Tin ngành

“Thành phố sáng tạo Hà Nội – Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” từ kinh nghiệm quốc tế

Ngày 21/11, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức Tọa đàm quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội – Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực”. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Tọa đàm là cơ hội để Hà Nội trao đổi kinh nghiệm với các Thành phố Sáng tạo của Vương quốc Anh như: Belfast, Derry~Londonderry, Dundee, cũng như thảo luận các cơ hội hợp tác, tạo dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội – Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế trong tương lai.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Những kết quả đạt được sau 4 năm thúc đẩy thiết kết sáng tạo

Ngày 30/10/2019, Thành phố Hà Nội được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ, sau hơn 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy Thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội, đến nay, Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định tập trung vào 02 nhóm lĩnh vực, đó là ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện và tổ chức các hoạt động cụ thể thực hiện sáng kiến, cam kết. Trong đó, các cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được Thành phố ban hành để thúc đẩy xây dựng Thành phố Sáng tạo, tiêu biểu như: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch Triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025; Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; Các nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản VH phi vật thể của TP Hà Nội… Trong các năm 2019 đến 2023, nhiều sự kiện đã được Thành phố Hà Nội phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình, đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống như các cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững; Phát triển không gian các tuyến phố đi bộ, các không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn Thành phố; Tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm; Tổ chức các Lễ hội văn hóa, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo; Tham gia Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn trực tuyến và hoạt động kết nối với các thành phố trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại tọa đàm.

“Trong năm thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kết nối, xây dựng Thành phố Sáng tạo như: Kiện toàn Ban điều phối, Ban chỉ đạo; Tham gia các Hội nghị, diễn đàn Thành phố Sáng tạo toàn cầu và khu vực; Đẩy mạnh công tác truyền thông; Kết nối, ra mắt và hỗ trợ hoạt động Mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố; Tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội hàng năm; Tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương; Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm Công nghiệp văn hóa Hà Nội – ông Đỗ Đình Hồng cho biết thêm.

Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo từ quốc tế
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo, trong đó lấy văn hóa làm nền tảng, con người làm trung tâm cho sự phát triển. Cũng từ việc phát huy hiệu quả nguồn lực sẵn có cùng các cách thức thực hiện nên dù là những thành phố nhỏ nhưng họ đã định vị được thương hiệu của mình đối với thế giới.

Ông Chris Mccreery, Ban Phát triển Văn hóa và Du lịch thuộc Hội đồng Thành phố Belfast

Ông Chris Mccreery, Ban Phát triển Văn hóa và Du lịch thuộc Hội đồng Thành phố Belfast – Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của Vương quốc Anh chia sẻ: Thành phố đặt ra 3 chiến lược, đặt sáng tạo và con người làm trung tâm của sự phát triển ở Belfast, đó là: Văn hóa, du lịch và âm nhạc. Trong đó chiến lược âm nhạc tận dụng thương hiệu Thành phố Sáng tạo âm nhạc UNESCO để phát triển và nuôi dưỡng ngành âm nhạc địa phương và tôn vinh câu chuyện âm nhạc cũng như các tài năng âm nhạc của Belfast. Ủy ban Âm nhạc Belfast gồm 20 thành viên đại diện là các nhạc sĩ, nhà sáng lập, quản lý, nhà giáo và người thực hành, đưa danh hiệu Thành phố Âm nhạc UNESCO đến gần hơn với cuộc sống. Các thể loại âm nhạc mà Ủy ban này tập trung phát triển gồm đa dạng các thể loại, từ cổ điển, pop cho đến rock, jazz, nhạc đô thị, từ âm nhạc quốc tế đến các dòng nhạc truyền thống, bản địa. Nhiều sáng kiến đã được Ủy ban Âm nhạc Belfast thông qua và đang trong qua trình xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm đưa danh hiệu Thành phố Âm nhạc UNESCO đến gần hơn với cuộc sống. Bên cạnh đó, thành phố Belfast thực hiện nhiều chương trình phát triển, tôn vinh văn hóa và sáng tạo để nhiều người biết tới hình ảnh Thành phố Âm nhạc.

Cũng trao đổi về vấn đề tạo dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo, bà Poppy Jarratt, Điều phối Dự án sáng tạo Thành phố Sáng tạo Thiết kế Dundee cho biết, Dundee là một thành phố nhỏ với dân số khoảng 150 nghìn người, được tạo dựng nên từ các di sản công nghiệp. Không chỉ là một thành phố giàu lịch sử sáng tạo, Dundee còn là một thành phố đã trải qua và tiếp tục phải hứng chịu ảnh hưởng đáng kể từ nền công nghiệp suy thoái, thất nghiệp và nghèo đói. Tuy nhiên, trong khi những điều này đang xảy ra, Dundee hiểu được tầm quan trọng của việc đầu tư vào một nền văn hóa chất lượng. Không chỉ để thu hút du khách mà còn để đảm bảo quyền cơ bản tiếp cận nghệ thuật của tất cả mọi người trong cộng đồng. Và trong hơn 40 năm qua, Dundee đã cam kết sử dụng văn hóa và sáng tạo như một công cụ để tạo ra sự thay đổi.

Bà Poppy Jarratt, Điều phối Dự án sáng tạo Thành phố Sáng tạo Thiết kế Dundee

Bà Poppy Jarratt khẳng định: “Chúng tôi tôn vinh và mô tả sơ lược vai trò của thiết kế như một công cụ cải thiện cuộc sống bằng cách kết nối cộng đồng với thiết kế, tác phẩm của các nhà thiết kế, và cơ hội hợp tác thiết kế. Chúng tôi thực hiện điều này thông qua việc kết nối và hợp tác với các nhà thiết kế chuyên nghiệp để tạo ra các cơ hội cùng thiết kế trong đời sống”. Dundee tổ chức Tháng thiết kế Dundee kéo dài trong suốt tháng 5 hàng năm với các hoạt động liên quan đến thiết kế, quy tụ đông đảo cộng đồng thiết kế và người dân. Cùng với đó, thương hiệu “Dundee, Thành phố Sáng tạo Thiết kế UNESCO” được đặt trong ngôi nhà mới là Bảo tàng V&A Dundee, bảo tàng thiết kế của Scotland, cùng với việc tổ chức Lễ hội Thiết kế Dundee tiếp tục khẳng định mục tiêu của thành phố trong định vị và tôn vinh thiết kế như một công cụ thúc đẩy phát triển cộng đồng, kinh tế và bộ mặt của thành phố.

Huy động nguồn lực, phát triển cộng đồng sáng tạo
Bên cạnh việc đặt ra các vấn đề về việc hình dung lại bản sắc thương hiệu của các thành phố, trong đó có Hà Nội, tọa đàm cũng như đề xuất cách thức phát triển cộng đồng sáng tạo tại các đô thị. Đây cũng là một phần thông điệp mà tọa đàm quốc tế muốn truyền tải trong mục tiêu hành động, đó chính là sự kết nối có hiệu quả giữa các nhà sáng tạo đa thế hệ đầy tài năng, từ đó đưa ra các phương án hành động giúp Thủ đô định hình giá trị và nét đặc sắc trong thương hiệu của mình.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, sáng tạo hiện diện ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, tuy nhiên công nghiệp sáng tạo chỉ giới hạn ở 13 nhóm ngành nghề. Các nhóm này khi có cơ hội làm việc, hợp tác với nhau sẽ tạo ra sự bùng nổ về lợi ích thặng dư, vì thế thành phố cần thiết tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn cho hoạt động sáng tạo. Đó chính là quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp sáng tạo, các không gian cho dù là tạm thời (như các không gian bị bỏ hoang) cũng hoàn toàn có thể khai thác. Khi có không gian hoạt động, các nghệ sĩ và giới sáng tạo sẽ càng có điều kiện hợp tác, phát triển sáng tạo.

Ông John Peto đại diện đến từ Thành phố Sáng tạo Văn hóa Derry-Londonderry phát biểu tại phiên thảo luận.

Còn ông John Peto đến từ Thành phố Sáng tạo Văn hóa Derry-Londonderry lại cho rằng, cần phải phát huy được khả năng sáng tạo của xã hội và tập hợp các sáng tạo ấy cho sự phát triển. Chính vì vậy, theo ông, cần phải đầu tư kỹ năng sáng tạo, làm cho mọi người hiểu hơn về kỹ năng, chia sẻ các kỹ năng để mọi người phối hợp với nhau thỏa sức sáng tạo, biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Trong đó vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý là quan trọng.

Đại diện các Thành phố Sáng tạo đến từ Vương quốc Anh và các nhà sáng tạo Hà Nội cũng đề cập đến vấn đề tạo ra các không gian phát triển hoạt động sáng tạo. Bởi ngay cả các thành phố ở Vương quốc Anh hay ở Hà Nội đều đang rất thiếu các không gian như vậy. Trong thời gian ngắn hạn, các nhà sáng tạo có thể tận dụng các cửa hàng cũ, các không gian không sử dụng để cải tạo thành các không gian sáng tạo, nhưng về lâu dài cần có quỹ đất, không gian đủ rộng, có thể là các nhà máy công nghiệp cũ để cải tạo hoặc xây dựng mới.

Bà Donna Mcgowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Nhấn mạnh về vai trò và giá trị to lớn của kinh tế sáng tạo, bà Donna Mcgowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp sáng tạo không là sự lựa chọn, mà là một phần hết sức quan trọng của sự phát triển trong thế kỷ mới, gắn kết được xã hội và giải quyết được nhiều thách thức hiện nay. Sự thành công của kinh tế sáng tạo là một trong những điểm sáng của Vương quốc Anh. Bởi vậy, Hội đồng Anh luôn có chương trình hỗ trợ công nghiệp sáng tạo với những tư duy mới, gắn kết tương lai. Bà Donna Mcgowan cũng khẳng định luôn gắn kết, hợp tác, chia sẻ ý tưởng với thành phố Hà Nội để hỗ trợ tôn vinh Thành phố Sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa. Bà cũng hy vọng thời gian tới hai bên sẽ đạt được mục tiêu, sứ mệnh của mình để Hà Nội đạt được khát vọng là một Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế ở một tầm cao mới.

Thảo Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *