Tin ngành

Ứng xử văn hóa nơi di tích văn hóa

Hà Nội là điểm đến của du khách với những di sản văn hóa đặc sắc. Bằng những việc làm cụ thể và hiệu quả, ngành du lịch thành phố đã tạo sức lan tỏa trong người dân và du khách, thực hiện ứng xử văn minh nơi thờ tự, di tích văn hóa.   […]

Hà Nội là điểm đến của du khách với những di sản văn hóa đặc sắc. Bằng những việc làm cụ thể và hiệu quả, ngành du lịch thành phố đã tạo sức lan tỏa trong người dân và du khách, thực hiện ứng xử văn minh nơi thờ tự, di tích văn hóa.

 

Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Hà Nội tự hào về di tích văn hóa đồ sộ, với hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa: Khu vực phố cổ, phố cũ quận Hoàn Kiếm; khu vực xung quanh Hồ Tây; các khu di tích Cổ Loa, đền Hai Bà Trưng, núi Sóc; hồ Đồng Quan; khu vực chùa Hương, thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, Tuy Lại; khu vực Ba Vì, làng cổ Đường Lâm, chùa thầy, chùa Hương; làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng lụa Vạn Phúc; sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), du lịch cộng đồng (homestay); du lịch kết nối giữa phố nghề với làng nghề truyền thống và một số làng nghề tiêu biểu trên địa bàn.

Du lịch của Hà Nội đang hướng đến: “An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn”, đưa Hà Nội vươn lên là một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực. Điều quan trọng nhất là gây dựng văn hóa du lịch – như chiếc chìa khóa vàng để phát triển du lịch Thủ đô bền vững. Bởi vậy, quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định du lịch văn hóa là thế mạnh, là sản phẩm đặc trưng của Thủ đô. Để di sản văn hóa có chỗ đứng thật sự trong phát triển du lịch, Hà Nội đang thay đổi cách ứng xử đối với các di sản văn hóa, nơi thờ tự, tạo nên nếp sống văn minh trong cộng đồng. Những biểu hiện phản cảm: Ăn mặc hở hang, xả rác, viết vẽ tùy tiện, sinh hoạt thiếu ý thức… nơi di tích văn hóa, như những vết nhọ lấm lem lâu nay, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng trong hành trình để Hà Nội tìm lại sự tương xứng với những giá trị tự thân của di sản văn hóa đặc sắc trên mảnh đất ngàn năm tuổi.

Từ khi thực hiện thí điểm không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào dịp cuối tuần, người Hà Nội và du khách không chỉ có thêm một không gian rộng lớn để tản bộ, thưởng ngoạn, mà còn được chiêm bái những di sản văn hóa, nơi thờ tự. Không gian đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã khẳng định tính hiệu quả, có sức hút đối với cộng đồng, du khách, phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử của không gian cổ kính, đồng thời kích cầu phát triển dịch vụ du lịch.

Một điểm đến thu hút khách du lịch là đền Ngọc Sơn. Thực hiện ứng xử văn minh du lịch, Ban quản lí đền Ngọc Sơn từ đầu tháng 4 năm nay đã triển khai cho du khách được mượn miễn phí áo choàng khi vào tham quan nếu họ mặc quần áo không phù hợp. Áo được thiết kế các cỡ to, nhỏ, kiểu dáng phù hợp với nam, nữ. Khách được hướng dẫn tận tình, chu đáo, giúp họ tự tin hơn khi vào thăm Đền. Mô hình này sẽ được nhân rộng ra ở nhiều khu di tích thờ tự thu hút đông khách đến tham quan thờ cúng như Phủ Tây Hồ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Ở nhiều di tích, sự đa dạng hóa tuyên truyền là cách “mưa dầm thấm lâu” để cổ động đến người dân và du khách trong việc ứng xử văn minh du lịch.

Làng cổ Đường Lâm

 Đình Mông Phụ (Đường Lâm – Sơn Tây – Hà Nội) hàng ngày Đình đón hàng trăm người đến tham quan. Để du khách thực hiện văn minh khi vào Đình, người dân địa phương phải tự có ý thức, trước tiên là bất cứ người già hay trẻ em bước chân vào Đình phải gìn giữ sự trang nghiêm, thành kính. Ý thức của người địa phương sẽ lan tỏa tới du khách, đó cũng là cách để tôn vinh di sản văn hóa quê hương mình.

Để di sản văn hóa có chỗ đứng thật sự trong phát triển du lịch, Hà Nội đang thay đổi cách nhìn, cách ứng xử đối với di sản văn hóa. Giới thiệu những giá trị đặc thù của Hà Nội từ những di sản truyền thống quý giá là bước đi để gìn giữ và phát huy tầm vóc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng hành với đó là tạo cho cộng đồng và du khách ý thức ứng xử văn minh du lịch nơi di tích văn hóa thiêng liêng.

Hồng Lĩnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *