Công việc thiết kế trưng bày phần sân vườn ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình văn hóa và đô thị (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là đơn vị tư vấn thiết kế hiện đang trong quá trình thi công một số hạng mục, trong đó có việc tạo dựng một số kiến trúc cổ trong khu sân vườn nhà Bảo tàng.
Ảnh: Nhà thầu đang thi công khu vực sân lễ hội
trong khuôn viên sân vườn Bảo tàng Hà Nội
Điều cần nói là việc xác định những mục tiêu cần thực hiện trong thiết kế trưng bày ngoài trời theo định hướng chung của kịch bản nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội được UBND Thành phố phê duyệt đã thể hiện được đặc trưng lịch sử-văn hóa của Thăng Long-Hà Nội cũng như chức năng của khu trưng bày ngoài trời theo nguyên tắc bảo tàng học. Theo đó, các hạng mục tạo dựng dãy phố xưa của Hà Nội làm nơi tổ chức những hoạt động buôn bán, nơi trưng bày và trình diễn những nghề thủ công truyền thống của Hà Nội. Khu nhà chữ U theo phong cách kiến trúc cổ làm nơi tổ chức hoạt động lễ hội và các sinh hoạt cộng đồng khác. Cổng làng Mông Phụ cũng sẽ được tạo dựng bằng phương pháp phục nguyên để gợi lại hình ảnh một làng quê cổ kính, nơi có thể tạo ra những hoạt động văn hóa dân gian phù hợp. Đan xen với các kiến trúc này là những hiện vật thể khối lớn: Bệ đá hoa sen, rồng đá, voi đá, ngựa đá…được phục chế từ các di tích, phế tích của Hà Nội đến góp mặt tại khu sân vườn nhà Bảo tàng vừa có ý nghĩa tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, vừa làm đẹp thêm cho cảnh quan Bảo tàng.
Tuy nhiên, điều trăn trở đối với các nhà khoa học là làm thế nào để có thể xử lí được sự thiếu ăn nhập giữa tòa nhà bảo tàng được thiết kế theo phong cách hiện đại, chưa hề có tiền lệ ở Việt Nam với những thành phần kiến trúc theo phong cách truyền thống.
Ảnh: Khu vực sân lễ hội đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng
Nhiều cuộc họp bàn của Hội đồng tư vấn khoa học với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành thuộc các lĩnh vực sử học, bảo tàng học, mỹ thuật và kiến trúc đã đi tới kết luận nhất trí tạo dựng những kiến trúc mang phong cách truyền thống, nhưng những kiến trúc này có vị trí khoảng cách đủ xa đối công trình nhà bảo tàng, để tránh sự "tranh chấp" với phong cách kiến trúc của tòa nhà. Mặt khác, tại các công trình kiến trúc truyền thống đó cũng cần phải có thêm cây trồng đặc trưng cho từng loại hình cùng với hệ thống cây xanh trong khu sân vườn nhà bảo tàng. Đây cũng sẽ là một yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thiểu sự thiếu ăn nhập và tạo sự hài hòa nhất định trong cảnh quan chung của bảo tàng.
Hiện tại, việc thi công thiết kế phần không gian ngoài trời của Bảo tàng vẫn chưa hoàn thành. Một số hạng mục còn đang tiếp tục thi công hoặc tiếp tục hoàn thiện, hệ thống cây trồng, cây cảnh và cây xanh chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Do vậy, nếu nhìn vào thực tại hiện nay thì dễ nhận thấy sự bất cập. Hy vọng là trong thời gian tới, khi toàn bộ khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội hoàn thành và đưa vào hoạt động, chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ và thực tế hơn, ít nhất là cũng không hoàn toàn như những gì đang thấy, đang nghĩ đối với một vài thành phần thiết kế đang được thi công dang dở như hiện nay.
Chí Thành-Ngọc Hòa