Là một trong ba trích đoạn được giới thiệu tại Gala Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 27/10/ 2021, “Cát bụi” của Nhà hát Kịch Hà Nội đã tạo được dấu ấn sâu đậm với khán giả cũng như đông đảo nghệ sĩ, diễn viên của sân khấu Thủ đô.
Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) đã khép lại với sự kiện Gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam” được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 27/10/2021.
Phát biểu tại buổi lễ, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam diễn ra từ ngày 21/10 đến 27/10/2021 với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Công diễn vở “Chén thuốc độc” – vở diễn đầu tiên đánh dấu sự ra đời, phát triển của nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Tiếp đó, trong khuôn khổ của Tuần lễ, một số vở kịch tiêu biểu của các Nhà hát được giới thiệu tới khán giả như: Người tốt nhà số 5 (Nhà hát Kịch Việt Nam), Ai là thủ phạm (Nhà hát Tuổi trẻ), Bạch đàn liễu (Sân khấu Lucteam), Phải có ba đồng (Nhà hát Kịch Hà Nội), Chí Phèo-Thị Nở (Sân khấu Lệ Ngọc). Cũng trong Tuần lễ kỷ niệm này, đã diễn ra Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam-Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Và cuối cùng là Chương trình “Gala Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội để khép lại chuỗi sự kiện ý nghĩa này.
Có thể nói rằng “Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam” do Bộ VHTTDL cùng với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức đã thành công tốt đẹp. Đây là sự kiện biểu thị mong muốn của cả giới nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về vực dậy sân khấu kịch sau khó khăn, sau đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên khắp thế giới. Hy vọng, sau chuỗi các sự kiện ý nghĩa này, sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu kịch nói nói riêng sẽ vượt qua thách thức sẽ có được sự nhộn nhịp trở lại sau dịch bệnh.
Tại Gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam” tối 27/10, Ban tổ chức đã vinh danh, tri ân 10 nghệ sĩ lão thành đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam, đó là các nghệ sĩ: NSND Doãn Hoàng Giang; NSND Trần Tiến; NSND Doãn Châu; tác giả Tất Đạt-Giải thưởng Nhà nước về VHNT; Nhà nghiên cứu lý luận phê bình, PGS Tất Thắng; NSND Kim Cương; NSƯT Hoàng Quân Tạo; tác giả Sĩ Hanh- Giải thưởng Nhà nước về VHNT; NSND Phạm Thị Thành; NSND Ngọc Phương.
Bộ VHTTDL đã trao bằng khen của Bộ trưởng cho 7 tập thể (bao gồm: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Sân khấu Lucteam, Sân khấu Lệ Ngọc, Trung tâm Sân khấu và Phát triển) và 18 cá nhân đã có nhiều nỗ lực cho thành công của Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam.
Cũng tại lễ bế mạc, khán giả được giao lưu với các tác giả, nghệ sĩ sân khấu kịch nổi tiếng, đồng thời thưởng thức một số trích đoạn trong các vở kịch tiêu biểu như: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Nhà hát Kịch Việt Nam), Cát bụi (Nhà hát Kịch Hà Nội), Lời thề thứ 9 (Nhà hát Tuổi trẻ). Đặc biệt là trích đoạn “Cát bụi” của Nhà hát Kịch Hà Nội với sự tham gia diễn xuất của 3 nghệ sĩ: NSND Trung Hiếu, NSND Thu Hà, NSND Tiến Đạt đã để lại dấu ấn sâu đậm với người xem. “Cát bụi” là vở diễn đã từng giành nhiều giải thưởng và cũng là một trong số ít những tác phẩm sân khấu đã gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội suốt 18 năm qua với hơn 400 đêm diễn. Và “Cát bụi” vẫn luôn là vở diễn được Nhà hát Kịch Hà Nội đưa vào kịch mục biểu diễn thường xuyên phục vụ khán giả tại Thủ đô Hà Nội cũng như những chuyến lưu diễn tại nhiều địa phương trên cả nước.
Hồng Trâm