Những năm qua, cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế, huyện Ứng Hòa luôn quan tâm, chú trọng công tác văn hóa – xã hội trên địa bàn.
Các chỉ tiêu Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa được đưa vào Nghị quyết HĐND huyện hàng năm. UBND huyện đã giao cho các phòng ban huyện, xã, thôn chú trọng nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Đặc biệt từ năm 2019, các danh hiệu văn hóa được thực hiện theo Nghị định số 122/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Đến nay, số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 91% ; thôn, làng đạt danh hiệu Làng văn hóa đạt 89,8%; Tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 80%; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học văn hóa đạt 75,5%.
Trong công tác gia đình, huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Chương trình hành động về gia đình huyện Ứng Hòa đến năm 2020, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách và giáo dục nếp sống cho con người, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; chú trọng công tác phòng, chống bạo lực gia đình, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp làm công tác gia đình.
Huyện Ứng Hòa đã tích cực triển khai 02 Bộ Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội. Ngoài việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện, UBND huyện còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để 02 bộ Quy tắc ứng xử sớm đi vào cuộc sống. Tổ chức Hội thi Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn, qua đó lựa chọn đội tuyển tham gia Hội thi Thành phố năm 2018, đạt giải khuyến khích. Lồng ghép nội dung các câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tình huống về 02 Bộ quy tắc ứng xử của Thành phố trong các Hội thi khác của huyện. 100% trụ sở UBND huyện và các xã, thị trấn đã niêm yết Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan nhà nước. 100% các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử của UBND thành phố Hà Nội tới 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chỉ đạo việc tổ chức Tọa đàm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1665/QĐ – UBND ngày 10/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội, về ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội hoàn thành trong tháng 7/2018. Kết quả, 142/142 thôn, tổ dân phố, khu dân cư đã tổ chức tọa đàm tại cơ sở với hơn 10.000 đại biểu tham dự.
Cưới văn minh, tiết kiệm thực sự đi vào đời sống người dân, hình thành nét văn hóa đẹp. (Ảnh: Internet)
Thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Kết luận số 51/KL/TW ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X); Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 03/10/2012 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 37-KH/HU ngày 30/12/2012 của Huyện ủy Ứng Hòa về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn. Việc tổ chức tang lễ trên địa bàn được thực hiện và triển khai có hiệu quả theo đúng định hướng: Trang nghiêm, tiết kiệm, đậm tình nghĩa. Hầu hết các thôn, làng đã thành lập Ban tổ chức lễ tang thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với điều kiện của địa phương, ít tốn kém, thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi khó khăn hoạn nạn. Lễ tang được tổ chức đơn giản, không kéo dài nhiều ngày, số lượng ăn uống ngày càng giảm. Ngoài hỗ trợ của Thành phố, huyện cũng đã quan tâm hỗ trợ phí mai táng đối với các gia đình có người thân qua đời thực hiện hỏa táng. Đến nay, tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn huyện đạt khoảng 50%, các xã triển khai thực hiện tốt tang văn minh năm 2019 là xã Sơn Công (93,55%), Hòa Xá (81%), Cao Thành (65%), Lưu Hoàng (61,5%).
Ứng Hoà có 64 lễ hội truyền thống và lễ hội của đạo Thiên chúa, hàng trăm lễ hội của thôn, làng diễn ra quanh năm và tập trung nhiều nhất vào dịp đầu tháng Giêng, trong đó có những lễ hội mang tầm vóc Quốc gia như lễ hội đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang … Hàng năm, huyện đã phối hợp với huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trong công tác tổ chức lễ hội đền Đức Thánh Cả. Chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin thường xuyên rà soát, nắm bắt, hướng dẫn và kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn giao thông, đúng theo các nghi lễ truyền thống.
Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi trên địa bàn.
Cùng với đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ có bước phát triển về nhiều mặt, ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân và được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Kết quả trên đạt được có sự đóng góp không nhỏ của Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 27/11/2017 của UBND huyện về Tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động Nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đến nay, huyện đã giao kinh phí hỗ trợ triển khai, mua sắm thiết chế văn hóa theo Đề án là 4,059 tỷ đồng để ra mắt 29 nhà văn hóa tự quản trên địa bàn huyện (20 nhà văn hóa đã tổ chức ra mắt mô hình, 9 nhà văn hóa dự kiến ra mắt trong năm 2020).
Kết quả đạt được trên đã bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị mới đang hình thành và phát triển, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh về mọi mặt, góp phần tích cực vào thành tựu chung trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương.
Kiều Trang