Điện ảnh

Trình chiếu 11 bộ phim trong Tuần phim APEC Việt Nam 2017

Tuần Phim APEC 2017 được tổ chức từ ngày 11/10 đến ngày 16/10/2017 tại Hà Nội và từ 12/10 đến 16/10/2017 tại Đà Nẵng.

Với Khẩu hiệu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, tuần phim APEC Việt Nam 2017 sẽ giới thiệu các tác phẩm đặc sắc từ các nền điện ảnh của các nền kinh tế thành viên APEC,là sự kiện chào mừng Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam 2017 nhằm kết nối các nền văn hóa của các nền kinh tế thành viên APEC, góp phần xây dựng cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

BTC  đã tuyển chọn được 11 bộ phim của 11 nền kinh kế thành viên APEC để trình chiếu tại Tuần phim này. Trong 11 phim, có 02 bộ phim tài liệu là Tôi vẫn ở đây (Pê-ru) và Kỳ quan ẩm thực Tsukiji (Nhật Bản); 09 bộ phim truyện, gồm: Danh ca Paparotti của tôi (Hàn Quốc), Những đứa con Trung Hoa (Trung Quốc), Blue Moon (Đài Bắc-Trung Hoa), Nokas (In-đô-nê-si-a), Thời đại của những người đầu tiên (Nga), Jack of the red hearts (Hoa Kỳ), Violeta đã lên thiên đường (Chi-lê), Cô thợ may (Ô-xtrây-li-a) và Mỹ nhân (Việt Nam).

Mỹ nhân là bộ phim lấy bối cảnh thời Trịnh Nguyễn phân tranh, xoay quanh sự nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Tần (Quách Ngọc Ngoan) và tình yêu dành cho cô đào hát Thị Thừa (Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011 – Triệu Thị Hà). Phim do Đinh Thái Thụy đạo diễn, được công chiếu vào năm 2015.

Cô thợ may (The Dressmarker – Australia) dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng của Rosalie Ham, là câu chuyện bi hài vừa ngọt ngào vừa cay đắng của cô thợ may xinh đẹp, tài năng Tilly Dunnage do Kate Winslet thủ vai. Đạo diễn Jocelyn Moorhouse đã lấy giai đoạn đầu những năm 1950 ở Úc để làm bối cảnh chính của bộ phim. Cô thợ may xinh đẹp Tilly đã phải chịu nhiều bất công trong quá khứ. Vì vậy, sau nhiều năm làm việc tại các cơ sở thời trang độc quyền ở Paris, Tilly đã trở về thị trấn nhỏ xa xôi Dungatar để đáp trả lại những bất công đó. Nhờ có khiếu thẩm mỹ, Tilly đã giúp chị em phụ nữ trong thị trấn lột xác thành những quý cô xinh đẹp thời trang.

Violeta đã lên thiên đường (Violeta went to the Heaven – Chi Lê) của đạo diễn Andrés Wood mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Bộ phim đã giành Giải thưởng cho phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Sundance năm 2011 (Mỹ), Giải Colon bạc dành cho đạo diễn xuất sắc nhất, Giải Colon bạc dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất (Francisca Gavilán)… Violeta đã lên thiên đường là dòng hồi ức về cuộc đời và sự nghiệp của Violeta Parra, người được đánh giá là một trong những nhân vật nổi bật nhất của văn hóa dân gian Chi Lê từ bước khởi đầu là một ca sỹ ở hội chợ, đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Bộ phim cũng được công chiếu trong Tuần phim Châu Mỹ La tinh tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Violeta Parra (1917-2017).

 Những đứa con Trung Hoa (Born in China – Trung Quốc) sản xuất năm 2016, đưa khán giả theo hành trình mang tính sử thi vào những vùng đất hoang dã, vùng đất huyền bí, cái nôi của những câu chuyện thần thoại ở Trung Quốc. Đây cũng chính là nguồn đề tài phong phú để các nhà làm phim khai thác. Qua những câu chuyện chân thực và sống động về các gia đình động vật tiêu biểu như báo đốm, linh dương, voọc, hạc, gấu trúc…, khán giả sẽ thấy được thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp nhưng cũng đầy khắc nghiệt của Trung Hoa.

 Nokas (Indonesia) kể về hành trình đấu tranh của chàng trai Nokas khi cố dành dụm gia tài để cưới người con gái anh yêu. Ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, việc kết hôn chưa bao giờ dễ dàng. Người đàn ông muốn lấy vợ phải tặng cho nhà gái một món đồ (của hồi môn) có giá trị rất lớn. Chính điều này đã biến hôn nhân trở thành một giao dịch kinh tế và là một gánh nặng đối với gia đình nhà trai. Nokas cũng vậy. Khi đã ở tuổi 27, anh luôn mong muốn được lấy người mình thương, nhưng chính tục lệ của hồi môn ở địa phương đã khiến Nokas chịu nhiều áp lực, gánh nặng.

Phim tài liệu Kỳ quan ẩm thực Tsukiji (Tsukiji Wonderland – Nhật Bản) từng tham dự LHP Quốc tế Seattle lần thứ 42. Mặc dù phim không đoạt giải thưởng nhưng đã thành công với sự khơi gợi hiếu kỳ và thích thú của bạn bè quốc tế đối với nền ẩm thực Nhật Bản. Kỳ quan ẩm thực Tsukiji còn giới thiệu về chợ cá Tsukiji, nằm ở thủ đô Tokyo, được biết đến là “chợ cá lớn nhất thế giới” về quy mô cũng như sự độc đáo riêng biệt.

 Danh ca Paparotti của tôi (My Pararotti – Hàn Quốc) của đạo diễn Yoon Jong Chan cho thấy sự nỗ lực của những người dám hi sinh để theo đuổi ước mơ. Phim kể về Jang-ho, chàng nam sinh trung học tài năng, cũng là “hoàng tử” của băng nhóm du côn, luôn mơ trở thành một danh ca nổi tiếng. Sang-jin, thầy giáo thanh nhạc địa phương, một ca sĩ hết thời là người luôn tìm cách giúp đỡ để Jang-ho vươn tới ước mơ, dù cho nhiều rắc rối đã xảy ra trong khi anh phải chỉ dẫn cậu học trò “nguy hiểm” này.

Phim tài liệu Tôi vẫn ở đây (I’m Still – Pê-ru) của đạo diễn Javier Corcuera được sản xuất năm 2013 đã gây tiếng vang lớn trong nhiều LHP trong nước và quốc tế. Phim từng giành các giải thưởng như: Phim tài liệu xuất sắc nhất trong LHP Lima (Pê-ru), Phim tài liệu hay nhất trong Giải phim thế giới “Encuentro Mundial de Cine”, Phim tài liệu hay nhất trong các LHP Ventana Andina (Ác-hen-ti-na), Pasto (Cô-lôm-bi-a), Caracas (Vê-nê-zuê-la), Giải quay phim xuất sắc Liên hoan phim quốc tế “La Luz” (Cô-lôm-bi-a)… Bộ phim miêu tả sự đa dạng về văn hóa, lịch sử và hiện tại của Pê-ru. Bằng cách quay phim tài tình và độc đáo, người xem sẽ có trải nghiệm về một chuyến đi từ khu rừng Amazon, đến các dãy núi Andes và kết thúc tại vùng biển rộng lớn Thái Bình Dương. Trong chuyến đi này, câu chuyện về những con người Pê-ru trong quá khứ và hiện tại đã được lột tả một cách chân thực nhất.

Thời đại của những người đầu tiên (The Age of Pioneers – Nga) do Nga sản xuất và phát hành vào tháng 4 năm 2017 có khẩu hiệu “Hãy ngẩng đầu lên”. Phim như một lời cổ động đối với việc phát triển khoa học kỹ thuật. Thời đại của những người đầu tiên lấy bối cảnh vào những năm 60 của thế kỷ XX, người Nga đã lên kế hoạch để đưa hai phi công quân đội Pavel belyayev và Alexey Leonov vào vũ trụ. Nhưng khi họ đã sẵn sàng để bước những bước đầu tiên, họ nhận ra có rất nhiều khó khăn và trắc trở ở phía trước…

Blue Moon (Mặt trăng xanh – Đài Bắc-Trung Hoa) sản xuất năm 1997 sẽ mang lại những giây phút đầy hoài niệm đối với những khán giả từng trải qua, hoặc chứng kiến những câu chuyện tình yêu trong thời gian này. Bộ phim của đạo diễn Kha Nhất Chính kể câu chuyện tình tay ba của hai người bạn thân Cuen-Shu, A-Gua với cùng một cô gái Yi-Fang. Blue Moon được tỏa sáng bởi nữ diễn viên trẻ xuất sắc Tarcy Su, người đã thể hiện một bức chân dung sống động về sự khao khát tình yêu của người thành thị. Kịch bản được chia thành năm phần, mỗi phần được đánh dấu bởi một màu khác nhau: đỏ, cam, vàng, xanh lá cây và xanh da trời. Với cách bố cục tường thuật phi tuyến tính, người xem phim có thể tự do sắp xếp năm phần của bô phim theo thứ tự bất kỳ.

Jack trái tim đỏ (Jack of the red hearts – Mỹ) của Janet Grillo kể về một cô bé tinh quái tên Jack đã chạy trốn khỏi cán bộ quản chế của mình. Cô sống lang thang trên đường phố. Một lần Jack đóng giả thành nhân viên có kinh nghiệm chăm sóc trẻ tự kỷ, rồi vô tình hình thành một mối quan hệ đặc biệt với cô bé Glory bị mắc chứng bệnh tự kỷ. Jack không chỉ khiến cả gia đình Glory thật lòng yêu mến cô mà còn khiến cho Robert, một chàng trai đáng yêu và là anh trai của Glory phải lòng cô. Tuy nhiên, khi vụ lừa đảo bị bại lộ và cảnh sát tới, Mark – cha của Glory phải chật vật để giữ vững gia đình trong khi những mảnh ghép của bộ xếp hình này đảo lộn.

Lễ Khai mạc Tuần Phim APEC Việt Nam 2017 được diễn ra ở Hà Nội vào lúc 19h00, ngày 11/10/2017 ) tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ và 19h00, ngày 12/10/2017 (Thứ Năm) tại Rạp Lê Độ, 46 Trần Phú, Đà Nẵng. Phim Mỹ nhân do Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất được chọn làm phim chiếu khai mạc Tuần phim.

Tuần Phim APEC do Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo; Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Ban Thư ký APEC 2017, Tiểu ban Vật chất – Hậu cần APEC, Tiểu ban An ninh – Y tế APEC 20172017, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện.

Hà Min

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *