Nếp Sống văn hoá

Tập trung mọi nguồn lực phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Tại hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn Thành phố do Thành uỷ tổ chức, vấn đề đang đặt ra sau nửa thập kỷ triển khai thực hiện Nghị quyết, gắn với một nội dung trọng tâm là xây dựng Người Hà Nội văn minh, thanh lịch đã được nhiều ý kiến nhìn nhận và bàn thảo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Internet.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 33, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng việc ban hành 32 văn bản, trong đó, trọng tâm là Chương trình hành động số 29-CTr/TU, ngày 10/10/2014, của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 43/KH-UBND, ngày 18/02/2016, của UBND Thành phố, với 2 định hướng lớn là xây dựng và phát triển văn hóa; xây dựng con người Thủ đô phát triển toàn diện, từ đó, cụ thể hóa thành 1 mục tiêu chung, 9 mục tiêu cụ thể, 7 chỉ tiêu, 38 đề tài, dự án, đề án, kế hoạch để thực hiện.

Chính vì thế, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 33 đã được Hà Nội triển khai đồng bộ, toàn diện. Cụ thể, Hà Nội đã có nhiều chính sách, giải pháp để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, như: Ban hành Chỉ thị 11 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; ban hành Quy tắc ứng xử của CB,CC,VC trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”, bước đầu được triển khai hiệu quả, mang lại hiệu quả tích cực; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” và “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương” trong nhà trường…

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Thành phố xác định là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở. Thông qua đó, nhiều phong trào đã được phát động, có hiệu quả tốt, như phong trào “xanh – sạch – đẹp”, “Người Hà Nội nói lời hay, làm việc tốt”, “Phong trào xây dựng phường văn hóa, làng văn hóa, xã văn hóa, cơ quan văn hóa”,… Trung bình hằng năm, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 85%; “Làng văn hóa” đạt 60,5% và “Tổ dân phố văn hóa” đạt 71%.

Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng; nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Trong 5 năm qua, nguồn kinh phí bố trí cho lĩnh vực văn hóa của Thành phố đạt trên 4,28 nghìn tỷ đồng; huy động trên 4,3 nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa đầu tư cho 38 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, trong đó, có 6 dự án đã hoàn thành; đồng thời, thu hút trên 164 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án văn hóa, thể thao.

Chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của Thủ đô và đất nước, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Giáo dục – đào tạo có bước đổi mới căn bản, chú trọng giáo dục toàn diện về phẩm chất và năng lực người học. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ từ Thành phố tới cơ sở, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, văn hóa tinh thần và giữ vững ổn định xã hội.

Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Ảnh minh hoạ: Internet.

Đề cập đến một nội dung cụ thể, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định vai trò quan trọng của thị trường văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Theo ông Động, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33, một trong các giải pháp được đưa ra để phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Qua đó, góp phần giải quyết mối quan hệ “văn hóa trong kinh tế” và “kinh tế trong văn hóa”. Ông Tô Văn Động nhấn mạnh: “Công nghiệp văn hóa làm cho thị trường văn hóa, trong đó có thị trường văn hóa Thủ đô ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa lưu thông. Trong bối cảnh nền cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay, cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc thị trường văn hóa, từ đó tăng cường vai trò của cơ quan quản lý các cấp nhằm khơi nguồn các dòng chảy văn hóa; xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa Thủ đô…”.

Bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc, tích cực triển khai Nghị quyết 33 của các cấp, các ngành Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người, nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 còn mang tính thụ động, chưa có chiều sâu. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả trong quản lý còn hạn chế. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển chưa đều, chưa thường xuyên, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh còn chưa đáp ứng yêu cầu…

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành của thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện những nội dung đã chỉ ra trong báo cáo và đề nghị quan tâm thực hiện tốt 5 nội dung:

Một là, tiếp tục đổi mới hơn nữa trong công tác chỉ đạo triển khai tuyên truyền các chương trình, kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương. Thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện gắn chặt chẽ với triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Rà soát, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, nhất là cơ chế, chính sách phát triển văn hóa để phù hợp với thực tiễn Thủ đô và quốc tế. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; trọng dụng người có tài, có đức để tạo điều kiện cho sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong phát triển văn hóa. Tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động văn hóa và quan tâm tạo cơ chế phối hợp, tăng cường ký hợp đồng đầu tư chiều sâu để có thêm nhiều các công trình, tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật. Mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, giới thiệu văn hóa Thủ đô, xúc tiến văn hóa du lịch thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa.

Bốn là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở. Nâng cao năng lực trong việc tham mưu, đề xuất, quản lý các hoạt động văn hóa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Năm là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, đánh giá kết quả; kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải pháp chọn lọc trong hội nhập văn hóa; tích cực đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Bằng khen cho 10 đơn vị. Ảnh: Internet.

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã khen thưởng 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 33.

PV

 

 

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *