Nghệ thuật

Thưởng thức nhiều phiên bản “Antigone” trên sân khấu kịch

Bắt đầu từ 6/11/2021, khán giả yêu kịch sẽ được thưởng thức vở kịch “Antigone”- một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn kịch cổ đại Hy Lạp Sophocles qua 6 bản dựng khác nhau.

Họp báo giới thiệu Dự án

Đây là nội dung chính của Dự án sân khấu “Antigone” được thực hiện bởi Viện Goethe phối hợp Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, với sự tham gia của các đạo diễn sân khấu: Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, đạo diễn Lê Thị Hòa An, nghệ sĩ sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng và biên đạo Trần Minh Hải.

“Antigone” là một tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới với sức sống gần 2.500 năm, phản ánh rõ nét bản chất con người cùng vị trí của họ trong xã hội. Nàng Antigone thời Hy Lạp cổ đại được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, cô phải đưa ra những quyết định mang tính đạo đức, xuất phát từ đạo đức, để rồi phải chịu những hậu quả của hệ thống quyền lực và cai trị trong xã hội thời bấy giờ.

Tác phẩm của đạo diễn NSƯT Trần Lực – Ảnh: Viện Goethe Hà Nội

Vở kịch “Antigone” của Sophocles là một tác phẩm văn chương vĩ đại của thế giới. Trong 2.500 năm, những chất liệu kịch của “Antigone” đã truyền cảm hứng cho giới sáng tác và thách thức sự soi chiếu bản chất con người cùng vị trí của họ trong xã hội. Đưa “Antigone” lên sân khấu đồng nghĩa với việc so sánh thực tại của chúng ta với những chất liệu kịch ấy. Điều này có nghĩa là đưa những nhân vật nữ trong lịch sử cùng thái độ, phẩm cách của họ khi đứng giữa sự sống và cái chết vào trong ngữ cảnh đương đại.

Vở kịch “Antigone” của Sophocles có thể còn xa lạ với đại bộ phận công chúng tại Việt Nam. Nhưng nếu biết, ta có thể thấy tác phẩm này có nhiều tương đồng với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du khi cùng đề cập đến thân phận người phụ nữ mà cụ thể ở đây là nàng Antigone và nàng Kiều. Giống như Kiều, Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, cô cũng phải đưa ra các quyết định mang tính đạo đức xuất phát từ lý do đạo đức để rồi sau đó cô phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực và cai trị trong xã hội thời ấy. Từ câu chuyện của mình, Antigone có thể vừa là tấm gương, cũng vừa là sự khơi gợi những suy ngẫm cho chúng ta.

Tác phẩm của đạo diễn NSƯT Trần Lực – Ảnh: Viện Goethe Hà Nội

Từ tác phẩm kịch kinh điển này, 6 đạo diễn Việt Nam tham Dự án sân khấu “Antigone” sẽ có cách dẫn dắt người xem đến các tác phẩm “Antigone” với cách nhìn và sự sáng tạo của riêng mình.

Theo kế hoạch đạo diễn Trần Lực sẽ có buổi giới thiệu về tác phẩm “Antigone” đầu tiên vào tối 6/11/2021 tại Rạp Nhà hát Tuổi trẻ 11, Ngô Thì Nhậm. Buổi tiếp theo là 14/11/2021 cũng tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Chia sẻ trong buổi họp báo giới thiệu dự án, đạo diễn sân khấu, NSƯT Trần Lực cho biết: Tác phẩm sắp tới của anh hứa hẹn sẽ đem lại cho khán giả nhiều trải nghiệm với sự kết hợp của một số kỹ thuật sân khấu phương Tây với cái hồn thuần túy đậm chất Việt Nam, của loại hình sân khấu nước nhà – “phương pháp ước lệ”.

Tác phẩm của đạo diễn NSƯT Trần Lực – Ảnh: Viện Goethe Hà Nội

Dưới góc nhìn của đạo diễn NSƯT Trần Lực:  Antigone là cô con gái của gia đình Oedipus, nơi khởi nguồn của bi kịch. Câu chuyện “Antigone” bắt đầu từ cuộc tranh dành quyền lực giữa hai người anh trai của cô. Cả hai sau đó đều chết trong trận chiến. Vua Creon, vị vua kế vị ra lệnh rằng, người anh bảo vệ thành phố sẽ được chôn cất còn người anh còn lại, kẻ đã mang quân tiến đánh thành phố thì sẽ không xứng đáng với một ngôi mộ. Antigone bất tuân luật lệ và chôn cất người anh trai đáng lẽ không được chôn. Cô chống lại luật lệ của Creon. Và vì vậy Antigone phải chết. Vở kịch “Antigone” kể về sự đối nghịch luân phiên giữa luật nhân tạo và luật tự nhiên, trật tự do nhà cầm quyền sắp đặt và trật tự phổ quát. Vở kịch phơi bày mối nguy của một chế độ thống trị tuyệt đối và ngụ ý một trật tự mới nơi không có kẻ thống trị tuyệt đối.

Sau đạo diễn NSƯT Trần Lực, đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai sẽ có hai đêm giới thiệu về “Antigone” vào các tối 7 và 13/11/2021 cũng tại Nhà hát Tuổi trẻ. Tiếp đó là các đêm 20/11 và 4/12/2021, tại Viện Goethe Hà Nội, đạo diễn Hà Nguyên Long sẽ giới thiệu tác phẩm của anh tới khán giả Thủ đô.

Theo kế hoạch, Dự án sân khấu “Antigone” sẽ kết thúc vào 19/3/2022.

Lan Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *