Tin tức - Sự kiện

Trọng dân, gần dân, lắng nghe dân

(HNM) – Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; hoạt động thanh tra, giám sát của cộng đồng được đẩy mạnh… là yếu tố quan trọng để Quy chế Dân chủ ở cơ sở triển khai hiệu quả tại Hà Nội. Học tập, làm theo […]

(HNM) – Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; hoạt động thanh tra, giám sát của cộng đồng được đẩy mạnh… là yếu tố quan trọng để Quy chế Dân chủ ở cơ sở triển khai hiệu quả tại Hà Nội. Học tập, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, Hà Nội đã đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế Dân chủ tại cơ sở, góp phần tạo nên sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Anh Quý

Tạo đồng thuận từ tiếp xúc, đối thoại

Năm 2017, TP Hà Nội đã đạt những kết quả khả quan trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở thành phố, các cấp, các ngành đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả Quyết định 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 của Thành ủy về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”.

Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường gặp gỡ, đối thoại với nhân dân đã cho thấy sức lan tỏa, sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của các cấp, ngành. Thông qua đối thoại trực tiếp, chính quyền và nhân dân đã đạt được sự đồng thuận cao, nhất là tại các địa bàn triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải cho biết, quá trình giải phóng mặt bằng tuyến đường 2,5, có một số hộ dân chưa đồng thuận. Thông qua việc bám sát cơ sở, nắm tình hình, Ban Dân vận Quận ủy đã xác định được đối tượng đứng sau việc khiếu kiện, trực tiếp gặp gỡ tuyên truyền, vận động. Sau khi “nút thắt” này được tháo gỡ, cán bộ dân vận tiếp tục gặp gỡ, vận động và các hộ dân đã đồng tình thực hiện dự án. Thực tế này cho thấy, nếu vận dụng linh hoạt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì các vấn đề khó khăn, phức tạp đến đâu đều có thể từng bước được giải quyết thấu đáo, không phát sinh thành điểm “nóng”.

Cùng với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các tổ chức chính trị – xã hội cũng phát huy vai trò giám sát, phản biện, góp ý kiến chất lượng vào những chủ trương, quyết sách của thành phố. Trong năm nay, các ban thanh tra nhân dân ở các địa phương đã giám sát 6.885 vụ, phát hiện 2.193 vụ vi phạm. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.462 công trình, dự án, phát hiện 267 công trình vi phạm, kiến nghị thu hồi trên 11.000m2 đất và 20 triệu đồng…

Tăng trách nhiệm người đứng đầu

Tư tưởng trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân của Hồ Chí Minh đã hội tụ thành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong 10 năm (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện 700 lượt đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội… từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng việc phục vụ cho lợi ích của Nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo
của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch”.

Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Để làm được điều đó, cán bộ, đảng viên phải thật sự sâu sát, gắn bó với quần chúng nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng cũng như những bức xúc của nhân dân để kịp thời giải quyết hợp lòng dân; đồng thời phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm; nghiêm túc và thẳng thắn tiếp thu góp ý của nhân dân để khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Có như thế, mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với quần chúng nhân dân mới ngày càng thêm chặt.

Học tập và làm theo Bác, việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại TP Hà Nội luôn được triển khai theo hướng trọng dân, gần dân, hướng về nhân dân. Và việc Thường trực Thành ủy thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nghệ nhân… để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất, từ đó chỉ đạo các cơ quan của thành phố giải quyết kịp thời; việc 26/30 đơn vị cấp huyện, 468 đơn vị cấp xã tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp theo Quyết định 2200-QĐ/TU… đã chứng minh điều đó.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này, phát biểu tại phiên họp cuối năm 2017 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, năm 2018, Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, gắn với chủ đề công tác năm 2018 “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến của nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt là tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Theo Báo HNM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *