấn gồm đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin các quận, huyện, thị xã; đại diện Ban quản lý di tích, thủ nhang các phủ, đền, điện, miếu thờ Mẫu; thanh đồng, cung văn tiêu biểu có hoạt động tín ngưỡng thường xuyên tại địa phương.
Quang cảnh hội nghị tập huấn
Trong buổi sáng, hội nghị đã nghe báo cáo viên Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa trình bày những thông tin cơ bản về di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; vai trò của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt trong đời sống; các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; văn bản số 3146/BVHTTDL-DSVH ngày 25/7/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chương trình hành động quốc giao bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; Văn bản số 618/BVHTTDL-DSVH ngày 12/02/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong thực hành di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; vai trò của các nghệ nhân trong thực hành di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt…
Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thực hành ở nhiều địa phương như Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh… Chủ thể di sản tín ngưỡng này là các thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, nghi lễ lên đồng tại các đền, phủ, điện Thờ Mẫu. Theo UNESCO, di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một sinh hoạt tâm linh, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, việc thực hành di sản văn hóa trên đây còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao, có lúc có nơi chưa thực hiện đúng với nguyên tắc tổ chức truyền thống… Những hạn chế, bất cập này đã và đang ảnh hưởng trái chiều tới nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa truyền tải thông tin tại Hội nghị tập huấn
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa đã trình bày kỹ Văn bản số 618/BVHTTDL-DSVH ngày 12/02/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong thực hành di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Để triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt thì: Chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thực hành về giá trị của Di sản, qua đó khuyến cáo việc hạn chế việc sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; Ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng niềm tin của Nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng…
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi tại Hội nghị
Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của các thủ nhang, thanh đồng, cung văn… về thực trạng thực hành di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt và những đề xuất với mong muốn việc thực hành di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt ngày càng chuẩn chỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của di sản trong đời sống cho hôm nay và mai sau.
Đức Minh