Chiều 23/7, Sở VH&TT phối hợp Sở Tư pháp tổ chức buổi tọa đàm về chính sách bảo tồn và phát triển Văn hóa theo Điều 11 Luật Thủ đô và các văn bản QPPL quy định chi tiết.
Thực hiện Kế hoạch tổng kết 05 năm thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết theo Quyết định số 1298/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành kế hoạch tổng kết 5 năm thi hành Luật Thủ đô, tổ công tác tổng kết 05 năm thi hành Luật Thủ đô do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Tư pháp chủ trì tổ chức Hội thảo tọa đàm về việc thực hiện Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa theo quy định của Điều 11 Luật Thủ đô.
Nhằm thực hiện tốt Điều 11 Luật Thủ đô về “Bảo tồn và phát triển văn hóa”, Sở VH&TT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Thủ đô như: kế hoạch thực hiện Nghị quyết về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân về việc xây dựng các công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về việc ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu…; Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối vơi một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Sở đã chủ động trong việc nghiên cứu cập nhật văn bản của Trung ương để phối hợp với các đơn vị, các ngành có liên quan tham mưu bổ sung chỉnh sửa các văn bản đã ban hành.
Lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực rộng, vừa đa ngành, có tính dặc thù và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thủ đô, nhất là lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong 5 năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể luôn được quan tâm. TP Hà Nội đã hoàn thành tổng kiểm kê di tích toàn TP. Công tác quản lý và giải quyết các trường hợp vi phạm khu vực bảo vệ di tích được tăng cường. Công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng các di tích, việc tổ chức gắn biển các địa điểm, di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện khoa học, đúng quy trình. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện với sự kết hợp giữa nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa trong nhân dân.
Một số di tích tiêu biểu như: Đền Ngọc Sơn – hồ Hoàn Kiếm, Khu di tích thờ Hai Bà Trưng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội… đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, ưa chuộng đối với khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội và quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, hòa bình, hữu nghị ra thế giới.
Công tác kiểm kê, giám định di vật, cổ vật tại các điểm di tích đang triển khai mở rộng tại quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tính đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận cho 14 nhóm bảo vật quốc gia của Thủ đô với hàng trăm bảo vật quý giá đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích chùa Tây Phương…
Đối với các di sản văn hóa vật thể đưa vào danh mục, TP đã tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điển hình như: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ; làng cổ Đường Lâm; các làng nghề truyền thống tiêu biểu; các biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành thực hiện và đã hoàn thành đề án tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, đổi mới và nâng cao chất lượng, nhiều chương trình, tiết mục dược khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhiều nghệ sỹ, diễn viên của Thủ đô đã đạt được các giải thưởng tại các hội thi, liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế. TP Hà Nội có 144 nghệ sỹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT (127 nghệ sỹ), NSND (17 nghệ sỹ). Các loại hình nghệ thuật truyền thống được quan tâm, bảo tồn; công tác xã hội hóa tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật được tăng cường thu hút các nguồn đầu tư, tài trợ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thnah lịch – văn minh là một trong 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI được Sở VH&TT tập trung tổ chức thực hiện. Sau nhiều năm chuẩn bị, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Qua hơn 1 năm triển khai, 2 bộ quy tắc đã tạo những chuyển biến tích cực trong việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Hà Nội cũng là địa phương đi đầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, sinh hoạt tín ngưỡng- tôn giáo tại nơi thờ tự góp phần nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên toàn TP. Phong trào giữ gìn trật tự, vệ sinh, văn minh đô thị, nhất là trong các dịp lễ tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước được duy trì và phát triển.
Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực rộng, vừa đa ngành, có tính đặc thù và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp. Trong khi đó, cán bộ ngành văn hóa nói chung còn thiếu cán bộ được đào tạo về chuyên ngành Luật, do vậy gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham mưu văn bản quy định chi tiết, các văn bản quy phạm pháp luật thường bị kéo dài thời gian, chất lượng tham mưu chưa cao.
Nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp kịp thời; nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là một số nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một; chưa chủ động xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa…
Vì vậy, cần tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Thủ đô. Khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô, các Nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của TP. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc triển khai thực hiện, kíp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sụng danh mục cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô.
Xây dựng các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ phát triển và bảo tồn giá trị di sản; hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ; tổ chức liên hoan, giao lưu giữa các quận, huyện, thị xã nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô.
Các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội kết hợp công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh, tố giác, bài trừ các tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư.
Nhật Linh
Theo MaskOnline