Thời gian qua, công tác quản lý di tích đã có những biến chuyển đáng kể và trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý di tích
Theo số liệu thống kê sau khi rà soát, số di tích trên địa bàn Hà Nội hiện có 5.922 di tích. Trong đó, có 1 di tích xếp hạng Di sản thế giới; 11 di tích xếp hạng Quốc gia đặc; 1.182 di tích xếp hạng Quốc gia, 1.202 di tích xếp hạng Thành phố và 3.487 di tích chưa xếp hạng. Dự kiến, số lượng di tích xếp hạng trong năm 2018 là khoảng 70 di tích.
Một trong những kết quả nổi bật của năm 2017 là công tác kiểm tra di tích có đột phá với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, nắm bắt những khó khăn, hạn chế, những đề xuất, kiến nghị của địa phương để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác quản lý di tích.
Theo Sở VH&TT Hà Nội, so với những năm trước đây, công tác quản lý di tích đã có những biến chuyển đáng kể. Đặc biệt là năm 2016, trong quá trình xây dựng Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, Sở VH&TT đã phối hợp với các địa phương căn cứ tình hình quản lý thực tế và các quy định để xây dựng nội dung về quản lý và phân cấp quản lý giữa Sở và UBND các quận, huyện, thị xã; phường, xã, thị trấn và Ban quản lý di tích cơ sở.
Sở VH&TT tiếp thu ý kiến của các địa phương để tiếp tục nghiên cứu; thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn địa phương thực hiện công tác quản lý di tích đúng quy định pháp luật và Quy chế quản lý di tích trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại hạn chế như đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về bảo tồn và phát huy giá trị di tích của các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng di tích xuống cấp lớn, mặc dù đã được chính quyền quan tâm đầu tư, huy động xã hội hóa để tu bổ. Việc khoanh vùng bảo vệ di tích khi lập hồ sơ xếp hạng trước Luật Di sản văn hóa năm 2001 còn có những bất cập… Trong khu vực khoanh vùng di tích còn lẫn nhiều hộ dân, các công trình đã ổn định từ nhiều năm nên khó khăn trong việc di dời, cải tạo, sửa chữa…
Công tác rà soát về phạm vi bảo vệ mới chỉ thực hiện đối với di tích đã xếp hạng, chưa thực hiện việc rà soát đối với di tích chưa xếp hạng, xác định hiện trạng về sử dụng đất, nhà và di tích, những tồn tại hạn chế cần xử lý, khắc phục, xác định rõ trách nhiệm quản lý. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích còn chậm…Vì vậy, một trong những nhiệm vụ Sở VH&TT xác định năm 2018 là giao các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát về phạm vi bảo vệ di tích và xác định hiện trạng về sử dụng đất, nhà và di tích, những tồn tại, hạn chế cần xử lý, khắc phục; tiếp tục thực hiện và hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các di tích trong danh mục kiểm kê.
Ngoài ra, UBND cấp huyện có kế hoạch di dân giải phóng mặt bằng khu vực bảo vệ di tích…, nghiên cứu, xem xét việc điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Đất đai. UBND cấp xã chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với đất trong khu vực bảo vệ di tích bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, trái với pháp luật.
Tập trung nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hiện đang tổng hợp, trình danh mục thống kê chi tiết các di tích xuống cấp để tu bổ. Theo Sở, các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, đang trong tình trạng xuống cấp, rất cần được tu bổ tôn tạo kịp thời. Trong số hơn 1.160 di tích đã xếp hạng cấp Quốc gia có khoảng 20% số di tích bị xuống cấp; số di tích xuống cấp nặng cần đầu tư tu bổ kịp thời khoảng 60 di tích; việc tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa phải được các cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương lập dự án theo quy định.
Tính đến hết quý I-2018, số di tích đang được triển khai lập hồ sơ chống xuống cấp là 23 di tích, số di tích được trình chủ trương lập dự án (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) là 17, số di tích được trình chủ trương lập báo cáo tu sửa cấp thiết là 6 di tích, số di tích trình thẩm định dự án hoặc thiết kế bản vẽ thi công là 20 di tích. Số di tích được lập quy hoạch tổng thể là 3 di tích gồm: chùa Thầy, chùa Tây Phương và Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trong thời gian tiếp theo, Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Thành phố xem xét, bố trí từ nguồn xây dựng cơ bản đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt (theo hạng mục ưu tiên), hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích cấp quốc gia (trước mắt ưu tiên tập trung các di tích phục vụ du lịch, di tích xuống cấp nặng). Bên cạnh đó là nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ sửa chữa, tu sửa cấp thiết để chống đỡ, gia cố tạm thời hoặc sửa chữa nhỏ để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, bị hủy hoại đối với các di tích xuống cấp nặng do cấp huyện quản lý; sửa chữa, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các di tích cách mạng kháng chiến.
Các quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí do cấp mình quản lý và đối ứng kinh phí với di tích được hỗ trợ từ ngân sách thành phố (trước mắt ưu tiên tập trung các di tích phục vụ du lịch, di tích xuống cấp nặng); tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Các địa phương thực hiện giải pháp đầu tư trong công tác tu bổ tôn tạo di tích với khoảng 200 di tích được tu bổ, tôn tạo; trong đó có từ 60 – 150 di tích được thành phố đầu tư và hỗ trợ đầu tư, số còn lại từ ngân sách của huyện và huy động xã hội hóa.
Tuy vậy, ý kiến của các địa phương cho rằng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn lúng túng với các thủ tục hành chính khi làm hồ sơ xin tu bổ. Do đó, Sở VH&TT Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý Di tích danh thắng sớm hoàn thiện và ban hành thủ tục hành chính về tu bổ tôn tạo di tích để giảm những thủ tục rườm rà khi đăng ký cho các địa phương, đơn vị; báo cáo lãnh đạo Sở trước ngày 15/6.
Thanh Hằng (Tổng hợp)
Theo MaskOnline