Bảo vệ và phát huy lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội nói chung và khu vực nội thành Hà Nội nói riêng góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh, giúp con người có ý thức kết nối với cội nguồn dân tộc, với cộng đồng mình đang sinh sống, từ đó họ có trách nhiệm đóng góp công sức trong việc tôn tạo, tu bổ di tích và việc giao lưu, trao đổi, sáng tạo văn hóa, đồng thời là nguồn tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô…
Sáng 03/11/2023, tại di tích đền Đồng Cổ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội hiện nay”. Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số hội, viện nghiên cứu và các trường đại học có khoa, ngành liên quan về di sản văn hóa và đơn vị liên quan, đại diện lãnh đạo và chuyên viên UBND, Phòng Văn hóa – Thông tin 12 quận.
Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Chủ trì Tọa đàm: Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; PGS.TS. Đỗ Văn Trụ Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Theo kết quả Tổng kiểm kê và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể công bố năm 2016 có 1.206 lễ hội truyền thống được kiểm kê và nhận diện và bước đầu đánh giá sức sống của di sản. Trong đó có 18 lễ hội được ghi danh và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với 221 Lễ hội truyền thống. Trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng và có những biến đổi đáng kể.Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống có một vai trò rất quan trọng trong bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc.Tọa đàm tập trung trao đổi các vấn đề về nhận diện nét đặc trưng, những biến đổi và văn hóa ứng xử trong lễ hội truyền thống, phục dựng nghi lễ, nghi thức và các trò chơi dân gian tại lễ hội, định hướng công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội để trở thành tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô”.
Các đại biểu phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận cũng như được nghe nhiều ý kiến tâm huyết của chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số hội, viện nghiên cứu; đại diện cộng đồng thực hành di sản: GS. TS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa; GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Hà Nội; các tham luận: Phát huy giá trị lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành: Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội (TS Đinh Việt Hà, Viện nghiên cứu văn hóa); Sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng trong phục dựng các nghi lễ, nghi thức tại lễ hội chùa Láng (Phòng Văn hóa – Thông tin quận Đống Đa); Lễ hội Thập Tam trại bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cư dân cổ phía Tây kinh thành Thăng Long (Ông Trần Sơn Trà, Phó ban quản lý di tích lịch sử đền Núi Sưa)…
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa; cộng đồng thực hành di sản, UBND 12 quận… đã luôn gắn kết, đồng hành cùng Thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung, giá trị lễ hội truyền thống nói riêng. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại Tọa đàm. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội nói chung và di sản văn hóa phi vật thể loại hình lễ hội truyền thống nói riêng cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành và đoàn thể và cộng đồng nắm giữ di sản triển khai đồng bộ các giải pháp: Khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống. Không nâng tầm lễ hội, ngăn chặn các yếu tố tiêu cực, hình ảnh phản cảm, thực hiện quy định nếp sống văn minh trong các hoạt động tại lễ hội; Hỗ trợ cộng đồng trong công tác nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ, nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian, trao truyền tri thức cho đội ngũ nắm giữ di sản kế cận; Phát huy tính chủ động, tích cực của cộng đồng trong tổ chức, quản lý và thực hành lễ hội truyền thống. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng để đảm bảo quyền của cộng đồng đối với việc sử dụng không gian thiêng, đồ vật thiêng, tài nguyên thiên nhiên cần thiết để thực hành các tập quán, nghi lễ trong lễ hội truyền thống….
Đồng chí đề nghị 12 quận tiến hành tổng rà soát, thống kê các lễ hội truyền thống trên địa bàn. Các quận có lễ hội được ghi danh tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của lễ hội. Các quận chưa có lễ hội được ghi danh cần chủ động đề xuất, chuẩn bị hồ sơ khoa học, cẩn trọng. “Bảo vệ và phát huy lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội nói chung và khu vực nội thành Hà Nội nói riêng góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh, giúp con người có ý thức kết nối với cội nguồn dân tộc, với cộng đồng mình đang sinh sống, từ đó họ có trách nhiệm đóng góp công sức trong việc tôn tạo, tu bổ di tích và việc giao lưu, trao đổi, sáng tạo văn hóa, đồng thời là nguồn tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô và lưu truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”- đồng chí Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Đức Minh