Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, sáng 8/11, tại trụ sở 47 Hàng Dầu, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức tọa đàm chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô; đây là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn với nhiệm vụ xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.
Đồng chủ trì tọa đàm có TS.Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Tham dự tọa đàm có đại diện cơ quan thường trực của Thành phố: ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở, bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở; các chuyên gia và các nhà khoa học: PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia, GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội; TS. Phạm Cao Quý, Phòng Quản lý phi vật thể, Cục Di sản Văn hóa; đại biểu các sở ngành, tổ giúp việc của Thành phố tư vấn công tác xây dựng và sửa đổi Luật Thủ đô; Tổ tư vấn và nhóm chuyên gia của Bộ Tư pháp hỗ trợ Thành phố và đại diện nhóm các nghệ nhân, những người trực tiếp thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết: Luật Thủ đô ra đời năm 2012, cùng với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011- 2020, và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, Hà Nội đã phát huy lợi thế của Thủ đô. Nhiều cơ chế chính sách có sự vượt trội nhờ tính năng động, chủ động, nhưng lại có một số cơ chế, chính sách đến thời điểm này đã bộc lộ hạn chế. Vì vậy, Hà Nội tham mưu lãnh đạo Thành phố tiếp tục sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô để phù hợp với tình hình mới và được lãnh đạo Thành phố ủng hộ.
Với cách tiếp cận mới về con người, cùng những tiềm năng sẵn có của Thủ đô, cùng định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội cần tập trung xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi. Đồng chí mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đóng góp các ý kiến trước những vấn đề mới, để tăng cường việc quản lý, đầu tư và phát huy, nhằm tạo khâu đột phá, tạo bước phát triển, giúp văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 29-KH/TU ngày 28-5-2021 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020. Qua việc tổng kết nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai và kết quả đạt được, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI); gắn với đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012. Theo đó, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển văn hóa vẫn chưa xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô. Hoạt động bảo tồn văn hóa gặp nhiều khó khăn, thách thức, việc khai thác, phát huy giá trị thiết chế văn hóa chưa tương xứng tiềm năng, nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô còn mang tính dàn trải. Chưa thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư và người dân tham gia vào công tác bảo tồn. Chưa có cơ chế phù hợp khuyến khích ưu đãi, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư. Việc bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập, chưa được tôn vinh xứng tầm. Để bảo tồn phát huy giá trị các di sản cộng đồng, cần tư liệu hóa, thu thập thông tin, tổ chức liên hoan và không gian trình diễn di sản để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể hơn trên cơ sở kế thừa những quy định còn hợp lý của Luật Thủ đô, đồng thời bổ sung thêm 4 chính sách, gồm: tăng cường đầu tư Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt là bảo tồn, tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền, công trình nhà cổ, làng cổ trên địa bàn Thủ đô, đảm bảo hài hòa về phát triển kinh tế, du lịch địa phương; Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa, sẽ được hưởng ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thủ tục doanh nghiệp; Thành phố sẽ quy định chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh đối với các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghệ nhân mở lớp trao truyền cho đội ngũ kế cận; Lập Quỹ bảo tồn phát triển văn hóa Thủ đô.
Tham dự tọa đàm có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa
Theo GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Điều 11 của Luật Thủ đô cần được tập trung nghiên cứu và đặt lên hàng đầu. Hiện nay, Hà Nội đang trên đà phát triển, kéo theo sự phá vỡ nhiều giá trị văn hóa. Hà Nội cần có giải pháp để giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hóa như: nhà cổ, làng cổ, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc để từng bước tu bổ, tôn tạo, góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của Hà Nội. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng chính sách đối với các nghệ nhân dân gian.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: pháp luật là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung và di sản văn hóa nói riêng. Thực tiễn quản lý của Hà Nội đặt ra nhu cầu cần có sự điều chỉnh Luật Thủ đô cho phù hợp với tình hình mới. Muốn xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, nhà nước và nhân dân ta cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận và vinh danh là: Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hòa bình, Thành phố thông minh và sáng tạo, Hà Nội cần mạnh dạn đổi mới tư duy hay tư duy mang tính đột phá để tạo ra trong mọi lĩnh vực hoạt động những sản phẩm khác biệt, độc đáo thậm chí là duy nhất chỉ có ở Thủ đô mang thương hiệu Hà Nội, đồng thời góp phần làm nên thương hiệu quốc gia. Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù được cụ thể hóa qua các điều, khoản trong Luật Thủ đô để phát huy thế mạnh vượt trội mà các tỉnh, thành phố khác không thể có, trước tiên là về nguồn nhân lực, tiếp đến là kho tàng di sản văn hóa của cả nước. Luật Thủ đô được điều chỉnh cần chỉ rõ những ý tưởng quy hoạch, các chương trình hoạt động hay những dự án có tính thực tiễn để trở thành các sản phẩm văn hóa, du lịch góp phần thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Theo GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư cơ bản để có tư vấn cho vấn đề về bảo tồn và phát triển. Luật Thủ đô năm 2012 khi mới ban hành đã có một số bất cập. Việc sửa đổi Luật Thủ đô hiện nay đang có nhiều thuận lợi, quan điểm xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, bối cảnh lịch sử văn hóa có thay đổi so với trước; chủ trương của Trung ương là tăng đầu tư cho phát triển văn hóa. Văn hóa là nguồn lực quyết định sự phát triển của Thủ đô. Chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa cần triển khai cụ thể vào việc bảo tồn di sản. Đó là cơ hội để “đại phục hưng” nền công nghiệp văn hóa.
TS.Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch hội Di sản văn hóa Việt Nam đề xuất nên thành lập Quỹ bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô. Quỹ được nhà nước đầu tư và được nhận các nguồn kinh phí khác từ các tổ chức, cá nhân phù hợp với tiêu chí hoạt động và chức năng của Quỹ. Hà Nội có thể lập một Quỹ Văn hóa chung bao gồm nhiều lĩnh vực hoặc lập quỹ cho từng lĩnh vực của văn hóa như: Quỹ Bảo vệ di sản văn hóa, Quỹ Phát triển văn hóa cơ sở, Quỹ Phát triển nghệ thuật…
Đại diện Cục Di sản văn hóa, TS. Phạm Cao Quý đề xuất nên điều chỉnh Điều 11 của Luật Thủ đô theo hướng thể hiện nội dung bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và nội dung phát triển văn hóa của Thủ đô đúng tầm. Cần xây dựng chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể để phát huy tốt nhất những gì họ đang nắm giữ góp phần phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội của cộng đồng, địa phương và của Thành phố. Nội dung về nghệ nhân được xây dựng thành một mục trong điều về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đồng thời bổ sung nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân thành phố đó là ban hành chính sách đối với nghệ nhân và cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Đại diện cho các nghệ nhân thuộc loại hình văn hóa phi vật thể của Hà Nội, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thúy Hòa, Chủ nhiệm CLB Ca trù Thái Hà- Hà Nội trăn trở: Hà Nội là cái nôi phát triển, sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nổi tiếng. Ở họ là cả một trời kiến thức, nắm giữ, thực hành thành thạo các nghi lễ, diễn xướng dân gian, họ cũng là những người truyền dạy, bảo tồn tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tài năng trách nhiệm và nhiệt huyết và sự cống hiến của các nghệ nhân khiến cho họ trở thành những báu vật, bảo tàng sống, là linh hồn của các di sản văn hóa phi vật thể của xã hội. Bà mong muốn Hà Nội có cơ chế quan tâm hơn nữa đến các nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân ca trù, đồng thời đề xuất thành lập Quỹ Bảo tồn và Phát triển Văn hóa của Thủ đô để những mong muốn của các nghệ nhân thành hiện thực, góp phần vào vào mục tiêu phát triển văn hóa và con người Hà Nội, hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngô Anh Tuấn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: Với góc độ cơ quan thường trực theo dõi, đôn đốc ý kiến triển khai Thông báo Kết luận số 02 của Chủ tịch UBND Thành phố, Sở Tư pháp tiếp thu kết quả buổi tọa đàm với mong muốn Luật Thủ đô sẽ hiện thực hóa những ý kiến đóng góp để Luật mang tính khả thi, bền vững, đi vào cuộc sống, không trái với hiến pháp và đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, mang đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Cụ thể hóa ý kiến thành những chính sách cụ thể. Xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các phương tiện truyền thông đại chúng và đông đảo Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật trên cơ sở thu hút nguồn lực cho Thủ đô, trong đó có nguồn lực con người ở lĩnh vực văn hóa; tạo cơ chế khuyến khích sự đầu tư, giúp Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định: Trong thời gian qua, ngành văn hóa Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực, sáng tạo, ngay cả trong thời gian khó khăn nhất khi chịu tác động của đại dịch Covid-19. Nhiều sự kiện lớn của Trung ương đều giao cho Hà Nội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Luật Thủ đô, lĩnh vực bảo tồn văn hóa và di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của văn hóa Thủ đô, chưa có sự khác biệt, vượt trội. Vì vậy, sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phát huy kho tàng văn hóa Thủ đô. Chúng ta cần có một chính sách đối với các nghệ nhân và cần thực hiện sớm. Hà Nội nên thành lập Quỹ Văn hóa. Ưu tiên chính sách về đất đai và thuế theo hướng định lượng cụ thể. Nên có điều khoản riêng về di sản văn hóa của Thăng Long- Hà Nội.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu liên quan đến các mục tiêu, giải pháp và tác động về chính sách đến hệ thống pháp luật. Đồng chí khẳng định Luật Thủ đô bao hàm rất nhiều lĩnh vực và đều liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Chúng ta cần sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để tăng cường hiệu quả trong hoạt động quản lý văn hóa và dịch vụ văn hóa, phát huy vai trò của vùng Thủ đô, phát huy các loại hình văn hóa mới để phát triển Thủ đô, phát triển đất nước. Đồng chí nhấn mạnh, chúng ta cần phát triển công nghiệp văn hóa trên những nền tảng, giá trị đã có để tiếp cận với văn hóa thế giới. Đã đến lúc chúng ta cần nâng tầm văn hóa và các sản phẩm văn hóa; phải chăm lo, phát triển, tạo môi trường để phát triển văn hóa; thực hiện cam kết với UNESCO về việc xây dựng thành phố sáng tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Thanh Mai