Di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng sinh ra, gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với đó, di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong cộng đồng, cho cộng đồng và vì cộng đồng. Mối quan hệ mật thiết này tạo nên […]
Di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng sinh ra, gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với đó, di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong cộng đồng, cho cộng đồng và vì cộng đồng. Mối quan hệ mật thiết này tạo nên sự gắn bó khăng khít giữa cộng đồng và di sản. Thiếu đi vai trò của cộng đồng, di sản văn hóa phi vật thể sẽ không còn sức sống. Nói một cách khác, cộng đồng là “bảo tàng sống” lưu giữ giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
Đa dạng loại hình di sản phi vật thể
Hà Nội là địa phương sở hữu khối lượng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ nhất cả nước với 1.793 di sản, được chia thành 6 loại hình: Lễ hội truyền thống, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.
Trong số 1.793 di sản, có 270 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần ưu tiên bảo vệ; 4 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, gồm: Hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (Sóc Sơn), Kéo co ngồi ở Hội đền Trấn Vũ (Long Biên), Kéo mỏ ở Hội đền Vua Bà (Sóc Sơn) và Ca trù – di sản nằm trong danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO cùng 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau quá trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (2013 – 2016), Hà Nội đã phát hiện ra nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc đã và đang bị biến đổi nghiêm trọng một phần do tác động khách quan của quá trình phát triển xã hội, một phần do tác động của con người hoặc chính chủ thể di sản. Điều này cho thấy sức sống di sản phụ thuộc khá nhiều vào vai trò của cộng đồng.
Đánh giá cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Một di sản có sức sống bền vững hay không phụ thuộc vào cộng đồng và nghệ nhân của cộng đồng đó. Bản chất của di sản luôn gắn với một cộng đồng nhất định. Di sản sinh ra trong lòng cộng đồng và cộng đồng là nơi nuôi dưỡng di sản, là không gian để di sản thực hành một cách chân thực nhất. Cộng đồng luôn đóng vai trò trung tâm bên cạnh vai trò của các bên liên quan. Vì thế, cần chú trọng đến vai trò của cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững”.
Sức sống di sản phụ thuộc cộng đồng
Với vai trò chủ thể của di sản, quá trình cộng đồng nắm giữ, thực hành và gìn giữ di sản thế nào sẽ ảnh hưởng đến sức sống của di sản ấy. Tại Hà Nội, có thể thấy, không ít di sản được bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống cùng những phong tục tập quán, lễ nghi. Điển hình nhất trong số các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn tốt phải kể đến lễ hội. Đây là loại hình di sản thu hút sự quan tâm của cộng đồng, chính quyền địa phương, nhà nghiên cứu và đông đảo du khách. Không ít lễ hội được phát huy giá trị một cách tích cực, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương nhờ gắn với phát triển du lịch như: Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), Hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn), Hội đền Và (Sơn Tây), Lễ hội Tản Viên Sơn thánh (Ba Vì)…
Không ít lễ hội có quy mô làng xã, tuy không mang lại hiệu quả kinh tế như những lễ hội lớn nhưng vẫn được cộng đồng bảo lưu nguyên vẹn giá trị qua nhiều thế kỷ. Có thể kể tới Hội đền Vua Bà ở thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) – nơi có trò kéo mỏ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa đại diện nhân loại cùng một số địa phương khác. Đáng nói là, trải qua nhiều thế kỷ, Hội đền Vua Bà và trò kéo mỏ chưa một lần bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng ban Hương lão Thượng đình thôn Xuân Lai cho biết: “Hơn 6 thế kỷ qua, Hội đền Vua Bà năm nào cũng diễn ra, ngay cả trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người dân chúng tôi tin rằng ngài (Vua Bà) luôn che chở cho dân làng, vì thế năm nào cũng tổ chức lễ hội để tri ân công đức của ngài. Trong lễ hội không thể thiếu trò kéo mỏ cùng các trò diễn hầu Thánh khác. Chúng tôi luôn bảo nhau thực hành đúng các nghi lễ, phong tục trong lễ hội để giữ gìn nguyên vẹn di sản của cha ông”.
Không may mắn như di sản kéo mỏ ở Xuân Lai, nhiều di sản khác tại Hà Nội hiện đã biến mất hoàn toàn như: Nghề làm giấy bản ở làng Hồ Khẩu, An Thái; nghề làm giấy quỳ ở Đông Xã, nghề dệt lĩnh ở làng Trích Sài (nay các làng này đều thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ). Một số di sản đang đứng trước nguy cơ mai một vì số người thực hành di sản còn quá ít như: Nghệ thuật hát ống ở Hải Bối (Đông Anh), tranh Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), nghệ thuật hát Xa Mạc (Mê Linh)…
Bên cạnh đó, không ít loại hình di sản từng đứng trước nguy cơ mai một đã được hồi sinh thần kỳ. Đó là nghệ thuật hát dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai); hát chèo tàu (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng); hát trống quân ở các xã Khánh Hà (Thường Tín), Phúc Tiến (Phú Xuyên) và Hát Môn (Phúc Thọ) hay di sản tiếng lóng Đa Chất (Phú Xuyên), nghề thêu Đông Cứu (Thường Tín), nghề rèn Đa Sỹ (Hà Đông)…
Thực tế cho thấy số người tham gia thực hành di sản ngày càng ít, di sản không được thực hành thường xuyên và rơi vào quên lãng, nhưng nhờ sự quan tâm của cộng đồng, chính quyền địa phương, các chuyên gia nghiên cứu và ngành Văn hóa, những di sản này được hồi sinh, phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng, được thế hệ trẻ quan tâm theo học, tìm hiểu và kế thừa.
Tất cả những minh chứng trên cho thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phụ thuộc vào nhận thức của cộng đồng và điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương. Theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng: Cộng đồng có vai trò quan trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên, vẫn cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các chuyên gia nghiên cứu. Cộng đồng và di sản đóng vai trò trung tâm, những thành phần còn lại sẽ là thế “chân kiềng” vững chắc để việc nắm giữ, thực hành di sản của cộng đồng không đi chệch quỹ đạo. Muốn vậy, phải nâng cao nhận thức và hiểu biết về di sản để cộng đồng tự giác giữ gìn di sản.
Bảo tồn “động” di sản
Khác với di sản vật thể, di sản văn hóa phi vật thể luôn vận động, biến đổi theo nhu cầu của cộng đồng và hoàn cảnh, điều kiện kinh tế – xã hội. Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể vì thế đòi hỏi phải linh hoạt theo hướng bảo tồn “động”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Việc bảo tồn “động” di sản là giữ gìn di sản đó trong lòng cộng đồng và gắn kết với đời sống hôm nay. Với sự tham gia của chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu, cộng đồng sẽ dựa trên sự hiểu biết của mình và với tư cách là chủ nhân của di sản sẽ quyết định di sản được bảo tồn như thế nào trong bối cảnh xã hội đương đại”.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội) khẳng định: Cần phải gắn lợi ích của cộng đồng với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Khi cộng đồng thấy được những lợi ích di sản mang lại, họ sẽ tự nguyện giữ gìn và tìm cách sáng tạo để di sản vừa giữ được cái hồn cốt truyền thống, vừa phát huy tối đa các giá trị và mang lại nguồn lợi cho cộng đồng. Rất nhiều di sản hiện đang được sáng tạo trên nền tảng truyền thống, và chính trong quá trình sáng tạo ấy, cộng đồng sẽ tìm về với yếu tố gốc của di sản. Đó cũng là cách bảo tồn “động” phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Không ai khác, chính cộng đồng là người tạo ra và nuôi dưỡng di sản. Vì thế, bảo tồn “động” với những chính sách linh hoạt cũng là cách để di sản sống trong cộng đồng. Ở một chiều cạnh nào đó, có thể coi cộng đồng là “bảo tàng sống” lưu giữ những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội:
Hà Nội luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Điều đó được thể hiện qua việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kiểm kê, đánh giá một cách khoa học, đầy đủ về hệ thống di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực cho công tác quản lý nhà nước. Qua đó, ngành Văn hóa, chính quyền địa phương sẽ đồng hành cùng cộng đồng để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy việc thực hành di sản cho thế hệ trẻ, đưa chương trình giáo dục di sản vào nhà trường và cuộc sống để thế hệ trẻ kế thừa, bảo tồn di sản ngày một tốt hơn.
Theo Báo Hànộimới
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/984018/su-gan-bo-khang-khit-giua-cong-dong-va-di-san