Di sản

Triển khai công tác xây dựng hồ sơ quốc gia và tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường

Ngày 3/10, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ quốc gia “Mo Mường” và tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện văn bản số 3056/BVHTTDL-DSVH ngày 19/8/2020 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc phối hợp xây dựng Bộ hồ sơ Quốc gia về di sản văn hoá Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hoá phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.

Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của cán bộ Phòng Văn hoá – Thông tin đại diện các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội; cán bộ văn hoá xã; đặc biệt  có sự góp mặt của các Nghệ nhân thực hành di sản Mo Mường là các thầy mo và đại diện cộng đồng là người dân tộc Mường tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị.

Mo là một trong những di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của người Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường. Nội dung Mo Mường là áng sử thi lớn phản ảnh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa. Di sản Mo Mường hiện có tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hoá, Đắk Lắk và Hà Nội.

Tại Hà Nội, đồng bào dân tộc Mường sống ở cả 30 quận, huyện, thị xã, nhưng tập trung đông nhất tại huyện Thạch Thất và Ba Vì. Theo kết quả Đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” công bố năm 2016, di sản Mo Mường được kiểm kê với các tên gọi khác nhau tại các địa phương như: Bài cúng ma – cúng giỗ của dân tộc Mường tại xã Ba Trại, xã Vân Hoà, xã Yên Bài, huyện Ba Vì; Tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; Nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Hiện trên địa bàn chỉ còn có 7 thầy Mo còn đang thực hành thường xuyên.

Tiến sĩ Phạm Minh Hương – Phó Viện trưởng Viện âm nhạc phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, chuyên gia Viện Âm Nhạc hướng dẫn, phổ biến về công tác kiểm kê theo quan điểm và yêu cầu của UNESCO đối với các di sản văn hoá phi vật thể; Ứng dụng Lý thuyết vào công tác kiểm kê di sản Mo Mường ở Hà Nội, hướng dẫn kiểm kê; Thực hành kiểm kê thông qua việc phỏng vấn các thầy Mo.

Nghệ nhân Bùi Phát Tường (xã Vân Hoà, huyện Ba Vì) phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
Nghệ nhân Đinh Công Hoà (xã Ba Trại, huyện Ba Vì) phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường và đưa vào Danh mục kiểm kê sẽ nâng cao nhận thức về vốn di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Mo Mường nói riêng trong cộng đồng. Thông qua quá trình kiểm kê, các thành viên của cộng đồng sẽ quan tâm nhiều hơn và tự hào hơn về di sản Mo Mường; chủ động tham gia vào việc bảo vệ và kế tục di sản. Quá trình nhận diện và kiểm kê có thể giúp thiết lập các mối quan hệ tốt giữa cộng đồng và các cơ quan quản lý văn hóa các cấp – những người tham gia trực tiếp vào việc quản lý hoặc bảo vệ di sản Mo Mường.

Hoà An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *