Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thông tin cũng có vai trò quan trọng. Mỗi một loại hình thông tin, truyền thông đều có vai trò để góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung. Hệ thống loa phường, xã (gọi tắt loa phường) cũng vậy. Cái chính, phát triển, vận hành ra sao mới là điều quan trọng.
Nhằm đa dạng nguồn thông tin – truyền thông cũng như nhận thấy vai trò quan trọng của công tác thông tin cơ sở trên nền tảng số, ngày 20/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp đó, ngày 7/9/2021, Bộ Thông tin – Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT về việc ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Căn cứ vào 2 Quyết định quan trọng trên, vừa qua UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Thành phố. Kế hoạch nêu rõ, Thành phố sẽ phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối, thống nhất từ Trung ương đến Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
Phấn đấu đến năm 2025, 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân. Phấn đấu đến năm 2023 sẽ có hệ thống thông tin nguồn thành phố để cung cấp thông tin thiết yếu cho cơ sở, và đến năm 2025 sẽ có 100% sở, ngành thuộc Thành phố và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên hệ thống thông tin nguồn Thành phố.
Loa phường phát huy hiệu quả trong hoạt động thông tin cơ sở |
Theo kế hoạch, đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói. Bên cạnh đó, Thành phố còn đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, hiện Thành phố có 579 đài truyền thanh cơ sở đang hoạt động. Qua các giai đoạn khác nhau, căn cứ vào từng thời điểm, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Thành phố làm sao với từng giai đoạn, loa phường sẽ được đưa vào sử dụng hiệu quả nhất trên nền tảng số.
Đặc biệt, các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định số lượng loa hoạt động và vị trí lắp đặt, thay đổi cả liều lượng âm thanh và thời lượng phát để tránh ảnh hưởng xấu đến mọi người. “Đặc thù mỗi khu dân cư có những nhu cầu tuyên truyền khác nhau, loa phường chỉ là một trong số các phương tiện để tuyên truyền thông tin đến cơ sở nhưng không thể phủ nhận hình thức này đã phát huy hiệu quả trong việc giúp người dẫn tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Thành phố, góp phần vì sự phát triển Thủ đô và đất nước”, bà Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh.
Vẫn còn nguyên giá trị
Có người nói rằng, chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, khi thông tin đã “thừa mứa” trên không gian mạng, thông tin chính thống trên hệ thống báo điện tử thì có nhất thiết phải sử dụng hệ thống loa phường, xã nữa không? Ý kiến này, xét góc độ nào đó cũng có phần đúng. Tuy nhiên, ở góc độ hình thức truyền thông, hiệu quả thông tin, tuyên truyền thì cần có góc nhìn rộng, toàn cảnh hơn.
Nếu nói thời buổi công nghiệp 4.0 với cách tiếp cận thông tin nhanh, đa dạng thì cần gì hệ thống loa phường ở Hà Nội. Nhưng nên nhớ, hiện đại như Nhật Bản họ vẫn sử dụng hệ thống loa phường, xã. Đơn giản, khi xảy ra các sự cố thiên tai, địch họa, thảm họa, hệ thống truyền thanh này truyền tải thông điệp nhanh nhất.
Thậm chí, chúng ta quá lệ thuộc vào internet trên nền tảng số, nhưng ví như có sự cố bất khả kháng, internet không có, xảy ra những vấn đề liên quan đến thiên tai, địch họa…thì lấy gì thông báo cho nhân dân? Bởi vậy, chúng ta không nên phủ nhận vai trò của loa phường mà quan trọng là các thức vận hành thế nào để không làm ảnh hưởng đến người dân, mà chỉ đem lại lợi ích cho nhân dân. Điều này, Thành phố đã nhìn thấy và đang khắc phục. |
Không nói đâu xa, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người đánh giá loa phường là một trong những kênh thông tin hiệu quả nhất. Có thể ngày hôm nay chúng ta đang sống trong thời buổi lên ngôi của công nghệ và dòng chảy thông tin ngập tràn trên không gian mạng, nhưng cũng bình tâm hoặc thật lòng với chính mình đa số những người dùng điện thoại thông minh lên mạng để tìm kiếm những gì. Thậm chí, ngày nghỉ hay tối đoàn viên, chúng ta không khó gặp hình ảnh gia đình mỗi người cầm một chiếc điện thoại thông minh để lướt mạng.
Tất nhiên, không ai phủ nhận tính đa dạng trong cách tiếp nhận thông tin trên không gian mạng của thời công nghệ số, nhưng khi nói “thông tin” ở góc độ “binh chủng thông tin tuyên truyền” thì hệ thống loa phường vẫn là một lực lượng nòng cốt, chứ không phải đã “làm tròn sứ mệnh lịch sử” của thời quá khứ như một số người từng đề cập.
Rõ ràng, tính hiệu quả trong thông tin, truyền thông của hệ thống loa phường đã được kiểm chứng trong quá khứ và những thời khắc đặc biệt của hiện tại. Để phù hợp với xu thế số hóa, từ Chính phủ đến cấp tỉnh, thành trên phạm vi cả nước đang triển khai hàng loạt vấn đề liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện mục tiêu: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Và sự phát triển của hệ thống thông tin cấp cơ sở phường, xã của Thủ đô cũng nhằm thực hiện mục tiêu chính quyền số, xã hội số. Chắc chắn hệ thống loa phường, xã phát triển trên nền tảng số, hiện đại, văn minh để bắt kịp với đỉnh cao của công nghệ chứ không đơn thuần là hệ thống loa truyền thanh tương đối lạc hậu như hiện tại.
Lẽ dĩ nhiên, việc vận hành hệ thống loa phường phát nội dung như thế nào, phát khi nào cũng sẽ là yếu tố quan trọng. Xin nhắc lại, qua đợt dịch bệnh vừa qua, có lẽ không ít người đã cảm nhận được giá trị của những chiếc loa phường. Tức là vào những thời điểm đặc biệt, khi có các vấn đề khẩn cấp liên quan đến thiên tai, địch họa (như thời kỳ những năm 60-70 của thế kỷ trước) hay những sự kiện trọng đại của đất nước, Thủ đô… hẳn là vai trò của những chiếc loa phường đã được thừa nhận. Còn bình thường, hệ thống loa phường phát định kỳ trong tuần để thông báo về những tin tức diễn ra trên địa bàn xã, phường để người dân biết. Xét cho cùng, việc loại bỏ hay duy trì hệ thống loa truyền thanh cũng không ngoài mục tiêu là làm sao cho công tác tuyên truyền xã hội, thông tin đại chúng được tốt hơn, hiệu quả hơn, văn minh hơn, phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn…/.
PGS.TS Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội):
Loa phường vẫn còn tác dụng Loa phường có nhiều tác dụng, đặc biệt ở những thời điểm cụ thể. Ví như thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát. Còn ở cơ sở, những nơi mà các phương tiện thông tin khác không thể “vươn tới” được thì vai trò và tác dụng của loa phường, xã là rất lớn.
Tuy nhiên, với loa phường ở thời điểm hiện tại thì cần xem xét và rà soát để có hướng khôi phục cần thiết. Bởi nhiều khu vực, loa phường không đóng vai trò là kênh truyền tải thông tin chủ lực. Trong trường hợp lắp loa phường, cũng cần có những đánh giá cụ thể đến những tác động của loa phường tới người dân sống bên cạnh, đến những người dân trong khu vực xem họ phản ứng thế nào. Nói cách khác, mọi chính sách phải xuất phát từ dân, từ những nhu cầu cụ thể của người dân nên Thành phố phải có sự rà soát, đánh giá và xem xét hết sức cụ thể về vấn đề này. Ở đâu cần thì chúng ta lắp và khôi phục. Việc lắp đặt, truyền tải thông tin ra sao, phát thông tin lúc nào… cũng cần có sự lựa chọn và khảo sát phù hợp. Chỉ có như vậy mới có thể tránh được những phản ứng tiêu cực từ dư luận, tránh được sự lãng phí không cần thiết. Hiện chúng ta đang ở thời đại 4.0 với sự phát triển công nghệ mạnh mẽ. Thủ đô ta cũng phát triển và có nhiều nỗ lực trong ứng dụng các nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào việc xây dựng và phát triển. Bởi vậy, hy vọng với loa phường, các cấp ngành Thành phố sẽ có những định hướng phù hợp, ứng dụng công nghệ mới và triển khai theo đúng nguyện vọng của người dân để phát huy hiệu quả cao nhất. ——————————- Ông Vũ Đình Mạnh (Phó trưởng Công an phường Liễu Giai, quận Ba Đình): Loa phường đóng vai trò hết sức quan trọng và thiết thực Loa phường theo tôi đóng vai trò hết sức quan trọng và thiết thực. Chẳng hạn, ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, loa phường góp sức rất lớn trong việc truyền tải các thông điệp phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước tới các hộ dân trên địa bàn. Đảm bảo tất cả người dân đều có thể tiếp cận một cách nhanh nhất, tốt nhất các thông tin liên quan đến phòng, chống dịch bệnh. Ngay cả hiện tại, vai trò của loa phường cũng khó có thể phủ nhận. Thông qua hệ thống truyền tải thông tin này, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, việc cấp căn cước công dân trong dịp cao điểm thời gian qua… cũng được triển khai rộng khắp, giúp người dân nắm bắt thông tin và thực hiện. Lại một ví dụ khác, nhiều thời điểm trên địa bàn có các trường hợp người già hoặc trẻ nhỏ chẳng may đi lạc. Nhờ hệ thống loa phường được phủ rộng khắp, thân nhân của những trường hợp đó nhanh chóng nắm bắt được tin tức và tìm đến Công an phường. Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về loa phường, tuy nhiên, theo tôi, việc Ủy ban nhân dân phường tổ chức phát loa vào khung giờ nhất định trong ngày đã có hiệu quả rất lớn. Ở những khung giờ nhất định này, người dân hình thành thói quen tiếp nhận thông tin và ít bị ảnh hưởng. ——————————- Ông Phạm Tiến Thành (Tổ trưởng Tổ dân phố số 12, Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm): Kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả Tôi có rất nhiều kỷ niệm với loa phường từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Hầu hết, thế hệ trẻ chúng tôi được nghe thông tin qua loa phường. Ngồi cạnh bếp ngay đầu ngõ, 5 giờ sáng hàng ngày, lắng nghe loa phường phát thanh về bản tin thời sự trong và ngoài nước, đặc biệt là tin tức về hoạt động của người dân trong địa bàn phường. Đến nay, loa phát thanh cũ đã được gỡ bỏ, thay vào đó là loa phát thanh mới, nhưng vẫn thường xuyên đưa thông tin của phường về các Tổ dân phố để nhân dân nắm bắt, hoặc để hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc vận động quần chúng. Loa phường trong đợt dịch Covid-19 hoạt động rất tích cực, phát thanh viên đã giúp người dân nắm bắt được toàn bộ những chỉ đạo quan trọng của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường. Từ đó các Tổ dân phố sẽ có những biện pháp phòng, chống dịch 5K chung và đảm bảo làm sao cho phù hợp với địa phương cư trú. Tác động tích cực từ loa phường, số lượng F0 tại phường Phúc Diễn được hạn chế, không có ổ dịch lây lan, người dân nắm bắt được thông tin, đăng ký tiêm chủng đầy đủ… Từ đó có thể thấy được rằng, trong đợt dịch Covid-19, sự xuất hiện của loa phường rất cần thiết. Sau đợt dịch bệnh, phương tiện này vẫn phát huy được tính chất tuyên truyền đại chúng. Nó vẫn là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc kêu gọi nhân dân đi đăng ký định danh cá nhân, căn cước công dân gắn chip hoặc đơn giản hơn là thông báo về công việc chung của cả Tổ dân phố. Theo tôi, loa phường là phương tiện truyền thông lâu đời, gần gũi, nên được tiếp tục phát huy giá trị với tần suất sử dụng thường xuyên cho nhân dân. Đây là loại phương tiện quan trọng đối với rất nhiều người cao tuổi, khi họ không sử dụng smartphone hoặc kém nhanh nhạy với các thiết bị công nghệ hiện đại. Việc phát huy giá trị của loa phường cũng là cách nhanh nhất để gắn kết cộng đồng người dân trong phố, lưu giữ được nét giá trị văn hóa đặc biệt mà Thủ đô đã có từ rất lâu đời. ——————————- Chị Bùi Thị Hằng (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội): Điều chỉnh hoạt động để phù hợp với cuộc sống hiện đại Qua báo đài tôi thấy dư luận đang quan tâm đến thông tin về việc Hà Nội đang muốn đưa loa phường vào sử dụng thường xuyên. Nhiều thông tin trên mạng xã hội tôi đọc được mang tính trái chiều, điều đó dễ hiểu vì có lẽ họ có trải nghiệm không dễ chịu đối với loa phường. Nhưng đối với những người thế hệ 7x như tôi, loa phường là cách truyền thông rất gần gũi và không thể thiếu trong cuộc sống. Đúng là thời buổi công nghệ 4.0, việc loa phường phát liên tục trong ngày với âm lượng to sẽ gây phiền hà đến cuộc sống của người dân. Nhưng tôi cho rằng điều đó đã ở thập kỷ trước. Trước mỗi vấn đề nổi cộm của Thành phố, người dân cần đọc thông tin chính thống để nắm được bản chất vấn đề. Theo tôi được biết, Thành phố cũng có quy định việc lắp đặt loa có nguyên tắc tránh trường học, đoàn ngoại giao, khu vực có người già cũng như thay đổi về thời lượng phát sóng. Thời gian phát loa truyền thanh trên địa bàn các quận tối đa 2 buổi sáng – chiều mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần; thứ Bảy, Chủ nhật chỉ phát khi có trường hợp đặc biệt; thời lượng phát tối đa 15 phút/buổi. Như vậy, tôi cho rằng cách điều chỉnh hoạt động của loa phương này là phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhằm cung cấp cho người dân thông tin chính xác, kịp thời, phong phú, chất lượng, làm tốt nhiệm vụ đưa thông tin thiết yếu đến người dân. Đ. Luyện – B.Phương – Q.Linh (Lược ghi) |