Ngày 26/4, đại diện ban quản lý, giám đốc một số di tích, bảo tàng đã ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút khách tham quan giai đoạn 2017-2021.
Ngày 26/4, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đại diện ban quản lý, giám đốc một số di tích, bảo tàng trọng điểm thuộc Bộ VHTTDL và TP Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút khách tham quan giai đoạn 2017-2021.
Với mục tiêu tăng cường, nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá, phát huy giá trị của những di sản văn hóa đang được trưng bày và lưu giữ tại các bảo tàng, di tích; về các hoạt động của bảo tàng, di tích, làng văn hóa để thu hút khách tham quan, hỗ trợ chủ thể văn hóa, cộng đồng, nâng cao uy tín, thương hiệu của các bảo tàng, di tích, làng văn hóa và vai trò của ngành di sản văn hoá trong xã hội.
Lần đầu tiên, 17 đơn vị (16 bảo tàng, di tích và 1 cơ quan truyền thông) cùng ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, khai thác, hỗ trợ thế mạnh của mỗi đơn vị, hạn chế những điểm còn yếu kém khi thực hiện đơn lẻ.
Theo biên bản ký kết, một số di tích, bảo tàng trọng điểm thuộc Bộ VHTTDL và TP Hà Nội như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội…
Các đơn vị sẽ phối hợp trên các nội dung: Tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá: Phối hợp tổ chức quảng bá, giới thiệu các sự kiện chung của các bên hướng tới phục vụ công chúng vào các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, dịp nghỉ lễ truyền thống; ngày Quốc tế bảo tàng 18/5, ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 hàng năm; Phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu khách tham quan để xây dựng các hoạt động phù hợp; Hợp tác với các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng để xây dựng các chương trình và lộ trình thăm quan phù hợp cho học sinh, sinh viên đến với các bảo tàng, di tích, làng văn hóa; Trao đổi với các công ty du lịch, lữ hành để phối hợp xây dựng các chương trình riêng biệt phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế; Phối hợp đào tạo, tập huấn, trao đổi về nghiệp vụ truyền thông, marketing nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ làm công tác truyền thông; Phối hợp, hỗ trợ chủ thể văn hóa, cộng đồng kết nối hoạt động, quảng bá liên thông giữa các bên.
Xuất bản các ấn phẩm: Xây dựng các ấn phẩm chung theo vùng hoặc theo nhóm nhằm giới thiệu, quảng bá hoạt động của các bên; Hợp tác với các đơn vị truyền thông có uy tín xây dựng các chương trình giới thiệu hoạt động chung của các bên; Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nội dung hoạt động của các bên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Truyền thông trên Trang Thông tin điện tử (Website) của các bên: Kết nối đường dẫn giữa các trang web; Chia sẻ tài nguyên số (tin bài, hình ảnh, nội dung); Chia sẻ các video giới thiệu nội dung.
Ngoài ra, các đơn vị cũng sẽ phối hợp trong các hoạt động khác như: sử dụng các hình thức băng-rôn, pa-nô, poster, tờ rơi, tờ gấp, namecard…. quảng bá hoạt động của các bên để khách tham quan dễ nhận biết; Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc đặt biển chỉ dẫn, hướng dẫn khách tham quan đến với bảo tàng, di tích, làng văn hóa.
Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận; tuân thủ quy định của pháp luật; tôn trọng tính đặc thù, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Nguyên tắc phối hợp tuân thủ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan; Tôn trọng đặc thù riêng của các bên; Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chính trị của mỗi bên; Phối hợp trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận giữa các bên.
TH
Theo MaskOnline