Thạch Thất tự hào là mảnh đất có nhiều làng nghề: Cơ kim khí (xã Phùng Xá); mộc, may (xã Hữu Bằng); mộc, xây dựng xã Canh Nậu; mộc, mây tre giang đan (xã Chàng Sơn); chè lam, chuồn chuồn tre (xã Thạch Xá)…Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo cùng óc sáng tạo, thẩm mỹ của nghệ nhân, thợ giỏi đã làm nên những sản phẩm thủ công tinh xảo mang nét đặc trưng riêng của mỗi làng nghề.
Các làng nghề truyền thống của huyện Thạch Thất đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn đa dạng, phong phú, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề. Làng nghề Cơ kim khí xã Phùng Xá có 165 doanh nghiệp, 800 hộ sản xuất cơ khí, thu hút hơn 5.000 lao động tham gia làm nghề. Hay làng nghề mộc, may xã Hữu Bằng trở thành nghề sản xuất chính của người dân địa phương, với cơ cấu kinh tế công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ chiếm 99% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Đặc biệt, làng nghề mộc, xây dựng xã Canh Nậu có hơn 3.000 hộ thì có 875 hộ làm nghề. Từ khi có nghề đến nay, làng nghề đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập cho mỗi gia đình, thúc đẩy kinh tế làng nghề phát triển.
Sản phẩm quạt Chàng Sơn đạt đến độ tinh xảo.
Ở xã Chàng Sơn, từ lâu cũng nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Những người thợ ở đây đã chạm khắc ra các tác phẩm đạt đỉnh cao giá trị nghệ thuật với những sản phẩm: Sập gụ, tủ chè, hoành phi câu đối, nhà kẻ truyền, đình, chùa, tượng Phật mang đậm phong cách truyền thống. Người Chàng Sơn được gọi là dân “bách nghệ”, ngoài làm mộc, người dân nơi đây còn làm nghề mây tre giang đan, đặc biệt là làm quạt giấy tạo tiếng tăm cho làng. Không chỉ có giá trị hữu dụng cao mà quạt giấy còn mang trong mình những giá trị nghệ thuật, triết lý lịch sử lâu bền. Quạt có thể dùng để quạt mát, làm vật trang trí cầm tay cho các cô gái, là đạo cụ làm nên những điệu múa uyển chuyển của người Việt Nam. Quạt cũng là nơi thể hiện được tài năng của người nghệ sĩ qua những bức tranh sinh động. Người dân Chàng Sơn làm khá nhiều loại quạt như quạt giấy, quạt the, quạt thư pháp, quạt tranh…Ngày nay, những chiếc quạt này không chỉ đem lại luồng gió mát lành cho người sử dụng mà còn giúp quảng bá tay nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo của người Chàng Sơn, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Chàng Sơn tham quan, trải nghiệm.
Chuồn chuồn tre – món quà lưu niệm độc đáo tại chùa Tây Phương.
Xã Thạch Xá – nơi có danh thắng chùa Tây Phương lại có nghề làm chuồn chuồn tre độc đáo. Những con chuồn chuồn bằng gỗ với đôi cánh khéo léo tinh xảo, chỉ cần đặt nhẹ lên tay là sẽ tự đứng yên không đổ chính là món đồ chơi gắn liền với ký ức của bao người dân Thạch Xá. Ban đầu, đây chỉ là nghề phụ mà dân làng làm thêm trong những lúc nông nhàn để bán cho du khách hành hương về chùa Tây Phương chiêm bái. Không nghĩ chuồn chuồn tre đơn giản mà sinh động lại hấp dẫn tới nỗi người dân làm ra bao nhiêu, du khách mua hết bấy nhiêu. Cùng với nghề làm chuồn chuồn tre, Thạch Xá còn nổi tiếng với món bánh chè lam được làm theo phương thức gia truyền. Chỉ với những nguyên liệu mộc mạc đậm chất thôn quê như gạo nếp, lạc, đường, gừng, mạch nha, người dân Thạch Xá đã tạo ra hương vị thơm ngon tuyệt vời cho món bánh đặc sản này. Mỗi khi khách đến thăm chùa Tây Phương đều mua chè lam, chuồn chuồn tre làm quà kỷ niệm…
Chỉ với nguyên liệu mộc mạc, người dân Thạch Xá đã tạo ra hương vị thơm ngon cho món chè lam hấp dẫn thực khách.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế làng nghề, huyện Thạch Thất thực hiện Đề án “Phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch huyện Thạch Thất giai đoạn 2016 – 2020”, theo đó huyện khuyến khích phát triển các nghề truyền thống đã và đang có chỗ đứng trên thị trường; tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ tham gia sáng tạo phát triển làng nghề. Cùng với đó, huyện Thạch Thất triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, Chàng Sơn – giai đoạn 2 tạo mặt bằng sản xuất cho các hộ, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề với khả năng sáng tạo ra những sản phẩm mới, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành hạ, nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống cho người lao động tại địa phương. Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố và trung ương có các hình thức tôn vinh những thợ giỏi nghề như xét tặng danh hiệu nghệ nhân, bàn tay vàng; hỗ trợ cho các cơ sở nghề và làng nghề tham gia hội chợ triển lãm, tiếp cận thị trường. Huyện khuyến khích mô hình du lịch trải nghiệm làng nghề, lịch sử, văn hóa, ẩm thực…hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn huyện gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Đức Long