Di sản

Thêm 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ra Quyết định số 3609/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, có thêm 6 di sản văn hóa được đưa vào danh mục này.

6 di sản văn hóa phi vật thể mới được bổ sung vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lần này thuộc 2 loại hình bao gồm Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống.

Theo đó, 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận lần này bao gồm:

Lễ cúng rừng của người Phù Lá (xã Nàn Sỉn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang): Theo một số nhà nghiên cứu thì người Phù Lá xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng chưa lâu, chỉ khoảng trên 100 năm. Người Phù Lá ở Việt Nam có hai nhóm là Lao Va Xơ (Xá Phó) và Pu La. Cộng đồng người Phù Lá đang sinh sống tại Hà Giang thuộc nhóm Pu La. Hiện nay, người Phù Lá vẫn giữ được vốn văn hoá dân gian của mình. Họ có một nền văn học truyền miệng khá phong phú. Tương tự như các dân tộc khác, hàng năm người Phù Lá có nhiều dịp sinh hoạt cộng đồng từ Tết Nguyên Đán, lễ cúng thần rừng, tết tháng Bảy, tết cơm mới vào đầu tháng 10… cho đến những dịp đặc biệt theo chu trình đời người như cưới xin, đặt tên con, tang ma…

Lễ hội Nàng Hai (Cầu Trăng) của người Tày Ngạn (xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang): Lễ hội Cầu trăng là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của tộc người Ngạn. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng 01 âm lịch (Rằm tháng Giêng); toàn thể con, cháu cùng đến đền thờ cầu trăng, cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối xanh tốt, con cháu ngoan khoẻ mạnh, người già khoẻ trường thọ.

Lễ hội Cầu trăng là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của tộc người Tày Ngạn.

Lễ hội Đền Thanh Liệt (xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An): Lễ hội đền Thanh Liệt hay còn gọi Lễ hội rước Hến là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời, là một đặc sản lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa mang đậm dấu ấn của cư dân miền sông nước khu vực hạ nguồn của dòng sông Lam. Lễ hội được tổ chức hàng năm đúng ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch, nhân dân vạn chài làng Thanh Liệt ở khắp nơi trên mọi miền đất nước lại trở về quê hương để vui hội làng.

Lễ hội Làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình): Làng Thượng Liệt có tên Nôm là làng Giắng, nay thuộc xã Đồng Tân, huyện Đông Hưng. Hàng năm lễ hội được mở vào ngày 5 tháng giêng. Mấy thập niên qua, lễ hội được mở từ ngày 10 tháng giêng gắn với tục giáo cờ giáo quạt, tương truyền đó là điệu múa do Công chúa Quí Minh, con gái vua Trần Nhân Tông sáng tạo ra để dân làng vui xuân. Khi bà qua đời, dân làng mở hội tế lễ bà và tục múa được xem là một nghi thức lễ thánh.

Lễ hội Đền Độc Cước (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa): Là lễ hội truyền thống với phong tục cầu Thánh- Thần- Trời- Đất phù hộ cho quốc thịnh dân an, cầu cho nhân dân gặp nhiều thuận lợi trong lao động sản xuất, may mắn, bình yên trong cuộc sống. Lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước Sầm Sơn bắt đầu với nghi lễ rước kiệu rồi tập trung về sân đền Độc Cước. Tại đây diễn ra lễ cầu phúc, lễ tế tôn ty – là những bài tế truyền thống đầy uy nghiêm, trang trọng biểu hiện tấm lòng thành kính đối với bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện ước mong của người dân Sầm Sơn trong năm mới.

Lễ hội Đình Thọ Vực (xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang): lễ hội Đình Thọ Vực được tổ chức vào ngày mùng 7 – 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương đến dâng hương, tưởng nhớ công lao các vị công thần có công với đất nước, cầu cho năm mới nhiều may mắn, mùa màng bội thu.

Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định pháp luật về di sản văn hóa.

P.V

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *