Tin ngành

SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ

​Tối 10/10, hàng chục sự kiện văn hóa nghệ thuật được tổ chức trải rộng trên khắp đại bàn Thành phố, tạo nên không khí lễ hội mừng 60 năm Thủ đô được giải phóng, trong đó đặc sắc nhất là cầu truyền hình nghệ thuật “Hà Nội- Niềm tin và hy vọng”. 

* Tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, chương trình nghệ thuật đặc sắc "Tháng Mười Hà Nội" được Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam dàn dựng công phu, hoành tráng theo hình thức bán sử thi thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca, múa, nhạc kết hợp hình ảnh minh họa của  phim, phóng sự tài liệu…Chương trình nghệ thuật gồm 3 phần với tên gọi: Hà Nội – Một thời hoa lửa, Thời hòa bình và 30 năm đổi mới, Thành phố vì hòa bình. Thông qua các hình thức nghệ thuật, công chúng được thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh về vẻ đẹp của Hà Nội  qua các thời kỳ: chiến tranh, hòa bình, thời bao cấp và khi cùng đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. "Tháng Mười Hà Nội" quy tụ hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng nhiều thế hệ như: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Quang Huy và diva Mỹ Linh… 

SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 60 NĂM 1.jpg

* Tại điểm cầu Văn Miếu- Quốc Tử Giám là chương trình "Hương sắc Hà Nội" với màn trình diễn 250 bộ áo dài từ 15 bộ sưu tập của 5 NTK nổi tiếng Hà Nội gồm: Đức Hùng, Anh Thư, Võ Thùy Dương, Lan Hương và Nguyễn Thảo. Các bộ sưu tập được thiết kế theo mẫu truyền thống của dân tộc, dựa trên ý tưởng từ các làng nghề truyền thống Việt Nam như nghề làm tò he, làm quạt, khảm trai, thư pháp, gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, hoa giấy, thêu ren… với sự tham gia của hơn 200 nghệ sỹ là các người mẫu có tên tuổi, uy tín trong làng người mẫu Việt Nam. Điều đặc biệt là những bộ áo dài đều được thiết kế theo mẫu áo dài truyền thống của dân tộc, không có sự cách điệu nên rất phù hợp với sự tôn nghiêm của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Là chương trình thời trang nghệ thuật sắp đặt và tương tác đặc sắc, với 10 màn trình diễn liên hoàn, không gian làng nghề Hà Nội được tái hiện không chỉ qua các bộ sưu tập áo dài mà còn được truyền tải đến công chúng bằng hai màn múa được dàn dựng công phu là múa lụa và múa sen (đại diện cho 2 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội: làng nghề dệt lụa và trồng hoa). Đêm hội "Hương sắc Hà Nội" còn thêm đặc sắc, sinh động bởi sự tham gia của gần 60 nghệ nhân đến từ 20 làng  nghề truyền thống. Các nghệ nhân đã trực tiếp tái hiện các nét sinh hoạt của các làng nghề truyền thống đến đông đảo khán giả có mặt tại đêm hội.

SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 60 NĂM 2.jpg

* Trong không khí hân hoan, háo hức của ngày hội lớn, đông đảo người dân và du khách quốc tế đã thưởng thức chương trình nghệ thuật "Hà Nội ngày về" được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Với kịch bản được chuẩn bị công phu, “Hà Nội ngày về” được chia làm 5 chương: Tạm biệt Hà Nội; Ngời sáng Điện Biên; Hà Nội ngày về; Non sông liền một dải và Hà Nội linh thiêng tỏa sáng. Thông qua các loại hình nghệ thuật: kịch, múa, hát, xiếc, biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng… với sự tham gia của các giọng ca nổi tiếng, có nhiều gắn bó với Hà Nội: Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thanh Lam, Trọng Tấn, Tấn Minh…đã tái hiện sống động câu chuyện về Hà Nội thân yêu từ những ngày mùa đông năm 1946 đến Hà Nội sôi động, đổi mới hôm nay.

SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 60 NĂM 3.jpg

Minh Huệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *