Ngày 16/11, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà thờ Hoàng Trình Thanh, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà thờ Hoàng Trình Thanh, với nội dung: tôn tạo Đại bái (nâng nền và tôn tạo Tiền tế, Hậu cung), cổng và sân vườn, hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy di tích.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Đối với hạng mục Đại bái: giảm chiều cao từ mặt nền đến dạ tàu tòa Tiền tế xuống dưới 2500mm. Tư liệu hóa đầy đủ công trình trước khi hạ giải. Lựa chọn một số cấu kiện cũ của công trình để lưu giữ, trưng bày tại di tích; Sử dụng lại toàn bộ các đồ trang trí nội thất bao gồm: Đại tự, hoành phi, câu đối, cửa võng…; Giữ gìn tối đa các cấu kiện gỗ cổ và cũ. Giữ nguyên cấu kiện gỗ còn tốt; gia cố, tu bổ (bằng biện pháp chắp – nối – vá, thay cốt – ốp mang) đối với cấu kiện gỗ hư hỏng một phần, chỉ thay mới khi cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn (sau khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá sau hạ giải); Sử dụng gạch lát sân để lát trên bề mặt rãnh thoát nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện Dự án, công bố công khai nội dung tôn tạo di tích trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh sinh năm Tân Mão (1411), tên tự là Trực Khanh, hiệu là Trúc Khê, người làng Huyền Khê, xã Trung Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay là thôn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội).
Năm 19 tuổi, Ông đi thi đỗ đứng thứ 3 khoa Bác học hoành từ. Năm 21 tuổi, Ông trúng tuyển khoa Chân nho chính trực. Ông giữ chức Ngự tiền học sinh cục trưởng (năm 1434) rồi Chánh trưởng nội mật viện (năm 1437), từng được tháp tùng vua Lê đi dẹp giặc. Vào triều vua Lê Nhân Tông, năm 1443, ông được cử đi sứ nhà Minh tạ ơn việc sắc phong, trở về được thăng chức Trung nghị đại phu Hàn lâm viện thị độc Tri ngự tiền học sinh cục trưởng. Đến triều vua Lê Thánh Tông, năm 1460, khi đi sứ, với tài ngoại giao xuất sắc, ông đã thuyết phục nhà Minh bỏ lệ cống nộp ngọc trai.
Năm 1462, vua Lê Thánh Tông muốn đổi mới đường lối trị vì đất nước, đã xuống chiếu cầu lời nói thẳng, ông đã dâng 7 chính sách lớn, được nhà vua chấp nhận và đã được ghi lại trong sử sách như sau: Thứ nhất, phải thuận âm – dương, trên – dưới, trong – ngoài thì trong nước mới có hòa khí. Thứ nhì, phải trọng người hiền tài, có học thức, trọng kinh sách, noi theo tiền nhân thì nền chính học mới thịnh vượng. Thứ ba, phải chăm sóc bồi dưỡng các thế hệ đời sau. Thứ tư, phải tiết kiệm của cải tiền bạc thì mới mở mang được kinh tế. Thứ năm, phải thận trọng tuyển chọn quan chức mới chăm lo được chúng dân chứ không phải cai trị dân. Thứ sáu, phải thường xuyên huấn luyện quân sự thì nền võ bị mới mạnh. Thứ bảy, phải lập đồn điền để kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Sớ tấu của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh với 7 kế sách lớn sáng suốt trên đã được vua Lê Thánh Tông tin dùng thể hiện khá đầy đủ trong Bộ luật Hồng Đức là bộ luật tiêu biểu nổi tiếng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh còn là một nhà Nho hết lòng vì nước vì dân, một nhà thơ có tài để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong nền văn học nước nhà. Ông được coi là ông Tổ khai khoa họ Hoàng ba chi của làng Đa Sỹ, có truyền thống khoa cử, nhiều người đỗ đạt: một trạng nguyên, một tiến sĩ đệ nhị giáp, 7 Tiến sĩ đệ tam giáp.
Với các giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, Mộ, Nhà thờ Hoàng Trình Thanh đã được xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 514/QĐ-BVHTTD ngày 13/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.
Hà Anh