Di sản – Bảo tồn

Thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đình, Đền, Chùa Hai Bà Trưng, Quận Hai Bà Trưng

Bộ VHTTDL đã có văn bản số 4787/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đình, Đền, Chùa Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đền Hai Bà Trưng

Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận Dự án nói trên với các hạng mục: Tổng thể (tu bổ, tôn tạo Nghi môn, hệ thống tường rào, hồ Hai Bà Trưng); khu vực Đình – đình Đồng Nhân (tu bổ Đại đình, xây dựng 02 cổng phụ); khu vực Chùa – Chùa Viên Minh (xây dựng nhà Ni, nhà khách, nhà soạn lễ, am hóa vàng, bếp – vệ sinh); hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo chủ đầu tư dự án lưu ý một số vấn đề: Về tổng thể, nghiên cứu thống nhất 01 mẫu tường rào khu nội tự (theo hình thức hiện trạng tường rào phía Nam); Nhà khách chỉ làm 01 tầng mái, tường hồi bít đốc; Cần có giải pháp hoàn chỉnh các đoạn lan can hồ đi qua cây cổ thụ và thảm cỏ để đảm bảo yêu cầu an toàn, hình thức lan can nên làm thoáng; Cân nhắc việc làm mới bình phong trước đình vì hiện trạng cả đình và đền đều không có bình phong. Ngoài ra, hồ sơ cần bổ sung thiết kế nhà bao che phục vụ thi công tu bổ Đại đình.

Bộ VHTTDL có ý kiến và đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung Dự án trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Đền Hai Bà Trưng hay còn gọi là Đền Đồng Nhân (12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là trung tâm của quần thể di tích nằm trong một khuôn viên rộng rãi và đẹp đẽ, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1962. Bên phải đền là đình thờ thành hoàng làng Đồng Nhân và bên trái là ngôi chùa thờ Phật, tên Viên Minh Tự. Trước mặt đền có hồ bán nguyệt, đường vào qua 4 cột trụ gạch đồ sộ, cây cối sum sê, bên trái là sân rộng, dưới bóng đa có tấm bia đá đặt trên lưng rùa.
Đền thờ hai chị em bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, là những vị nữ anh hùng kiệt xuất đã khởi nghĩa chống quân Đông Hán từ đầu thế kỷ thứ nhất.

Một huyền tích lưu truyền được  ghi lại trên bia đá lập năm 1840 hiện còn đặt tại sân đền cho biết: không hiểu do từ đâu mà vào một đêm đầu tháng Hai âm lịch năm 1142, hai pho tượng Hai Bà đã trôi xuôi theo dòng sông Hồng, đến đoạn trước bãi Đồng Nhân thì tỏa sáng , dân làng đã dùng vải đỏ rước hai tượng vào bờ. Vua Lý Anh Tông biết chuyện đã truyền lập đền thờ Hai Bà ngay tại bãi Đồng Nhân. Năm 1819, do bãi đất bị lở, một phần dân làng phải chuyển đến cư trú phía trong đê, ngôi đền cũng được di dời, dựng trên nền Võ Sở (nơi luyện võ) thuộc làng Hương Viên tức vị trí như hiện nay, đối diện hồ Hương Viên.

Tượng hai Bà được thờ trong Hậu cung, hai bên có tượng 12 nữ tướng là những cận thần. Hàng năm lễ hội đền Đồng Nhân tổ chức vào ngày 5 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày rước tượng Hai Bà từ dưới sông lên.

P.V

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *