Chiều 02/8, tại Nhà văn hóa Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, Sở VH&TT đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng.
Chiều 02/8, tại Nhà văn hóa Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, Sở VH&TT đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Tô Văn Động – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội; đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VH&TT; đồng chí Bùi Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Sở VH&TT cùng toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Sở VH&TT Hà Nội; trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở; Ban chấp hành các đoàn thể thuộc Sở; các quần chúng ưu tú.
Hội nghị đã nghe đồng chí Tô Văn Động giới thiệu, quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII của Đảng.
Hội nghị Trung ương 7, khóa XII của Đảng đã thảo luận, đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, vừa cơ bản, vừa cấp bách, liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và đã thông qua Nghị quyết Hội nghị gồm 03 nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Cụ thể Nghị quyết số 26-NQ/TW đã xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá: Hai trọng tâm là: (1) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. (2) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Năm đột phá là: (1) Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. (2) Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền. (3) Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện. (4) Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài. (5) Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Như chúng ta đã biết, tháng 4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TƯ về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, việc thực hiện Nghị quyết 39 đã tạo bước chuyển mạnh mẽ, tích cực về công tác tổ chức cán bộ nói chung. Theo đó, Hà Nội dẫn đầu với tất cả các tiêu chí: toàn thành phố đã giảm 59 phòng, ban; 39 trưởng phòng, ban; 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ và giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các cơ quan này. Tại Sở VH&TT Hà Nội: giảm từ 10 phòng còn 9 phòng; từ 22 đơn vị sự nghiệp còn 16 đơn vị; giảm số lượng cấp trưởng, phó…
Làm rõ hơn Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng chí Tô Văn Động nhấn mạnh: “Tư duy mới về công tác cán bộ phải là tổ chức đi tìm cán bộ, không để cán bộ đi tìm tổ chức; Chủ trương bổ nhiệm là ưu tiên nguồn tại chỗ, ưu tiên cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ đúng ngành nghề… Phân công, phân cấp, phân quyền gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát và có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực…”.
Có thể nói, đổi mới tư duy về công tác cán bộ là đòi hỏi, yêu cầu khách quan hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển của đất nước cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, việc cải cách chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội cũng cần được quan tâm, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Tô Nga
Theo MaskOnline