HNP – Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, ngày 01/8/2008, huyện Thạch Thất tiếp nhận 03 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Từ đó, 3 xã này trở thành một vùng có vị […]
HNP – Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, ngày 01/8/2008, huyện Thạch Thất tiếp nhận 03 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Từ đó, 3 xã này trở thành một vùng có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện Thạch Thất, trong đó đồng bào dân tộc Mường giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của 03 xã.
Phụ nữ dân tộc Mường xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất luyện tập cồng chiêng
Các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình thuộc vùng núi, nằm ở phía Tây của huyện Thạch Thất, có diện tích tự nhiên hơn 5,3 nghìn ha, gồm 35 thôn dân cư, 4.258 hộ dân với 18 vạn người, trong đó, dân tộc Mường là hơn 10 nghìn người, chiếm tỷ lệ 59,41% dân số của 03 xã và bằng 5,42% so với dân số toàn huyện.
Văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể, tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Người Mường ở các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình hiện vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như: Về văn hóa vật thể có nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt; về văn hóa phi vật thể có ngôn ngữ, Mo Mường, cồng chiêng và các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian dân tộc Mường…
Những năm gần đây, việc phát huy những tiềm năng lợi thế của 03 xã dân tộc miền núi đã được quan tâm đẩy mạnh, cơ cấu kinh tế đang từng bước được chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Cùng với đó, huyện cũng tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Công tác phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã đạt được một số kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận và nhiệt tình tham gia cùa đồng bào. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ, các hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ.
Tuy nhiên, do sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền, các dân tộc đã tác động mạnh và đa chiều từ nhiều luồng văn hóa, đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa, một số giá trị văn hóa truyền thống của Dân tộc Mường trên địa bàn không còn lưu giữ được, một số đã bị biến đổi, không đúng nguyên gốc của nó hoặc đã và đang dần bị mai một.
Trước thực trạng trên, huyện Thạch Thất đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa Mường. Đặc biệt, năm 2016, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, huyện sẽ tập trung bảo tồn, giữ gìn các nhà sàn hiện có trên địa bàn, phấn đấu các thôn, các điểm du lịch văn hóa vùng dân tộc thiểu số của huyện đều có nhà sàn dân tộc Mường, nguồn kinh phí xây dựng, tôn tạo theo hướng xã hội hóa; Duy trì việc tổ chức các sinh hoạt theo phong tục tập quán của người Mường trong không gian văn hóa nhà sàn truyền thống và quảng bá văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn.
Phấn đấu 80% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống của người Mường khi tham gia các hoạt động cộng đồng, như: Lễ hội truyền thống, ngày Hội đại đoàn kết toàn dân và các sinh hoạt tập thể khác; 90% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc Mường trong sinh hoạt hàng ngày, trong đó chú trọng truyền dạy cho các thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. 100% các thôn, bản có Đội Chiêng và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo Chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng. Phấn đấu đến hết năm 2017, tất cả các thôn của 03 xã có bộ Chiêng Mường đạt yêu cầu để phục vụ việc tập luyện, tham gia các chương trình giao lưu, Hội thi và các sinh hoạt cộng đồng của thôn.
Đồng thời, thường xuyên duy trì từ 5 đến 7 người trên địa bàn thành thạo về Mo Mường, đáp ứng được nhu cầu Mo Mường và các sinh hoạt văn hóa của các tập thể, cá nhân, hộ gia đình phù hợp với thuần phong mỹ tục, có tính giáo dục con người không trái các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế, hương ước xã, thôn.
Để hoàn thành các chỉ tiêu mà đề án đã đề ra, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, tinh thần tự tôn dân tộc về bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Quán triệt, tuyên truyền đây đủ, sâu sắc tinh thần của Đề án và các Quy chế Quy ước, Hương ước, hệ thống thiết chế tổ chức nhằm khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn, trong đó chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cách thức tổ chức của các Ban chỉ đạo, các câu lạc bộ, hội.
Đồng thời, chỉ đạo Đảng ủy các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình ban hành Nghị quyết chuyên đề và Chương trình hành động đối với công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường trên địa bàn. Chỉ đạo sâu sát việc xây dựng, ban hành các quy chế, quy ước, hương ước văn hóa gắn liền với việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong đó, quá trình xây dựng phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đồng thời, thực hiện việc bảo tồn, khôi phục và phát huy một số loại hình văn hóa như nhà sàn, trang phục, ngôn ngữ, chiêng Mường, Mo Mường…
Theo Cổng GTDDT TP