Nếp Sống văn hoá

Tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyết tuổi thanh xuân

Trong không khí của những ngày tháng 3 đầy nhiệt huyết của thanh niên, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát Cơ động – Công an Thành phố Hà Nội; Đoàn Thanh niên Trung đoàn 30 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV In báo Hà nội mới tổ chức chương trình tham quan và giao lưu với nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Các đoàn viên thanh niên làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Với chủ đề “Viết tiếp khúc quân hành” các đoàn viên thanh niên đã được giao lưu cùng Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an, cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò.
Trong thời chiến, khát khao của tuổi trẻ bấy giờ chỉ là hai tiếng “hòa bình” cho dân tộc và Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh cũng là một trong số những thanh niên tràn đầy lòng nhiệt thành yêu nước đó. Sinh ra và lớn lên tại phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Tháng 3/1946, khi đang học Trường Bưởi (bây giờ là trường Chu Văn An), ông đã đứng trong đội ngũ của Đoàn Thiếu niên tiền phong thành Hoàng Diệu và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng từ tháng 11/1949. Trong những năm tháng tham gia cách mạng, thời kỳ chống thực dân Pháp, ông là một trinh sát mưu trí, gan dạ của Công an Hà Nội.
Tháng 5/1948, ông Nguyễn Đức Minh bị địch bắt và đưa về Sở Mật thám Bắc Việt (nay là trụ sở Công an Hà Nội) giam giữ, tra tấn hỏi cung. Không khai thác được thông tin gì từ ông, đầu tháng 6/1948, địch giải ông cùng một số đồng chí khác về giam giữ tại Nhà tù Hoả Lò.
Cuối tháng 8/1948, địch tập trung tù nhân đưa đi làm các công việc lao dịch. Từ Nhà tù Hoả Lò, chúng đưa các tù nhân qua Hải Phòng đến nhà giam của trại lính của thị trấn Tiên Yên (nay là trụ sở huyện đội Tiên Yên – tỉnh Quảng Ninh). Hàng ngày, ông Nguyễn Đức Minh cùng những anh em khác phải đi đập đá để làm đường số 4, từ Tiên Yên đi Đình Lập, Lạng Sơn.

Các đoàn viên thanh niên được lắng nghe những câu chuyện xúc động và đầy tự hào về người lính dũng cảm, gan dạ Nguyễn Đức Minh cùng những đồng đội của ông.

Tháng 10/1948, khi đang làm lao dịch trong doanh trại quân Pháp ở Khe Tù, lợi dụng sơ hở của địch, ông Nguyễn Đức Minh và đồng đội là ông Nguyễn Sỹ Vân đã trốn thoát nhưng không thành công. Đây là lần đầu tiên ở Khe Tù có tù nhân vượt ngục nên kẻ địch trói hai người vào chiếc cột ở giữa cổng trại và đánh đập hết sức dã man để uy hiếp tinh thần những tù nhân khác.
Tháng 12/1948, khi đang khuân vác đá tại công trường, ông Nguyễn Đức Minh cùng đồng đội lại tìm cách trốn thoát. Để truy tìm tung tích tù nhân vượt ngục, kẻ địch thông báo cho tất cả hệ thống đồn binh và bọn tề, vệ từ Tiên Yên đến Đình Lập. Do có kinh nghiệm từ lần vượt ngục trước, nên ban ngày họ lẩn trốn vào rừng và khởi hành vào ban đêm. Vượt qua biết bao gian nan, vất vả trong chuyến đi, đầu năm 1949, ông Nguyễn Đức Minh đã tìm được đơn vị cũ lúc đó đang đóng quân ở Đồng Quan, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.
Sau khi vượt ngục trở về với tổ chức, ông Nguyễn Đức Minh tiếp tục công tác, tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Ngày 10/10/1954, trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, với vai trò là cán bộ công an Hà Nội, ông Nguyễn Đức Minh đã tham gia tiếp quản nhà lao Hoả Lò và trụ sở của Nha Cảnh sát Công an Bắc Việt (số 87 phố Trần Hưng Đạo) nơi mà ông và các đồng đội đã từng bị tra tấn và giam giữ trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông đã viết đơn tình nguyện “đi B” với nhiều năm tháng “nếm mật nằm gai” ở chiến trường khu VI.
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, những người con ưu tú với “chân trần” đã bước vào cuộc chiến với kẻ thù bằng “chí thép”. “Chí thép” ấy đã được kết tinh và bùng cháy thành sức mạnh phi thường, giúp họ vượt qua mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách, quyết giành lại độc lập, hạnh phúc cho nhân dân. Lịch sử luôn vang lên qua những giai điệu đẹp và những câu chuyện mà Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh gửi tới thế hệ trẻ hôm nay.

Đoàn đã tham quan trưng bày “Lửa thanh xuân” và chụp ảnh lưu niệm tại đây.

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã được viết lại, được kể ra trên các trang báo, trong các ấn phẩm được phát hành nhưng những câu chuyện được kể lại từ chính những nhân chứng lịch sử vẫn luôn là nguồn khơi dậy cho mỗi chúng ta những xúc cảm chân thành nhất. Ký ức của lịch sử, của một thời thanh xuân luôn nhắc nhở chúng ta rằng những câu chuyện một thời tuổi trẻ bao giờ cũng đi cùng máu, nước mắt và hoa.
Ngày hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, đất nước Việt Nam đang được sống trong hòa bình, để có được sự tự do đó, có phần đóng góp to lớn của những thế hệ thanh niên trẻ tuổi. Khát vọng về một đất nước tự do đã được thế hệ thanh xuân đi trước tạo dựng và khẳng định.
Những đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước đã tạo nên những mùa xuân hạnh phúc cho dân tộc, và ngày hôm nay, những mùa xuân đó vẫn nở hoa giúp bồi đắp hơn nữa lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trách nhiệm thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Trong 88 năm qua, bằng sức trẻ và nhiệt huyết tuổi thanh xuân, bằng niềm tin không lay chuyển và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên hôm nay đã và đang tự hào viết tiếp truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Bảo Nhi

 

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *