(HNM) – Hà Nội được gọi là mảnh đất “trăm nghề”, nơi hội tụ, bồi đắp những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật dân gian, sản sinh và lưu giữ những giá trị lịch sử, tinh thần đặc sắc của dân tộc. Thành phố hiện có hơn 1.350 làng nghề, trong đó có những làng nghề hơn 1.000 năm phát triển gắn với quá trình hình thành Thăng Long – Hà Nội, tạo nên nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như: Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông)…
Làng lụa Vạn Phúc thuộc quận Hà Đông hiện có gần 800 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% tổng số hộ dân sinh sống tại đây. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại. Hiện nay, Vạn Phúc có hơn 1.000 máy dệt, hằng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến làm việc. Cửa hàng bán lụa tơ tằm phát triển ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với hơn 100 cửa hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Lụa Vạn Phúc chỉ sử dụng chất liệu tơ tằm truyền thống, qua bàn tay tài hoa của thợ làng nghề, sản phẩm được nhiều người ưa chuộng bởi sự tinh xảo, đẹp độc đáo…
Theo Phó Chủ tịch Hội làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) Trần Thị Ngọc Lan, điều đáng quý là sản phẩm của làng lụa được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có nhiều ưu điểm khác hẳn với các sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, những nghệ nhân của địa phương luôn trăn trở là lụa Vạn Phúc thường có độ phai màu nhất định trong quá trình sử dụng. Do đó, thời gian qua, các nghệ nhân không ngừng nỗ lực cải tiến chất lượng, mẫu mã để sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn. Tham gia Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai, năm 2022, lụa Vạn Phúc giới thiệu, bày bán nhiều loại lụa mới, được giải thưởng lớn tại các cuộc thi về mẫu mã thủ công mỹ nghệ của thành phố và các bộ, ngành…, chắc chắn khiến khách hàng hài lòng, tin tưởng…
Còn làng gốm Bát Tràng của huyện Gia Lâm là một trong những làng nghề cổ truyền nổi tiếng với những sản phẩm đậm đà tinh hoa văn hóa, bản sắc Việt. Những sản phẩm gốm sứ mang dấu ấn của các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng cũng được giới thiệu trong Festival lần này của Hà Nội. Các sản phẩm được lựa chọn hội tụ nhiều nét truyền thống kết hợp sự cách tân, sáng tạo. Đây là dịp để những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng giới thiệu tinh hoa làng nghề, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy du lịch, xứng danh điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, gốm Bát Tràng nói riêng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thủ đô nói chung tham dự Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai này đều là những sản phẩm đã qua nhiều vòng lựa chọn từ các ngành nghề khác nhau. Các thành viên Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội đã có sự chuẩn bị chu đáo sau thời gian dài hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, Festival lần này thu hút rất nhiều nghệ nhân, những người làm nghề tiêu biểu, tâm huyết tham gia, tạo nên bức tranh làng nghề Hà Nội thời đại mới vừa giữ được tinh hoa cổ truyền song cũng có nhiều thay đổi, đáp ứng đời sống đương đại.
“Chúng tôi kỳ vọng, qua triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề lần này, khách tham quan sẽ có những trải nghiệm thú vị, có thêm ý kiến đóng góp để các nghệ nhân nắm được nhu cầu đời sống xã hội và có cải tiến phù hợp, làm sao cho mỗi sản phẩm làng nghề là một câu chuyện, là gạch nối quá khứ và hiện đại một cách hoàn hảo nhất”, bà Hà Thị Vinh nói.
Với sự dày công chuẩn bị, phối hợp cùng nhiều đơn vị khác nhau, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hoàn tất quá trình lựa chọn sản phẩm trưng bày, các tiết mục trình diễn tay nghề của nghệ nhân tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai, năm 2022. Theo đó, gian trưng bày chung sản phẩm tiêu biểu của làng nghề Hà Nội quy tụ được hàng nghìn sản phẩm độc đáo, bài trí khoa học, sẽ dẫn dắt người tham quan đến với không gian làng nghề Hà Nội đa chiều, đa lĩnh vực. Cũng tại Festival, màn biểu diễn tay nghề của các nghệ nhân, giới thiệu quy trình làm nghề… sẽ là minh chứng sinh động cho bề dày phát triển, thăng hoa của làng nghề Thủ đô.
Tùng Sơn
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/thoi-su/828168/tinh-hoa-tren-dat-thang-long—ha-noi