Hàng năm, tiêu chí thực hiện cưới “Trang trọng – Lành mạnh – Tiết kiệm” được các địa phương đưa vào việc bình xét các danh hiệu văn hóa và gắn với việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử…
Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc cưới; ngăn chặn phô trương, hình thức, xa hoa, lãng phí; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hơn 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố tới cơ sở đã triển khai Chỉ thị và tích cực vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện. Nhiều mô hình sáng tạo từ việc cưới văn minh đã ra đời. Có thể kể đến các mô hình: “Cưới 6 không” ở Phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên) và ở huyện Quốc Oai; mô hình “Tiết kiệm trong việc cưới” ở huyện Mê Linh; mô hình “Cưới mới – Ido, Lễ hội đám cưới văn minh – Đám cưới vàng” của quận Ba Đình; mô hình “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” do Thành đoàn phát động; “Dân vận khéo trong cưới văn minh” do Ban Dân vận Thành phố phát động…
Theo số liệu thống kê đã có trên 90% đám cưới thực hiện theo đúng quy định. Không có đám cưới tảo hôn. Không có đám cưới vi phạm pháp luật.
Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11- CT/TU.
Hơn 10 năm qua, việc tổ chức đám cưới ở Hà Nội ngày càng đơn giản, gọn, nhẹ, đám ăn hỏi và lễ cưới được tổ chức trong một ngày, không mở nhạc quá 22h và nhiều thủ tục rườm rà, phô trương, lạc hậu đã được loại bỏ. Tư duy tổ chức đám cưới trang trọng, lấy hạnh phúc đôi lứa làm trung tâm đang ngày càng phổ biến. Ở quận Đống Đa, trong những năm qua 100% đám cưới được tổ chức theo nếp sống văn minh, theo tinh thần “trang trọng – vui tươi – lành mạnh –tiết kiệm”. Thực hiện mô hình “Cưới văn minh”, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận Đống Đa và 21 phường đã phân công cán bộ, đoàn viên tham gia giúp đỡ và tổ chức việc cưới trong thanh niên, biểu dương và tặng quà cho đám cưới tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Quận Hà Đông thì quy định số lượng mâm cỗ, không quá 40 mâm; cán bộ, đảng viên nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt… Thị xã Sơn Tây nhiều đám cưới được tổ chức bằng hình thức mời tiệc ngọt, báo hỷ. Hầu hết các lễ cưới đều được tổ chức trong một ngày, các nghi lễ thực hiện đơn giản, tiết kiệm hơn so với những năm trước.
Nhiều gia đình tại các quận, huyện: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ, Đan Phượng, Đông Anh, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Mỹ Đức, Gia Lâm, Ba Vì, Thạch Thất, Thanh Trì, Sóc Sơn… tổ chức đám cưới nếp sống văn minh với tiệc trà, báo hỷ sau cưới, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, hoặc không làm quá 40 mâm cỗ. Ngoài ra, các cặp đôi còn đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ…
Huyện Đông Anh đã tổ chức hàng nghìn hội nghị tại các thôn, tổ dân phố, xã, thị trấn bàn về việc cưới văn minh, nhiều địa phương đã bổ sung nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào quy ước thôn, tổ dân phố.
Ở huyện Ba Vì, nhiều xã đã yêu cầu gia đình phải kí cam kết không tổ chức đám cưới phô trương, chỉ tổ chức đám cưới gọn nhẹ. Gia đình nào vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000đ-2.000.000đ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh đã nhân rộng 36 mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang”. Hội đã tuyên truyền việc cưới văn minh gắn với các mô hình tiết kiệm và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các tổ chức, đoàn thể như Thành đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã nhân rộng mô hình điểm thực hiện đám cưới theo nếp sống văn minh, tiết kiệm…
Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, hầu hết các địa phương của Hà Nội đã coi thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là một tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, đảng viên và bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện Chỉ thị số 11/TU, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU gắn với việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các quận, huyện, thị xã đã phát huy vai trò của mình trong việc phân công thành viên giám sát, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới… Theo lãnh đạo Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, hàng năm tiêu chí thực hiện cưới “Trang trọng – Lành mạnh – Tiết kiệm” được các địa phương đưa vào việc bình xét các danh hiệu văn hóa và gắn với việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử. Đáng lưu ý, 30/30 quận, huyện, thị ủy đã cụ thể hóa thành Nghị quyết chuyên đề của địa phương và quán triệt nội dung Chỉ thị 11 đến cấp ủy Đảng, chính quyền xã, phường, thị trấn lãnh đạo, triển khai thực hiện.
Đám cưới tập thể tại Hà Nội
Các quận, huyện, thị xã hằng năm tổ chức biểu dương khen thưởng những cá nhân, gia đình và tập thể thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn tại hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hoặc trong hội nghị “Đại biểu Nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa”. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đã được các địa phương của Hà Nội quan tâm, nhất là trên hệ thống truyền thanh, phát thanh. Qua đó đã phê phán những biểu hiện tiêu cực, biểu dương kịp thời các nhân tố tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới….
Quỳnh Anh