Câu nói “Dân cường thì nước thịnh” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục vào năm 1946 đã liên tục được nhắc đến trong những chương trình kỷ niệm 70 năm ngày Thể thao Việt Nam vừa qua. Thực tế cho thấy, để thực hiện […]
Câu nói “Dân cường thì nước thịnh” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục vào năm 1946 đã liên tục được nhắc đến trong những chương trình kỷ niệm 70 năm ngày Thể thao Việt Nam vừa qua.
Thực tế cho thấy, để thực hiện tốt điều này, vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc cung cấp điều kiện tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) cho nhân dân là rất quan trọng.
Chủ trương đúng, hiệu quả thực hiện còn hạn chế
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc thiếu phương tiện, điều kiện tập luyện là nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không tham gia tập luyện TDTT và điều đó dẫn tới hệ lụy về sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên phạm vi toàn cầu, ít vận động thể chất là một trong số nguyên nhân gây ra cái chết của 1,9 triệu người mỗi năm.
Dự thảo Dự án “Tăng cường hoạt động thể lực phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2016-2020” do Tổng cục TDTT (Bộ VH,TT&DL) chủ trì, khi đề cập đến việc người Việt Nam ít hoạt động thể lực đã dẫn số liệu của HeathBridge, một tổ chức phi chính phủ về y tế công cộng. Theo đó, sau khi khảo sát đối với 3.600 người dân Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy có 34% số người được hỏi nói rằng họ không tham gia bất kỳ hoạt động TDTT nào, nguyên nhân chủ yếu là thiếu phương tiện, địa điểm tập luyện.
Người dân thuộc mọi lứa tuổi hào hứng tập luyện thể dục thể thao
Cũng theo thông tin từ dự thảo nói trên, gần 1/3 số người trưởng thành ở Việt Nam ít vận động thể lực – một trong bốn nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) đang gia tăng nhanh ở Việt Nam. Điều quan trọng là những người chấp bút cho dự thảo này khẳng định rằng, hoạt động thể lực sẽ dần trở thành thói quen hằng ngày của người dân khi họ có được một môi trường tập luyện và cơ sở hạ tầng thuận lợi. Cơ sở hạ tầng ở đây là đường sá, công trình công cộng, địa điểm tập luyện TDTT cho người dân…
Kết quả khảo sát nói trên phản ánh phần nào thực tế vấn đề luyện tập TDTT của người Việt Nam, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, ngành, cơ quan liên quan. Về điểm này, có thể khẳng định rằng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân thông qua các chỉ thị, nghị quyết, đề án, luật liên quan đến phát triển nền TDTT. Tại Thủ đô, năm 2012, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ đối với TDTT Thủ đô đến năm 2020”. Đến năm 2014, UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch phát triển TDTT TP Hà Nội đến năm 2020… Câu hỏi còn lại là các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện định hướng chung như thế nào?
Bài học từ Long Biên, Quốc Oai
Thực tế cho thấy điều kiện, môi trường tập luyện TDTT của nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương cũng như trách nhiệm thúc đẩy của các cấp ủy đảng.
Trong buổi kỷ niệm 70 năm ngày Thể thao Việt Nam của quận Long Biên, Chủ tịch UBND quận Vũ Thu Hà chia sẻ: “Muốn có thể chất tốt, bên cạnh việc chủ động tìm các hình thức tập luyện phù hợp, người dân cần được chính quyền tạo điều kiện luyện tập. Muốn vậy, phải có địa điểm, dụng cụ luyện tập chứ tổ chức tập huấn quanh năm nhưng không có địa điểm, dụng cụ thì không hiệu quả”.
Đá cầu là môn thể thao được nhiều người ưa thích
Cách nghĩ đúng dẫn đường cho hành động đúng, tạo hiệu quả cao. Năm 2013, Trung tâm TDTT quận đã tham mưu cho chính quyền quận Long Biên trang bị dụng cụ thể thao ngoài trời cho các phường nhằm thu hút thêm người tập luyện thể thao. Đến năm 2014, trên địa bàn quận đã có 31 điểm công cộng tại 14 phường được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời, với tổng kinh phí lên đến hơn 20 tỷ đồng. Kể từ đó, số người tập luyện thể thao tăng khoảng 3 lần so với trước.
Ông Vũ Văn Điệp, Tổ trưởng Tổ dân cư số 5, phường Long Biên, quận Long Biên cho biết: Trước khi CLB thể thao Nhà văn hóa 56 Tư Đình được UBND quận Long Biên đầu tư trang thiết bị thể thao ngoài trời, nhiều lắm cũng chỉ có mấy chục người tham gia tập luyện tại đây. Bây giờ, mỗi ngày CLB đón hơn 100 người tới tập. Người dân phấn khởi, chỉ mong được tiếp tục đầu tư thiết bị để đỡ phải chờ nhau quá lâu. Sắp tới, quận Long Biên tiếp tục triển khai lắp đặt thiết bị tập luyện ngoài trời cho từng tổ dân phố và là quận đầu tiên ở Hà Nội thực hiện được việc này. Ngoài ra, mỗi nhà văn hóa, CLB thể thao ở các tổ dân phố được quận hỗ trợ 5 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động.
Tại huyện Quốc Oai, đến nửa cuối năm 2015, mặt sân vận động huyện toàn đất, trời mưa nhỏ là không ai có thể tập luyện được ở đây. Sau khi được UBND huyện đầu tư làm mặt cỏ nhân tạo, số người đến tập luyện thể thao tăng nhanh. Theo Giám đốc Trung tâm TDTT Quốc Oai Nguyễn Xuân Tuyến, có những ngày hàng nghìn người đến sân vận động để tập. Ngoài ra, các giải đấu ở đây cũng được tổ chức nhiều hơn, thu hút nhiều người hơn. Điều đó cho thấy nhu cầu tập luyện thể thao của người dân lớn như thế nào…
Trong thực tế, chỉ nói riêng địa bàn Hà Nội, không phải nơi nào cũng có được điều kiện thuận lợi để thực hiện giải pháp hỗ trợ nhân dân rèn luyện thể lực thường xuyên. Có nơi gặp khó về nguồn đất phục vụ việc xây dựng nhà thi đấu; nơi khác có quỹ đất nhưng lại thiếu kinh phí, muốn xây hồ bơi cho trẻ có chỗ tập luyện khi hè về mà bao năm chưa thực hiện được.
Chuyện hay ở Long Biên, Quốc Oai (Hà Nội) hay chuyện dở ở nơi nào đó chỉ là vài ví dụ trong số bao điều có thể dẫn ra để khẳng định rằng: Vấn đề phụ thuộc ở nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở về vị trí và vai trò của thể thao trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân.
Minh Quang