Nhân kỷ niệm 1011 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc bộ đôi tiểu thuyết lịch sử “Người Thăng Long”, “Khúc khải hoàn dang dở” của nhà văn Hà Ân về thời đại nhà Trần và bộ ba tiểu thuyết lịch sử “Quê người” – “Mười năm” – “Quê nhà” của Tô Hoài về Hà Nội thế kỉ XX.
“Người Thăng Long” được nhà văn Hà Ân viết năm 1980. Tác phẩm là một bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Nhân vật trung tâm của truyện là Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, thường được dân gian gọi là ông hoàng Sáu. Qua nét bút của nhà văn Hà Ân, ông là một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí lự trong việc chỉ huy quân sự, chiến thắng giặc ngoại xâm, mà còn chiến thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời.
“Người Thăng Long” tái hiện không khí náo nức sôi động của buổi Hội thề, không khí căng thẳng trang nghiêm của hội nghị Bình Than và trang trọng, hừng hực ý chí chiến đấu của hội nghị Diên Hồng, bên cạnh đó là vẻ đẹp lạ lẫm của lễ cướp dâu, đêm tiệc Mo nang hân hoan phóng túng…
Tiểu thuyết “Khúc khải hoàn dang dở” viết về Đỗ Vĩ – cũng là một người con của đất Thăng Long, người tình báo chiến lược tài ba của nhà Trần, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử. Ông đã thâm nhập vào lòng địch, gửi về cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn những tin tức vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.
Bộ đôi tiểu thuyết “Người Thăng Long” và “Khúc khải hoàn dang dở” của nhà văn Hà Ân nằm trong những tiểu thuyết lịch sử hay nhất về những người con của đất Thăng Long – Hà Nội.
Nhà văn Hà Ân đã cho ta hình ảnh về một Thăng Long anh hùng xưa thì bộ tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài: “Quê người” – “Mười năm” – “Quê nhà” là ba mảnh ghép tạo nên một cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XX đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi.
Đó là vùng Bưởi ngoại ô Hà Nội nghèo trong tiểu thuyết “Quê người” trước Cách mạng tháng Tám. Ngòi bút hiện thực của Tô Hoài đã xây dựng chân thực khung cảnh tiêu điều tàn lụi của làng Hạ. Nhưng giữa cảnh nghèo chồng chất ấy, Tô Hoài vẫn thấy ở họ – những người nông dân ngoại thành Hà Nội nét hóm hỉnh, duyên dáng, những chuyện nên thơ tình tứ. Những nhân vật chỉ có ở Hà Nội, những câu chuyện chỉ có ở Hà Nội. Với “Mười năm”, cũng những người nông dân đó được tập hợp dưới phong trào Ái hữu thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Họ đã tìm thấy sự tự tin, thấy con đường để thay đổi vận mệnh của chính mình. Cuốn tiểu thuyết “Quê nhà” viết sau cùng lại trở ngược dòng thời gian kể về hoạt động của các nghĩa quân chống lại quân Pháp trong hai lần đánh chiếm Hà Nội. Một số sự kiện lịch sử được nhắc đến gắn với danh nhân lịch sử Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Lưu Vĩnh Phúc…, nhưng nhân vật chính yếu của tiểu thuyết là các anh hùng vô danh – những người dân thường, những người thợ dệt làng Hạ và các phường xóm trong thành ngoài nội đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược.
Bộ ba tiểu thuyết được Tô Hoài viết trong gần 40 năm là tác phẩm tiêu biểu của ông – một người Hà Nội, một nhà văn Hà Nội. Bên cạnh mảng sáng tác dành cho thiếu nhi, bộ ba tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội “Quê người” – “Mười năm” – “Quê nhà” là những tác phẩm đầu tiên trong di sản đồ sộ của Tô Hoài được Nhà xuất bản Kim Đồng gửi đến độc giả lứa tuổi trưởng thành.
Với hai bộ tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân và Tô Hoài, NXB Kim Đồng tin rằng bạn đọc Thủ đô và cả nước sẽ đón nhận trong tình yêu với Thăng Long – Hà Nội.
KĐ