Di sản – Bảo tồn

Ứng dụng iHanoi: Kết nối người dân với di tích lịch sử Thủ đô mọi lúc, mọi nơi

Ứng dụng “Công dân Thủ đô số” – iHanoi do UBND Thành phố Hà Nội thực hiện có nhiều tiện ích, nổi bật là bản đồ di tích lịch sử văn hóa. Tiện ích này của iHanoi giúp người dân kết nối với các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp thành phố… tại Hà Nội mọi lúc, mọi nơi chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh.

iHanoi là sản phẩm của Thành phố Hà Nội triển khai theo Đề án 06 Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”) và Nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điểm nổi bật của iHanoi là đem đến cho người dùng những tiện ích đô thị thông minh ở mọi khía cạnh cuộc sống từ giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp đến văn hóa, lịch sử, du lịch… của Hà Nội.

ban-do-di-san.jpg
iHanoi có tiện ích bản đồ di tích lịch sử văn hóa kết nối người dân và các di tích mọi lúc mọi nơi chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh. (Ảnh: H.Quỳnh).

Đáng chú ý, iHanoi có tiện ích bản đồ di tích lịch sử văn hóa giúp người dân có thể tra cứu các địa điểm được công nhận là di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp Thành phố… Đồng thời bản đồ này còn giúp người dân xem các thông tin lược sử, kiến trúc tại các địa điểm mọi lúc, mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet.

Với bề dày ngàn năm lịch sử, Thủ đô Hà Nội là địa phương có nhiều di tích lịch sử nhất cả nước. Theo thống kê, Thủ đô có hơn 6.000 di tích đã được xếp hạng, trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO xếp hạng như Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và trên 1.200 di tích được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia, nổi bật là Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa – đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh… Hệ thống di tích lịch sử Thăng Long – Hà Nội đồ sộ chính là nền tảng để Thủ đô phát triển điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu cả nước và khu vực nếu công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích được đẩy mạnh.

Trên thực tế, Thành phố Hà Nội thời gian qua đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá điểm đến các di tích lịch sử với nhiều cách làm phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, để giới thiệu hết cũng như giúp người dân tiếp cận được hàng nghìn di tích lịch sử trên địa bàn là bài toán khó với Hà Nội. Chính vì vậy, Thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển ứng dụng iHanoi, trong đó có tiện ích bản đồ di tích lịch sử văn hóa để người dân khám phá, kết nối với các di tích của Thủ đô một cách nhanh, thuận tiện nhất bằng công nghệ hiện đại.

van-nghe-si.jpg
Các văn nghệ sĩ Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội – Huế và TP. Hồ Chí Minh tham quan Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long(Ảnh: Đình Thế).

Khi sử dụng iHanoi, người dân được chỉ dẫn đến Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới với Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, Điện Kính Thiên và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Cùng đó được khám phá di tích Quốc gia đặc biệt Đình So được xây dựng từ thế kỷ XVII thờ tam vị Đại Vương có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Đây là một trong những ngôi đình cổ vẫn giữ được những nét kiến trúc nguyên sơ ở vùng đất xứ Đoài.

iHanoi còn chỉ đường cho người dùng đến với Chùa Một Mái (Bối Am tự) thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Đây là di tích có giá trị về tín ngưỡng, tâm linh và là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu lại để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (tháng 2 đến đầu tháng 3/1947). Trong khuôn viên di tích hiện còn “Hang Bác Hồ” – gian buồng Bác từng nghỉ, được xây bằng đá. Ngoài ra, Bác cũng nghỉ ngơi, làm việc tại buồng trong của ngôi nhà Tổ dưới chân chùa…

Khám phá bản đồ di tích lịch sử văn hóa của iHanoi, người dân cũng được khám phá về Miếu ông Trạng (quận Thanh Xuân) – di tích quốc gia thờ Trạng nguyên Lưu Danh Công đỗ trạng nguyên khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ tám triều vua Lê Huyền Tông; hay Đình Nội (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) thờ danh nhân văn hoá Chu Văn An; hoặc Đình Hoa Xá – Minh Ngự lâu (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) – hai công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật có liên quan mật thiết với nhau, cùng gắn liền với hai vị Thành hoàng làng; đó là vua Lê Đại Hành – Tiên đế của triều Tiền Lê và Bà Chúa Hến – người con gái làng Tó có công giúp vua Lê đánh thắng giặc Tống xâm lược.

Ngoài ra, iHanoi cũng giới thiệu và chỉ dẫn người dùng đến với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng khác của Thủ đô Hà Nội, như: chùa Hoa Phát, chùa Cao, chùa Long Đẩu, Miếu ông Trạng, đình Phương Liệt, chùa Linh Quang, mộ danh nhân Đặng Trần Côn, Gò Đống Thây, đình Quỳnh Đô, miếu Cự Đà, đình Yên Mỹ, chùa Đại Bi, đình – chùa Lạc Thị, đình Văn Lai, đình Tựu Liệt, đình Kim Quan, chùa Trắng, nhà thờ họ Đặng, đình Thượng Phúc, tượng đài chiến thắng Ngọc Hồi, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian…

dinh-so.jpg
Không gian trong gian chính Đình So – Di tích quốc gia đặc biệt. Đình So là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài được dân gian ngợi ca bằng câu ví: “Đẹp đình So, to đình Cấn”. Di tích này được giới thiệu trên ứng dụng iHanoi và chỉ dẫn người dùng đến với di tích này. (Ảnh: Hải Truyền).

Có thể khẳng định, bản đồ di tích lịch sử văn hóa của iHanoi chính là một kênh thông tin hữu ích, ứng dụng nổi bật trong hoạt động chuyển đổi số góp phần đưa các di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội đến với người dân một cách nhanh chóng. Điều này tiếp tục khẳng định sự tiên phong, tính sáng tạo, “tư duy mới – tầm nhìn mới” của Hà Nội trong chuyển đổi số nhằm thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy về “chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

iHanoi tiếp tục chứng minh hoạt động chuyển đổi số theo phương châm mà Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Hà Minh Hải – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi số Hà Nội gắn với 7 phấn đấu: Nhận thức đầy đủ – Tầm nhìn dài hạn – Tư duy sáng tạo – Giải pháp thông minh – Hành động quyết liệt – Hiệu quả thực chất – Phục vụ nhân dân”./.

Theo thông tin từ UBND Thành phố Hà Nội, ngày 28/6, Thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng Đề án 06 và công bố vận hành một số nền tảng ứng dụng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn Thành phố, đó là: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VneID; Cấp lý lịch tư pháp trên VneID; Hệ thống Thông tin phục vụ họp và Xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh./.

Quỳnh Chi

Theo Theo NHN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *