Văn hóa cơ sở

Tưng bừng lễ hội đền Lê, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất

Đến hẹn lại lên, cứ định kỳ 3 năm, vào ngày 16,17,18 tháng 2 âm lịch, cán bộ và Nhân dân thôn Lại Thượng, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lại tưng bừng mở hội đền Lê để tưởng nhớ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm. Nét đẹp văn hóa được địa phương gìn giữ, phát huy từ nhiều năm nay.

Đền gọi là đền Lê vì được vua Lê cho xây dựng. Đền thờ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm. Theo thần tích, Trịnh Kiểm sinh ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi (1503), quê ở làng Sáo Sơn (còn gọi là Sóc Sơn), huyện Vĩnh Ninh, trấn Thanh Hoa (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), nhưng ông sinh ra ở quê ngoại làng Hổ Thôn, xã Vệ Quốc (Yên Định, Thanh Hóa). Năm ông 6 tuổi, ông theo mẹ về quê nội ở làng Sáo Sơn sinh sống. Nhà nghèo, mẹ con rau cháo nuôi nhau. Hàng ngày, ông phải đi chăn trâu thuê ở vùng núi Lệ Sơn, rồi tụ tập trẻ mục đồng bắt gà, bắt vịt giả làm quân lương; bẻ bông lau giả làm cờ xí; lấy trâu, bò giả làm voi, ngựa để tập trận mạc. Ông thông minh, tài trí hơn người nên được bạn bè mến phục. Việc làm trên có người thấy khó chịu, toan hại nên ông phải rời bỏ quê xin đi ở, cày ruộng, chăn trâu, chăn ngựa cho Tước Ninh Bang hầu Lê Vân Tự ở làng Biên Thượng (Thạch Thành, Thanh Hóa).

Cỗ kiệu chay của các xóm được rước về đền kính lễ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm.

Năm Quý Tỵ (1533) được tin Thái tể Hưng Quốc Công Nguyễn Kim dựng cờ phò Lê, diệt Mạc ở Mường Sủng, Cổ Lũng, Ai Lao, để thoát cảnh tôi đòi, ở đợ, ông lấy một con ngựa tốt của chủ luồn rừng tìm đường đến Cổ Lũng. Thấy ông có sức khỏe hơn người lại giỏi việc luyện ngựa, Hưng Quốc Công Nguyễn Kim tin yêu giao cho chức Tri mã cơ chuyên lo luyện tập đội kỵ binh. Ông có tính quyết đoán, giao việc gì cũng hoàn thành nên Nguyễn Kim rất tin cậy và gả con gái Ngọc Bảo cho.

Năm Kỷ Hợi (1539), khi mới 37 tuổi, ông được được vua Lê phong chức Dục Quận Công Đại tướng quân. Ông trở thành một tướng lĩnh có uy quyền được tướng sĩ mến mộ. Năm 1543, ông chỉ huy tướng sĩ đánh chiếm Tây Đô, đón vua cùng Đô tướng Nguyễn Kim từ Ai Lao về lập kinh đô ở Thanh Hóa. Năm Ất Tỵ (1545), Đô tướng Nguyễn Kim đem đại binh đánh quân Nhà Mạc ở Nam Sơn (tức Ninh Bình). Đến Yên Mô dừng chân uống nước thì bị một hàng binh Nhà Mạc là Dương Chấp Nhất hạ độc chết. Tình hình nguy cấp, mất chủ tướng cầm đầu ba quân, vua Lê Trang Tông phong Trịnh Kiểm làm Đô tướng Tiết chế các sứ Thủy Bộ, Chư Dinh kiêm nội bộ Bình Chương quân Quốc Trọng Sư Thái Lạng quốc công, quản lý binh quyền ở bên ngoài, điều khiển công việc nhà nước ở trong cung, phong tước, bổ quan, được quyền xử quyết rồi mới tâu vua. Hào kiệt trong nước theo về càng đông, thế lực ngày càng mạnh.

Tháng 9 năm Kỷ Mùi (1559), ông huy động 6 vạn quân từ Tây Đô, Thanh Hóa tiến qua Thiên Quan (nay là Nho Quan, Ninh Bình), một cánh qua Hòa Bình về Sơn Tây, một cánh ngược Hưng Hóa, Tuyên Quang đánh về Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), đánh xuống Khoái Châu (Hưng Yên), Nam Sách (Hải Dương), tiến đến Đông Triều (Quảng Ninh)… Cuộc tiến công làm rung chuyển cả đất Bắc Hà. Trong cuộc hành quân đó, ông lấy làng Hạnh Đàn (Lại Thượng, Thạch Thất) làm nơi đóng quân. Truyền ngôn lưu lại rằng, chỉ một đêm quân nhà Lê do Trịnh Kiểm chỉ huy đã đào xong địa đạo từ Lương Sơn (Hòa Bình) qua mỏ Chén, chùa Bồ đến Linh Khiêu, đồng Trạng, trại Láng qua đồi bà Cả, đồng Sét, hói Lối. Nhiều địa danh ở Lại Thượng với tên đất, tên đồng vẫn mang danh tích từ thời đó, như: Gò Thầy là nơi tướng ở; nhà Chỗ là doanh trại binh lính; vườn Mỏ là kho tàng; nhà Rang là bếp núc; cầu Danh, lỗ Kể là nơi điểm danh, kiểm đếm binh sĩ trước khi qua sông; đồng Viện là nơi viện binh ở; vườn Thương là nơi chôn cất binh sĩ tử trận; hũ Rượu là nơi khao quân…

Giao lưu văn nghệ chào mừng lễ hội đền Lê.

Giải Bóng đá Thanh niên thôn Lại Thượng mở rộng được tổ chức chào mừng lễ hội đền Lê.

Năm Kỷ Tỵ (1569) vua Lê Anh Tông phong cho ông chức Thượng tướng – Quốc thái – Quốc công và tôn làm Thượng phụ vừa lo việc quân, lo việc triều chính. Năm Canh Ngọ (1570), ông ốm nặng và tạ thế vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, hưởng thọ 68 tuổi. Do có công lao 40 năm giúp sức, xả thân cho sự nghiệp Lê Trung Hưng, phục vụ 3 đời vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, vua Lê Anh Tông phong ông là Minh Khang Thái Vương và ban hiệu Thụy Trung Huân. Năm Mậu Thìn (1628), 58 năm sau khi ông mất, nghĩ đến công lao to lớn của ông với triều đình và đất nước, Thành Đô Vương Trịnh Tráng đề xuất với vua Lê Thần Tông cho xây dựng đền để 4 mùa thờ phụng. Hàng năm, quan tướng và cháu con đều về tế lễ. Do thay đổi chế độ của lịch sử, Nhà Lê Trịnh không còn nữa. Việc tổ chức Quốc lễ ở đền Lê từ đó cũng không duy trì, nhưng Nhân dân Hạnh Đàn (Lại Thượng) vẫn trông coi, hương khói và tổ chức tế lễ vào dịp giỗ Ngài cho đến ngày .

Đền Lê được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, thành phố năm 2005. Trải qua nhiều lần trùng tu nhưng đền vẫn giữ được tường, móng, hình dáng không thay đổi. Tượng thần và đồ thờ vẫn được bảo lưu nguyên vẹn. Vào những ngày tuần tiết, đền mở cửa đón khách, Nhân dân địa phương và con cháu các chi họ Trịnh về tế lễ, chiêm bái. Năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho phép sửa chữa cấp thiết và trùng tu phần gỗ. Nhân dân địa phương, doanh nghiệp, các chi họ Trịnh, nhà hảo tâm đã công đức tiền, rồng đá, bậc đá, chiếu Cửu long tranh châu bằng đá, bức bình phong đá… trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Năm 2022, Nhân dân địa phương lát lại sân đền, làm cổng, cột cờ và lắp camera an ninh trị giá 100 triệu đồng.

Hội thi dập sào đánh cá trên sông Tích. 

Thi kéo co.

Thổi cơm thi.

Năm Quý Mão 2023, kỷ niệm 453 năm ngày mất của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và 395 năm xây dựng đền Lê, Ban Quản lý di tích đền Lê long trọng tổ chức lễ hội để tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của Ngài; đồng thời giúp Nhân dân ôn lại nét đẹp truyền thống lịch sử cách mạng và văn hóa của quê hương; thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới; khích lệ tinh thần công đức chung tay bảo vệ di tích; tăng cường tình đoàn kết giữa Nhân dân địa phương với các thế hệ con cháu dòng họ Trịnh.

Lễ hội đền Lê gồm phần lễ được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phù hợp thuần phong mỹ tục. Ngày 16 tháng 2 diễn ra hội thi dập sào đánh cá trên sông Tích; giao lưu văn nghệ quần chúng. Ngày 17 tháng 2, rước cỗ chay từ đền vào đình, chùa; Nhân dân và du khách dâng lễ vào đền; các xóm rước kiệu cỗ chay về đền; văn nghệ dâng hương; thi vòng loại kéo co nam, nữ. Ngày 18 tháng 2 (chính hội) tổ chức tế chính tiệc (buổi sáng); tế tạ (buổi chiều); thổi cơm thi; chung kết kéo co; trao giải thưởng các môn thi đấu. Trước khi diễn ra lễ hội ít ngày, thôn Lại thượng tổ chức giải Bóng đá Thanh niên mở rộng, giải Bóng đá lão niên, giải Bóng chuyền hơi nữ… chào mừng lễ hội đền Lê.

Lễ hội đã kết thúc nhưng dư âm để lại cho cán bộ, Nhân dân thôn Lại Thượng và khách thập phương là không khí tưng bừng của lễ hội, là cảm xúc hân hoan, phấn khởi hiện lên trên gương mặt mỗi người, bỏ lại sau lưng mọi lo toan bộn bề cuộc sống. Ai cũng mong ước có được một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt; Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, ấm no; xóm làng đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh và chuẩn bị tâm thái sẵn sàng cho mùa hội tới.

Thảo Nhi

Ảnh: Cấn Hải Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *