Thế thao thành tích cao

Thể thao Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò chủ lực tại SEA Games 30

Dù SEA Games 30 đã kết thúc gần được nửa tháng, nhưng hiện dư âm của chiến thắng vẫn còn phảng phất trong những người yêu thể thao. Và trong thắng lợi ấn tượng ấy của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, đã có đóng góp không nhỏ của Thể thao Thủ đô vào thành tích chung, đứng nhì toàn đoàn.

Từ lâu, Hà Nội luôn được biết đến là một trong những cái nôi đào tạo thể thao lớn mạnh. Trong quá khứ và hiện tại, có rất nhiều nhân tài thể thao của Thủ đô đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Trung tâm đào tạo, huấn luyện của Hà Nội đã tạo ra các thế hệ HLV, VĐV bổ sung cho các đội tuyển thể thao thành tích cao tham gia thi đấu các giải trong và ngoài nước.

Đóng góp 34,69% số HCV ở SEA Games 30
Nhiều năm qua, thể thao Thủ đô luôn khẳng định vị thế là địa phương luôn đi đầu cả nước có sự góp sức đáng kể vào thành công chung của Thể thao Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, đóng góp khoảng 30% tổng số huy chương của đoàn TTVN tại các giải đấu khu vực, châu lục và Thế giới. Tại SEA Games 30 vừa qua, điều này một lần nữa lại được khẳng định, khi các Thể thao Hà Nội đã phát huy rất tốt vai trò là đơn vị chủ lực khi đóng góp nhiều huy chương nhất về tổng số huy chương và số huy chương vàng góp phần đưa đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ 2 chung cuộc tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2019, sau nước chủ nhà Philippines.

Hà Nội gặp mặt các HLV, VĐV đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 30.

Tham dự SEA Games 30, mặc dù chỉ đóng góp 140/568 VĐV (24,65%) của đoàn Thể thao Việt Nam, nhưng Thể thao Hà Nội giành được 34 HCV (bằng 34,69% tổng số HCV của đoàn TTVN), 27 HCB, 25 HCĐ trên tổng số 98 HCV, 85 HCB, 104 HCĐ của Đoàn Thể thao Việt Nam, hoàn thành vượt chỉ tiêu là đóng góp 30% vào thành tích chung.
Ngoài những tấm HCV đến từ các môn võ, vật, kurash, muay, võ gậy, boxing, karatedo, wushu, đấu kiếm,… Thể thao Hà Nội còn giành “Vàng 10” ở những môn trọng điểm của Thể thao Việt Nam, như thể dục dụng cụ, cử tạ, bắn cung, điền kinh.
Ở môn bắn cung, Việt Nam khép lại kỳ SEA Games thành công với 3 tấm HCV. Đáng nói, trong cả 3 tấm HCV này đều có có dấu ấn của VĐV Hà Nội. Với sự tỏa sáng của Lộc Thị Đào, cung thủ của Thể thao Thủ đô đã đóng góp vào hai HCV đồng đội nữ, đôi nam-nữ và một HCV nội dung cá nhân cho riêng mình.

Cung thủ Lộc Thị Đào của Hà Nội ghi dấu ấn với 3 HCV bắn cung ở SEA Games 30.

Nối tiếp thành công ấy, VĐV Hà Nội Đinh Phương Thành cũng “giải nguy” cho Thể dục dụng cụ Việt Nam trước nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu của môn mũi nhọn ở SEA Game 30. Ngày thi đấu thứ ba tại SEA Games 30, đội tuyển TDDC Việt Nam chỉ có duy nhất 1 tấm HCV của VĐV Đặng Nam ở nội dung vòng treo. Sức ép càng tăng lên khi niềm hi vọng vàng Lê Thanh Tùng đã không thi đấu thành công như mong đợi ở nội dung thế mạnh – nhảy chống. Dù từng đoạt 2 HCV SEA Games 2015, 2017 cũng như đoạt vé dự Olympic 2020 cũng ở nội dung này, nhưng sau 2 lần thực hiện bài thi, Lê Thanh Tùng chỉ đạt 14.617 điểm, xếp thứ 3 chung cuộc, giành HCĐ.
Liên tiếp gặp thất bại, khiến TDDC Việt Nam chịu sức ép rất lớn ở 5 nội dung cuối cùng, trong đó có 3 nội dung thế mạnh. Và trong ngày thi đấu thứ tư, Đinh Phương Thành bước vào thi đấu xà kép và xà đơn với trách nhiệm nặng nề cần đoạt HCV để giúp TDDC Việt Nam hoàn thành mục tiêu đề ra, giành từ 2-3 HCV.
Vượt qua sức ép đó, chiều 4/12, vận động viên Hà Nội Đinh Phương Thành đã mang lại thành công cho đội tuyển TDDC Việt Nam với hai HCV. Đặc biệt, tại chung kết xà đơn và xà kép, Đinh Phương Thành đều vượt qua nhà vô địch thế giới Carlos Yulo để xuất sắc mang Vàng về cho thể dục dụng cụ Việt Nam.

Cử tạ, bóng bàn Hà Nội ghi dấu ấn lịch sử SEA Games
Với 4 tấm HCV, cử tạ Việt Nam xếp nhất toàn đoàn và vượt chỉ tiêu đề ra ở SEA Games 30. Tại Đại hội này, hai đô cử Hà Nội đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng người hâm mộ, khi đóng góp 2/4 HCV cho cử tạ Việt Nam.

Vương Thị Huyền vượt qua nỗi đau để giành vàng ở SEA Games.

Trong thành tích này, ít ai biết, cách SEA Games 30 chưa đầy nửa tháng, khi đang tập huấn ở Trung Quốc, Vương Thị Huyền đã phải tức tốc trở về Bắc Giang chịu tang bố. Sau 3 ngày lo chuyện gia đình, Huyền đã phải trở lại tập luyện, gạt qua những đau thương để thi đấu ở SEA Games 30.
Những mất mát quá lớn trước đó đã được đô cử Hà Nội kìm lại, mang cả lên sàn thi đấu. Và khi thi đấu thành công, những dồn nén ấy sau những biến cố mang đến cho cô đã vỡ òa, giải tỏa. Đó là những giọt nước mắt, niềm vui…và cả những nỗi đau. Vì thế, sau khi giành chiến thắng trong trận chung kết 45kg,Vương Thị Huyền đã bật khóc nức nở. Cũng ở môn cử tạ, nối tiếp thành công của Vương Thị Huyền, lực sĩ Hà Nội Lại Gia Thành cũng thi đấu xuất sắc và giành cho cử tạ Việt Nam 01 tấm HCV và phá kỷ lục SEA Games (hạng cân 55 kg).

Nguyễn Anh Tú (VĐV Hà Nội, ngoài cùng bên trái) giúp bóng bàn Việt Nam có HCV đồng đội ở SEA Games sau 10 năm.

Cùng với đó, với sự kết hợp hoàn hảo của Nguyễn Anh Tú (VĐV Hà Nội) và Đoàn Bá Tuấn Anh (Hải Dương) đã mang về cho bóng bàn Việt Nam chiếc huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games 30 ở nội dung đôi nam. Đây là chiếc HCV lịch sử khi chẵn đúng 10 năm, bóng bàn Việt Nam mới giành ngôi vị cao nhất nội dung đôi nam tại SEA Games.
Sau hai kỳ Đại hội vắng mặt liên tiếp, môn vật đã được đưa trở lại thi đấu ở SEA Games 30. Và tại Đại hội này đô vật Việt Nam thể hiện sự vượt trội và dẫn đầu một cách thuyết phục với 12 HCV trong tổng số 14 bộ huy chương được trao. Đáng chú ý, trong thành tích trên, các đô vật Hà Nội khẳng định vị thế số 1 cả nước khi đóng góp tới 8/12 HCV vào thành tích chung của Vật Việt Nam.

VĐV Thể thao Hà Nội ghi dấu ấn rất lớn vào 2 chiếc HCV môn bóng đá nam và nữ.

Ngoài thành tích trên, tại SEA Games 30, VĐV Thể thao Hà Nội cũng ghi dấu ấn rất lớn vào 2 chiếc HCV môn bóng đá nam và nữ. Trong trận chung kết bóng đá nữ giữa Việt Nam với Thái Lan, nữ tuyển thủ Phạm Hải Yến của Hà Nội là người ghi bàn thắng duy nhất giúp bóng đá nữ giành HCV. Môn bóng đá nam, Thủ đô Hà Nội đóng góp 06 VĐV. Trong trận chung kết giữa U22 Việt Nam – U22 Indonesia, hai cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo tại Hà Nội Đỗ Hùng Dũng và Đoàn Văn Hậu là người ghi cả 03 bàn thắng, giúp bóng đá nam mang về tấm HCV sau 60 năm chờ đợi.
Với thành tích trên của Thể thao Thủ đô tại SEA Games 30, một lần nữa tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của Hà Nội trong đầu tư các môn thể thao. Thành công này cũng nhằm đón đầu những nhiệm vụ quan trọng sắp tới, như tiếp tục đóng góp VĐV cho đoàn TTVN dự Olympic 2020. Xa hơn là kỳ SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2021, mà Hà Nội chính là địa phương đăng cai chính.

Thành tích của Thể thao Hà Nội 3 kỳ SEA Games gần đây.
SEA Games 30/2019
– Thể thao Hà Nội có 140/568 VĐV dự Đại hội
– Giành 86 huy chương (34 HCV, 27 HCB, 25 HCĐ)/98 HCV, 85 HCB, 104 HCĐ của Thể thao Việt Nam, chiếm (29,6%)
SEA Games 29/2017
– Thể thao Hà Nội có 107 VĐV/476 VĐV dự Đại hội
– Giành 50 huy chương (17 HCV, 15 HCB, 18 HCĐ/58 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ của Thể thao Việt Nam, chiếm 29,7%
SEA Games 28/2015
– Thể thao Hà Nội có 111 VĐV/392 VĐV dự Đại hội
– Giành 68 huy chương (25 HCV, 18 HCB, 25 HCĐ/(73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ) của Thể thao Việt Nam, chiếm 36,5%.

Minh Tuấn

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *