Sơn Tây là đất văn hiến, địa linh nhân kiệt đất sinh hai vua, cũng là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nên nét đặc sắc riêng của vùng đất này. Những cái tên: Thành cổ, làng cổ, Đền Và, chùa Mía, đình Mông Phụ, đình Đông Sàng, cổng làng Mông Phụ, lăng Ngô Quyền…là niềm tự hào của người Sơn Tây và xứ Đoài. Theo thống kê, Sơn Tây có 244 di tích, 78 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 16 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 01 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thị xã đang đề nghị nâng cấp xếp hạng cấp Quốc gia di tích đền Măng Sơn, xã Sơn Đông.
Làm thế nào để xây dựng thị xã hiện đại gắn với giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống nơi đây? Đó là câu hỏi mà nhiều năm qua các cấp chính quyền thị xã Sơn Tây luôn đặt ra nhằm hướng phát triển thị xã vừa hiện đại, văn minh nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.
Xã Đường Lâm với làng cổ Đường Lâm là một ví dụ tiêu biểu trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống. Ở đây, người dân còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ. Đến Đường Lâm ta sẽ bắt gặp một khung cảnh cổ kính, với cây đa, bến nước, sân đình, với tiếng gà gáy mỗi buổi sớm mai, những ngôi nhà cổ, những bức tường đá ong rêu phong, cổ kính…Bức tranh cuộc sống yên bình thật hiếm lạ ở vùng ngoại ô.
Đến Sơn Đông, Thanh Mỹ, tuy không cổ kính, tiêu biểu như Đường Lâm, nhưng bộ mặt nông thôn mới nơi đây thật khang trang, sạch sẽ với đường làng, đường ngõ thoáng, rộng, hệ thống trường học khang trang, 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được triển khai tốt ở các thôn, xã. Nhiều năm qua, cũng như xã Đường Lâm, các xã ngoại thành thị xã Sơn Tây luôn chăm lo đời sống tinh thần của người dân và tích cực tu bổ, tôn tạo các giá trị di tích trên địa bàn.
Tuổi trẻ Sơn Tây tiên phong trong triển khai thực hiện nếp sống văn minh.
Bên cạnh việc phát triển NTM, việc thực hiện Chương trình số 07 – CTr/TU, ngày 13/6/2016 của Thị ủy Sơn Tây về “Phát triển văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 -2020” được triển khai bài bản, hiệu quả. 15/15 phường, xã của địa phương đã làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa, phát triển thị xã gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 04/CT –TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Để hiện thực hóa tinh thần Chỉ thị số 04/CT –TU của Thành ủy Hà Nội và Chương trình số 07 – CTr/TU của Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây đã xây dựng Đề án số 339/ĐA-UBND ngày 22/6/2017 về “Nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thị xã giai đoạn 2017-2021”. 15/15 xã, phường đã thành lập Ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn, tổ dân phố với 582 thành viên tham gia. Từ năm 2016 đến nay, thị xã đã đầu tư xây mới, cải tạo 42 công trình văn hóa cơ sở. Những công trình mới, hiện đại cùng với những công trình cổ kính ngàn xưa của cha ông để lại đã tạo cho Sơn Tây một nét riêng, vừa cổ kính lại vừa hiện đại. Thị xã cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm. Đến nay, Sơn Tây đã thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích đình, miếu, điếm, giếng và nhà cổ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu cấp đất giãn dân và các dự án dân sinh khác trong khu vực Làng cổ theo tinh thần Quyết định số 4142/QĐ-UBND ngày 5/8/2014 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Đề án “đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy di tích Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây giai đoạn 2014-2020 ”.
Phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, nhiều năm qua, Đảng ủy, chính quyền thị xã Sơn Tây luôn chú trọng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn thị xã đạt trên 94%; có 66/77 tổ dân phố văn hóa; 48/66 làng văn hóa, 100% xã, thôn trên địa bàn được bố trí quy hoạch sân chơi thể thao,…
Thanh Quy