Các chuyên gia cho rằng, công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô lịch sử cần phải đi cùng với việc bảo tồn di sản, giữ gìn, tôn tạo và bảo tồn giá trị các di tích kiến trúc, quỹ kiến trúc công trình.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì Hội thảo.
Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn còn nhiều khó khăn
Trình bày đề xuất của Hà Nội, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Thủ đô hiện có tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải sinh hoạt còn thấp, chậm được cải thiện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội thảo. |
Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng ven đô, hạ tầng giao thông công cộng và kết nối liên vùng. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (công trình giao thông, nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên,…) còn chậm.
“Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. Việc sử dụng đất đai còn chưa hiệu quả, đặc biệt là đất nông nghiệp. Việc khai thác lợi thế giá trị gia tăng từ đất còn nhiều hạn chế; cơ sở pháp lý riêng của từng dự án, một số công trình chung cư cao tầng đang đầu tư xây dựng, làm gia tăng thêm áp lực về dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành.
Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nên Thành phố còn chưa lập được quy hoạch không gian ngầm để tích hợp với Quy hoạch chung xây dựng, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Việc thực hiện các khu đô thị chức năng, đô thị vệ tinh chậm”, ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, việc lưu trữ, quản lý hồ sơ các công trình có giá trị qua các thời kỳ còn thiếu, chưa đầy đủ. Tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép, trái phép trong thời gian trước đây đã phá vỡ công năng, kiến trúc, làm biến dạng các công trình có giá trị. Việc thực thi đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn bị kéo dài. Còn phát sinh những trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” dẫn đến sự chắp vá, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Đến nay, việc phục dựng, bảo tồn biệt thự, công trình kiến trúc cổ cần có nguồn kinh phí rất lớn; chưa có cơ chế quản lý hữu hiệu và huy động nguồn lực của cá nhân, tổ chức trong quá trình quản lý, sử dụng biệt thự, công trình kiến trúc cổ.
Việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước; cấp điện, chiếu sáng thông tin liên lạc…) của Thành phố chưa được thực hiện đồng bộ trên các tuyến phố chính, đặc biệt trong khu vực nội đô lịch sử, đến nay cũng vẫn chưa được hoàn thiện. Công tác quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thành phố thiếu tính đồng bộ, chưa được đầu tư đúng mức.
”Đối với phát triển giao thông, hiện nay tỷ lệ quỹ đất giao cho giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn quá thấp so với yêu cầu. Trong khi đó, việc mở rộng tuyến giao thông trong khu vực nội đô là rất khó khăn, cộng thêm chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường rất cao, gây sức ép cho ngân sách của Thành phố”, ông Thắng nói.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, đồng thời nghiên cứu tạo ra các cơ chế, chính sách có tính đột phá, Sở Xây dựng và các ngành liên quan đã nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đô thị, trong đó tập trung vào các nội dung: Cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử; Quản lý và phát triển nhà ở tại Thủ đô; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, thương mại và công nghiệp tại Thủ đô; sử dụng nguồn lực đất đai cho phát triển Thủ đô; vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại đô thị và các giải pháp thực hiện.
Chỉnh trang đô thị phải đi cùng với việc bảo tồn di sản
Phát biểu tại hội thảo, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng, các chính sách liên quan đến công tác cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị của Hà Nội đã thể chế hóa cơ bản đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị; tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị. Tuy nhiên, nhìn nhận lại thực trạng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thiếu đồng bộ, chồng chéo; chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn.
“Hiện chưa có nhiều đồ án, dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị được thực hiện do loại hình dự án này khá phức tạp, quy định luật pháp luật chưa có sự điều chỉnh sâu rộng. Do công tác chỉnh trang đô thị thường có những tác động lớn đến người dân, vì vậy nếu không có cơ chế chính sách cho vấn đề này sẽ thường xuyên gặp phải những vướng mắc”, ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô lịch sử cần phải đi cùng với việc bảo tồn di sản, giữ gìn, tôn tạo và bảo tồn giá trị các di tích kiến trúc, quỹ kiến trúc công trình; gia tăng giá trị cảnh quan, tạo trật tự, kỷ cương trong hình thái kiến trúc đô thị, trong cách sử dụng công trình đô thị, trong cơ chế gìn giữ môi trường, bảo quản, bảo dưỡng công trình và không gian đô thị.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, nên dùng cơ chế công – tư hợp tác trong cơ chế chuyển dịch đất đai, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Ví dụ trong cải tạo chung cư cũ, nếu dùng ngân sách để cải tạo chung cư cũng không ổn, và sử dụng cơ chế công tư là phù hợp, chính quyền phải quyết định dịch chuyển vì mục đích gì và người dân phải thấy được lợi ích của mình.
GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, Hà Nội có dư địa đất đai còn lớn. |
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, Hà Nội có dư địa đất đai còn lớn, nhưng phải có quy hoạch hợp lý thì mới có giá trị gia tăng lớn, là nguồn lực công để đầu tư tiếp.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), về bộ mặt đô thị của Hà Nội, đã có nhiều thay đổi tích cực theo chiều hướng hiện đại, văn minh hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt mang tính biểu tượng qua các phố cổ, phố đi bộ, phố đêm… Thành phố cũng đã có nhiều cố gắng trong việc duy tu các phố cổ, nhà biệt thự cũ.
Nhưng xét trên bình diện cả thành phố, công tác này cần nghiên cứu thêm những giải pháp đồng bộ cả về nguồn vốn, khai thác xử lý, biện pháp để người dân cùng có trách nhiệm tham gia.
“Như vậy nếu nhìn vào hai khía cạnh bộ mặt của đô thị Hà Nội. Chúng ta đều thấy chung một vấn đề là cần một cơ chế hợp lý, rõ ràng để khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vốn vào hệ thống giao thông, đường xá của Thành phố theo quy hoạch đã được duyệt, ngoài ra cũng cần có biện pháp cụ thể để giải quyết, cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là các khu có đặc thù khó khăn”, ông Hiệp nói.
GS.TS Đặng Văn Bài nêu quan điểm, nên ưu tiên đầu tư các dự án bảo tồn cho các di tích có khả năng tạo ra nguồn thu trực tiếp bổ sung nguồn vốn tái đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá. Thường thì dự án tu bổ di tích và dự án phát triển du lịch là hoàn toàn tách biệt, mặc dù có nhiều nội dung liên quan gắn bó mật thiết với nhau.
Đã đến lúc phải tập trung đầu tư công cho những dự án mang tính tích hợp và bao trùm để biến di sản văn hoá từ dạng tài sản văn hoá – tài nguyên du lịch thành loại “hàng hoá đặc biệt” có giá trị kép cả về mặt văn hoá và kinh tế”, GS.TS Đặng Văn Bài nói.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến đều sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tình cảm với Hà Nội; khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đảm bảo lần sửa đổi này sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp Thủ đô ngày càng phát triển.