Di sản

Thị xã Sơn Tây bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Những năm qua, chính quyền thị xã  đã luôn quan tâm đến công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.Trên địa bàn thị xã có 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 59 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, 78 di sản văn hóa phi vật thể…

Thị xã Sơn Tây có 244 di tích, trong đó có 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 59 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, 78 di sản văn hóa phi vật thể. Những năm qua, chính quyền thị xã  đã luôn quan tâm đến công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.

Lễ hội đền Và thu hút đông đảo du khách tham dự (Ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19)

Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Thị xã Sơn Tây

Thị xã đã ban hành các nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn: Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 05/3/2008 của Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây về “Tăng cường lãnh đạo, quản lý các di tích lịch sử văn hóa và cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thị xã Sơn Tây”; Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 08/02/2017 về “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ thị xã giai đoạn 2017 -2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết chuyên đề số 24-NQ/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 01/6/2021 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”…

Quan tâm đến việc bảo tồn các di tích có giá trị trên địa bàn, UBND thị xã đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác lập hồ sơ, đề nghị xếp hạng các di tích có giá trị của địa phương. Trong giai đoạn 2011- 2020, trên địa bàn thị xã đã có 12 di tích được xếp hạng cấp thành phố; nâng cấp xếp hạng 1 di tích quốc gia; gắn biển 5 di tích cách mạng và di tích lưu niệm. Trên địa bàn thị xã có 78  di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu như lễ hội đền Và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; rặng Duối cổ ở Đường Lâm, 90  cây cổ thụ đền Và  được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là cây di sản Việt Nam. Hiện, thị xã đang hoàn thiện hồ sơ xếp hạng 5 di tích cấp thành phố (Đình, chùa Kỳ Sơn; đình, chùa Tam Sơn; đền Tiên Kiều – xã Xuân Sơn); đề nghị nâng cấp xếp hạng cấp quốc gia cho các di tích: Đền Măng Sơn, đình Sơn Đông, đình Sơn Trung – xã Sơn Đông. Thị xã đã lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, đã được phê duyệt và đi vào thực hiện; lập hồ sơ  điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích làng cổ Đường Lâm  đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Rặng Duối cổ ở Đường Lâm được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Ảnh: Nguyễn Đức (danviet.com.vn)

Gắn với di tích là lễ hội. Sơn Tây hiện có 65 lễ hội truyền thống, trong đó có các lễ hội lớn, thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và các vùng lân cận  tham dự như : Lễ hội đền Và (phường Trung Hưng), lễ hội đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), lễ giỗ Vua Phùng Hưng, Vua Ngô Quyền (xã Đường Lâm)… Hàng năm, thị xã đều ban hành văn bản chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn. Các lễ hội trên địa bàn được tổ chức đúng quy định, theo nghi thức truyền thống; diễn ra an toàn, đáp ứng nhu cầu tâm linh lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân.

Công  tác quảng bá, giới thiệu về  di tích lịch sử văn hóa được quan tâm thông qua nhiều kênh: Cổng Thông tin điện tử thị xã, Website làng cổ Đường Lâm; trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền cổ động trực quan…Việc quảng bá, giới thiệu có trọng tâm, trọng điểm: Kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam, lễ hội lớn của địa phương, lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể… Qua đó, đưa di tích đến với nhiều người hơn, tạo sự hấp dẫn, kết nối giữa di tích và du khách xa gần.

Trong thời gian tới, thị xã tập trung thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 01/6/2021 của Ban Thường vụ Thị ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.

An Phúc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *