Kết cấu các ngôi nhà cổ truyền do tay nghề của thợ Chàng Sơn làm ra thể hiện được kinh nghiệm đục chạm, sự khéo léo, chăm chút cho từng tác phẩm nghệ thuật nhà gỗ. Nghề làm nhà gỗ ở Chàng Sơn đang lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến mọi miền đất nước.
Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất trước kia có tên Nôm là Nủa Chàng. Chữ “Chàng” bắt nguồn từ tên một dụng cụ làm mộc cổ – đục Chàng Chảy. Chàng Sơn nổi tiếng khắp xứ Đoài bởi cái tài “bách nghệ” như: Làm quạt; tạc tượng; sơn; mộc, trong đó có làm nhà gỗ cổ truyền. Không rõ nghề mộc khởi phát từ bao giờ, chỉ biết vào thời Hùng Vương dựng nước thì nghề mộc Chàng Sơn đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Các họa tiết được đục chạm thủ công để sản phẩm có hồn hơn.
Ảnh minh họa.
Làng nghề mộc Chàng Sơn có sự khác biệt ở công đoạn ghép mộng. Ghép mộng không cần dùng đến đinh, hoàn toàn dùng kết cấu mộng của những xà kèo chính kết hợp với nhau. Các mối ghép mộng của Chàng Sơn rất kín, sắc nét, đảm bảo độ bền cao. Sự cầu kỳ, tinh xảo trong hoa văn cũng làm nên giá trị cốt lõi của làng nghề. Kiến trúc gỗ mà làng nghề mộc Chàng Sơn thực hiện nổi tiếng từ xưa là chùa Tây Phương và 18 vị La Hán…Từ thân gỗ vô tri, với bàn tay tài hoa, sáng tạo, người thợ Chàng Sơn đã “thổi hồn” vào gỗ để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật nhà gỗ đạt đến độ cầu kỳ, tinh xảo.
Để làm một công trình nhà gỗ truyền thống, người thợ Chàng Sơn phải tính toán lên được kích thước của ngôi nhà. Trong kiến trúc nhà gỗ, Chàng Sơn thường dựa trên kết cấu kiến trúc điển hình của người Việt. Nhà gỗ được thi công thành 3 gian, 5 gian, chỉ có duy nhất một tầng. Mái nhà gỗ hình chóp, 2 mái trải đều ra phía trước và sau nhà, độ dốc vừa phải.Nhà được làm từ các loại gỗ khác nhau và chắc chắn gồm: Gỗ lim, sến, mít, hương…Sau khi chọn nguyên liệu, người thợ gia công các cấu kiện thô ở xưởng và tiến hành chạm khắc hoa văn trên các cấu kiện. Để thể hiện rõ yếu tố nhà gỗ cổ truyền, người thợ Chàng Sơn thường đục chạm các hoa văn mang hình ảnh văn hóa Việt như: Tứ linh, tứ quý, các trò chơi dân gian, trầu cau, cây Nêu, Thánh Gióng… Kiến trúc khung gỗ được thiết kế khá độc đáo, được dựng từ các vì kèo liên kết tạo thành một khối thống nhất có khuôn hình chữ nhật. Kết cấu các ngôi nhà cổ truyền do tay nghề của thợ Chàng Sơn làm ra thể hiện được kinh nghiệm đục chạm, sự khéo léo, chăm chút cho từng tác phẩm nghệ thuật nhà gỗ.
Một phần nóc bên trong nhà gỗ được gia công cấu kiện.
Ảnh minh họa.
Theo các nghệ nhân làng nghề thì việc dựng nhà gỗ cổ truyền là một nghề khó. Muốn làm thợ “biết việc” phải mất tới 5-7 năm, còn đạt trình độ nghệ nhân, ngoài tố chất tài hoa, sự cần mẫn, tâm huyết với nghề còn phải dành cả đời tìm tòi, học hỏi không ngừng. Để có nét đục chạm có hồn, người thợ làng Chàng phải nắm chắc bí quyết gia truyền và những kỹ thuật độc đáo không phải nơi nào cũng có được. Chiếc Chàng Chảy chính là sự hội tụ tinh hoa của nghề mộc Nủa Chàng xưa. Ưu điểm của dụng cụ này là cho ra đường nét gọn, tinh tế, mềm mại. Ở làng Chàng Sơn hiện vẫn còn một số nghệ nhân giữ được kỹ thuật đục Chàng Chảy. Sử dụng Chàng Chảy rất khó, việc phân bố lực gõ và cách cầm đục đều rất khác biệt, chiếc đục nằm theo chiều nghiêng, chuyển động của đục gần giống theo kiểu bập bênh, dùi đục đánh vào chuôi đục và mũi đục cứ thế “Chảy” đi. Người thợ Chàng Sơn luôn gửi gắm tình yêu nghề, sự tâm huyết và cả tâm hồn của mình vào từng nét chạm. Vì vậy, mỗi sản phẩm ra đời từ làng mộc Chàng Sơn luôn đạt chất lượng cao và được đón nhận. Những công trình được thực hiện bởi thợ Chàng Sơn nhiều nhất phải kể đến nhà gỗ 3 gian, nhà gỗ 5 gian, nhà thờ họ, từ đường, đình, chùa… ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Ngôi nhà gỗ cổ truyền được đặt trong thể thống nhất của sân vườn, ngoại cảnh.
Ảnh minh họa.
Ngày nay, việc đục cũng được cải tiến bằng cách dùng máy CNC (máy đục gỗ vi tính), nhưng muốn sản phẩm có hồn hơn thì vẫn phải đục bằng tay. Nghề mộc cho thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp, nhưng tình trạng thiếu thợ giỏi, lành nghề đang là thực tế ở làng nghề mộc Chàng Sơn, bởi lớp trẻ hiện không mặn mà với nghề mộc do đặc thù lao động vất vả. Những nghệ nhân như Nguyễn Thư Viện, Nguyễn Khắc Tiến…đang nỗ lực truyền nghề, truyền lửa đam mê cho lớp trẻ nối nghề ông cha để duy trình vốn quý của làng nghề. Ngoài những nghệ nhân lớn tuổi, nghề làm nhà gỗ truyền thống Chàng Sơn giờ đây xuất hiện không ít kiến trúc sư trẻ, được đào tạo bài bản ở trường đại học. Đơn cử như kiến trúc sư Nguyễn Giang, anh sinh ra từ làng, chứng kiến những người trẻ dần chuyển sang các ngành nghề khác, trong khi thế hệ làm nhà gỗ truyền thống ngày một già yếu đi nên thay vì các chuyên ngành hiện đại, anh chọn học kiến trúc và tìm hiểu sâu về nhà gỗ truyền thống. Vẫn kinh nghiệm lấy mực thước dựng nhà của ông cha, anh đặt ngôi nhà trong thể thống nhất của sân vườn, ngoại cảnh cùng sự bài trí hài hòa vật dụng tiện ích…làm tươi mới những ngôi nhà gỗ nhưng không làm mất đi nét truyền thống. Chàng Sơn hôm nay cũng không thiếu gia đình “cha truyền, con nối” trong nghề dựng nhà gỗ. Xưởng nhà gỗ Phúc Lộc ra đời bởi thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khiêm. Gia đình anh có 3 đời làm nhà gỗ. Anh đang phát triển sự nghiệp của gia đình để tạo nên nhiều công trình nhà cổ mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Nghề làm nhà gỗ ở Chàng Sơn đang lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến mọi miền đất nước. Mong rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy tinh hoa nghề làm nhà gỗ của quê hương, giúp danh tiếng nhà gỗ Chàng Sơn “đẹp tinh tế, có hồn cốt” được lưu truyền mãi.
Ngọc Trâm