Tin ngành

Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy, gìn giữ làng nghề truyền thống năm 2024”

Tọa đàm là dịp các đại biểu khách mời cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề ẩm thực truyền thống – một di sản văn hóa quý giá trên địa bàn Hà Nội. Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cùng đông đảo khán giả Thủ đô.

Chiều 30/11/2024, tại Công viên Thống Nhất (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy, gìn giữ làng nghề truyền thống năm 2024”. Tham dự tọa đàm có đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; các chuyên gia về bảo tồn văn hóa và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực ẩm thực; Nghệ nhân và đại diện các làng nghề ẩm thực truyền thống tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội; các nghệ sỹ được đông đảo khán giả yêu mến: Bà Vũ Thị Tuyết Nhung – Nhà báo, nhà nghiên cứu Văn hóa Hà Nội; Masterchef  Phạm Tuấn Hải; Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam; Nghệ sỹ Minh Vượng, NSND Thu Huyền,  Phó Giám đốc điều hành Nhà hát chèo Hà Nội; NSƯT Đức Hùng, Phó giám đốc nhà hát múa rối Thăng Long; NSƯT Thu Huyền. Cùng dự Tọa đàm còn có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo các Phòng, ban, các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp liên quan; đông đảo Nhân dân.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Tọa đàm Phát triển chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy, gìn giữ làng nghề truyền thống năm 2024” là một trong những hoạt động của Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024. Đây là dịp các đại biểu khách mời cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề ẩm thực truyền thống – một di sản văn hóa quý giá trên địa bàn Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh và các đại biểu dự Tọa đàm

Tọa đàm gồm 2 phiên: Phiên 1: Từ câu chuyện Phở Hà Nội là di dản văn hóa phi vật thể, bàn về di sản văn hoá ẩm thực HN. Phiên 2: Nhân lực và các điều kiện phát huy di sản văn hoá ẩm thực Thủ đô theo hướng công nghiệp văn hóa.

Các khách mời tham dự tọa đàm (phiên 1)

Phiên 1 có sự tham gia của các khách mời: Bà Vũ Thị Tuyết Nhung – Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội; Chef  Nguyễn Thường Quân – Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam; Nghệ sỹ Minh Vượng. Thông qua chia sẻ của các khách mời, khán giả có thêm những thông tin thú vị về phở, món quà ẩm thực đặc biệt của Hà Nội. Các khách mời đều đồng tình phở là niềm tự hào   của người Hà Nội. Việc Phở Hà Nội được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng chủ thể và những người yêu thích ẩm thực. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Phở Hà Nội”. Theo các đại biểu, cùng với thời gian, phở đã có nhiều biến tấu trong cách nấu, cách ăn cho phù hợp với những vùng miền có sự hiện diện của phở, với nhu cầu, sở thích của người ăn. Thế nào là một bát phở ngon, cách ăn phở đúng chuẩn (ăn với dấm ngâm ớt, tỏi hay chanh, quất, bánh nhỏ hay bánh to…) là tùy theo khẩu vị của mỗi người. Điều quan trọng khi phở Hà Nội được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là cần có một tiêu chuẩn chung về phở truyền thống, là bát phở nguyên gốc của người Hà Nội xưa, vốn rất tinh tế trong vấn đề ẩm thực. Các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia ẩm thực, nghệ sỹ cùng chung tay để giữ  gìn, lan tỏa hương vị đặc trưng của phở truyền thống.  Để phở Hà Nội tiếp tục được lan tỏa, chinh phục thêm những thực khách gần xa bởi hương vị thơm ngon, quyến rũ.

Các khách mời tham dự tọa đàm (phiên 2)

Phiên 2: “Nhân lực và các điều kiện phát huy di sản văn hóa ẩm thực Thủ đô theo hướng công nghiệp văn hóa” có sự tham gia của các khách mời: Masterchef Phạm Tuấn Hải; NSND Thu Huyền – Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội; Diễn viên Thu Huyền, Nhà hát Kịch Hà Nội; NSƯT Đức Hùng – Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long. Vua đầu bếp Tuấn Hải và các nghệ sỹ đều khẳng định, việc đưa ẩm thực là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô là sự tất yếu, đúng đắn. Hà Nội có  nhiều dư địa để khai thác từ ẩm thực. Vấn đề đặt ra là phải phát triển nguồn nhân lực như thế nào. Nhà trường có thể đưa bộ môn “Món ăn truyền thống Hà Nội (Việt Nam)” vào giảng dạy trong các khóa dạy nấu ăn, các tiết học ngoại khóa với phương pháp giảng dạy hiệu quả, thiết thực. Các gia đình cần duy trì mâm cơm gia đình. Người lớn làm gương và truyền dạy cho con trẻ kiến thức về nấu ăn, về những món ăn truyền thống, trao cho các con cơ hội thực hành mỗi dịp sum họp gia đình, sum họp đại gia đình. Từ biết nấu ăn, biết nấu đúng vị, đến nấu ngon, tạo được “thương hiệu” cho món ăn. Có hiểu ẩm thực Hà Nội, thì mới yêu ẩm thực Hà Nội. Và có hiểu những vấn đề cốt lõi, cơ bản của ẩm thực Hà Nội nói chung, di sản ẩm thực Hà Nội nói riêng thì mới giữ gìn, phát huy giá trị theo hướng công nghiệp văn hóa. Để hòa nhập với thế giới chứ không hòa tan.

Tiết mục nghệ thuật tại Tọa đàm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả

Nguyễn Tâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *