Khu vực vườn hoa vắng vẻ, ít người qua lại này không biết rằng có một sự kiện trọng đại của lịch sử đất nước, của cả dân tộc sẽ diễn ra ở đây.
Mồng 2 tháng 9 năm 1945!
Trời mùa thu Hà Nội trong xanh, nắng vàng rực rỡ lung linh làm thắm thêm màu đỏ tưng bừng trải ra trên khắp các phố phường Thủ đô. Cờ bay đỏ phố, đỏ nhà, đỏ hàng cây xanh, đỏ mặt nước sông hồ.
Nhân dân Hà Nội vùng dậy giành chính quyền, cùng với cả nước làm nên cách mạng, tháng Tám huy hoàng. Hôm nay, Hà Nội lại thay mặt cả nước dự lễ độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Từng dòng người đủ màu sắc nườm nượp kéo về vườn hoa Ba Đình. Những dòng suối đỏ tuôn chảy về một điểm. Những biểu ngữ chăng ngang các đường phố bằng các tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Vườn hoa Ba Đình rực rỡ cờ hoa và biểu ngữ. Một lễ đài cao bằng gỗ căng vải đỏ vươn lên như một đài hoa chiến thắng. Hàng chục vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh đã nườm nượp về đây dự ngày hội lớn, cuồn cuộn như một đại dương dậy sóng, sóng người và sóng cờ. Bầu trời Ba Đình rung lên trong tiếng hô “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh” “Hồ Chí Minh muôn năm”.
Năm mươi vạn nhân dân đã có mặt ở khu vực vườn hoa và có hàng vạn người tụ họp trên các đường phố xa. Người ta ước tính có tất thảy một triệu người tham gia hội lễ. Đây là cuộc hội tụ nhân dân lớn nhất chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay.
Trong đội ngũ những người quần xanh áo trắng tràn đầy sức mạnh và niềm tin đứng trước lễ đài, có mặt những người thợ điện Yên Phụ, thợ nhà máy nước mà ngày 19/8 trước đó họ đã xông lên, vượt ra hàng rào vào chiếm Phủ khâm sai, kéo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ cao nhất.
Trong lớp lớp hàng vạn nông dân, dân nghèo ngoại thành ven nội với chị em phụ nữ, mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa lý, có các cô gái “làng hoa” Ngọc Hà, Hữu Tiệp, những chị sen giấy Yên Thái, chị dệt lĩnh Trích Sài, bà con ở “An toàn khu” vùng Bưởi, những lớp dân nghèo Nghĩa Dũng, Yên Phụ, bãi sông Hồng.
Có đội ngũ những trí thức, những văn nghệ sĩ đã từng họp mặt trong Hội Văn hóa cứu quốc ở 124 phố Phó Đức Chính, ở vùng Bưởi năm xưa. Có mặt những thanh niên, học sinh đã từng in truyền đơn và báo Tiền Phong, báo Hồn Nước tại chùa Bát Mẫu làng Hữu Tiệp, ở một nhà in bí mật phố Phan Đình Phùng…
Những cụ già, em nhỏ, những chàng trai, cô gái, những công chức, những nhà tu hành, trang nghiêm rộn ràng, xếp thành đội ngũ. Các chiến sĩ Quân giải phóng, cùng các đội tự vệ thành đã dàn hàng ngang trước lễ đài.
Cả biển người sôi nổi chờ đợi những giờ phút lịch sử. Đoàn xe chở các vị trong Chính phủ đã tới, hai bên có đội danh dự của lực lượng công an đi xe đạp hộ tống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị cùng đi bước lên lễ đài. Đó là một cụ già hơi gầy, trán cao, râu thưa, mắt rất sáng. Cụ đội chiếc mũ vải đã ngả màu vàng vì mưa gió, mặc bộ quần áo ka-ki cổ cao, đi dép cao su trắng, có dáng đi hoạt bát, nhanh nhẹn.
Lễ đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trong ngày 2/9/1945. (Ảnh: Tư liệu).
Bác Hồ đã xuất hiện trước một triệu đồng bào ngày hôm đó như vậy, giản dị, thân mật như một người cha hiền về với gia đình. Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. Lời nói của Bác đầm ấp, khúc chiết, rõ ràng. Đây không phải là giọng nói hùng hồn long trọng của các chính khách, của các nhà hùng biện. Đây là tiếng nói chứa đựng một tình cảm sâu sắc, lớn lao, một ý chí kiên quyết đầy tự tin, từng câu từng chữ thấm vào lòng người.
Đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến nửa chừng, như xúc động, Bác dừng lại và bỗng nhiên hỏi:
– Đồng bào có nghe rõ tiếng tôi nói không?
Mọi người đều bất ngờ, cùng đồng thanh hô lớn:
– Có!
Lời đáp vang rộn như tiếng sấm.
Câu hỏi đơn giản này đã làm xóa bỏ tất cả những gì còn ngăn cách giữa vị Chủ tịch với nhân dân, giữa lãnh tụ và quần chúng. Bác cùng với cả biển người đã hòa làm một.
Tiếng Bác vang lên, kết thúc bản Tuyên ngôn:
– “… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Buổi lễ kết thúc bằng những lời thề độc lập. Đó là lời thề của toàn dân đoàn kết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên quyết giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược.
Một triệu cánh tay giơ cao, một triệu cánh tay đáp lại:
– Xin thề!
Tiếng “xin thề” vang dội, lan tỏa như những lớp sóng trên biển người dày đặc. Hàng triệu tấm lòng bồi hồi xúc động và cũng bừng bừng khí thế. Độc lập, tự do đã đến với mọi người dân và mỗi người cũng đã được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và tự do của Tổ quốc.
Với ngày 2 tháng 9, lịch sử đã sang trang. Một kỉ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Cũng từ ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 đó, tên gọi Ba Đình đã đi vào lịch sử.