Di sản

Tăng cường công tác phát huy và bảo vệ di tích

Kết thúc đợt khảo sát tại các quận, huyện về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và công tác đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao, vừa qua, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về công tác phát huy và bảo vệ di tích trên địa bàn Thành phố.


Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận

Hà Nội hiện có 5.922 di tích, gồm có 2.435 di tích xếp hạng các cấp (Di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng thành phố) và 3.486 di tích chưa xếp hạng. Trong đó, chia theo loại hình có 50 di tích lịch sử cách mạng; 2.007 ngôi chùa; 1.804 ngôi đình; 811 ngôi đền; 292 ngôi miếu,… Thành phố có 18 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 3 di sản được UNESCO công nhận (di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp) và 1 di sản Tư liệu thế giới,… Sau khi khảo sát, lập hồ sơ, đánh giá và phân loại kiểm kê, hiện có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn tu sửa. Cụ thể, có 448 di tích xuống cấp và 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm…

Riêng với các thiết chế văn hóa, thành phố hiện có 7.980 thôn (làng) và tổ dân phố với 2.330/2.528 thôn (làng) có Nhà văn hóa (đạt 92,2%) chủ yếu đảm bảo về diện tích nhưng chưa đồng bộ về trang thiết bị, nội dụng và phương thức hoạt động. Toàn thành phố có 294/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 100% các xã được công nhận có hệ thống Nhà văn hóa, khu thể thao cơ bản đảm bảo theo tiêu chí, quy định hiện hành của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, trong giai đoạn 2014-2016, Sở Văn hóa và Thể thao đã đầu tư xây dựng thí điểm, bàn giao quản lý 7 điểm tập với 168 dụng cụ thể thao ngoài trời phục vụ miễn phí cho nhân dân tập luyện, rèn luyện sức khỏe ở một số quận trên địa bàn…

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao luôn chú trọng công tác quản lý, thường xuyên tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ các cấp. Đến nay, đã thẩm định, tham mưu, báo cáo UBND thành phố phê duyệt chủ trương lập dự án cho 136 di tích; tu sửa cấp thiết 27 di tích. Đồng thời, ban hành văn bản thỏa thuận 8 hồ sơ dự án tu bổ di tích theo thẩm quyền; cắm mốc giới tại một số di tích; thiết lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám… Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao cũng đã tham mưu UBND thành phố tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thông tin – thể thao; đặc biệt là hệ thống tại cơ sở được thành phố đưa vào tiêu chí phấn đấu của Chương trình 04-CTr/TU và Kế hoạch 155/KH-UBND,…

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao một số mặt công tác mà ngành Văn hóa và Thể thao đã đạt được như: Tham mưu; quản lý; tu bổ di tích cũng như bảo quản, phát huy giá trị di tích… Nhấn mạnh công tác quản lý văn hóa phải thường xuyên, đồng chí đề nghị ngành cần tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, gắn trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao các cấp theo quy định; hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý…

Đối với các kiến nghị tại buổi làm việc, đoàn giám sát sẽ tiếp thu và tổng hợp chung, xem xét, đề nghị giải quyết theo thẩm quyền.

Quỳnh Anh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *