Vô tư xả rác, gây ồn; tự tiện cầm nắm, xê dịch hiện vật… là những hành vi không được phép nhưng diễn ra khá phổ biến tại nhiều bảo tàng, ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan, không gian trưng bày cũng như tuổi thọ hiện vật. Đã đến lúc cần có thêm giải […]
Du khách tham quan Bảo tàng Hà Nội. |
Nói về những tác nhân làm ảnh hưởng tới chất lượng trưng bày cũng như tuổi thọ hiện vật tại bảo tàng, nhiều cán bộ, chuyên gia thừa nhận, bên cạnh điều kiện khí hậu phức tạp, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo quản, phục chế chưa đáp ứng yêu cầu…, tác động của khách tham quan cũng làm tăng nguy cơ suy giảm tuổi thọ của nhiều hiện vật. Trưởng phòng Giáo dục, truyền thông và công chúng, Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Hòa cho biết: Hầu hết bảo tàng hiện chưa bảo đảm các yêu cầu về điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, không khí tại không gian trưng bày cũng như các quy định về thời gian cho hiện vật “nghỉ” sau một đợt trưng bày. Cùng với đó, ý thức hạn chế của một bộ phận khách tham quan khiến công tác bảo quản hiện vật gặp khó khăn. Tại Bảo tàng Hà Nội từng có trường hợp khách tham quan đùa nghịch, xô đẩy làm vỡ tủ kính trưng bày hiện vật. Rất may là khi đó hiện vật không bị ảnh hưởng.
Chưa gặp tình huống khách tham quan làm vỡ, hỏng trang thiết bị như Bảo tàng Hà Nội nhưng các nhân viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không ít lần phải toát mồ hôi vì sự hồn nhiên của du khách trong không gian cần rất nhiều ý thức và sự cẩn trọng này. Bà An Thu Trà (Phòng Truyền thông và công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho hay: Mặc dù đã có quy định về những việc không được làm nhưng nhiều khách tham quan vẫn không chấp hành. Phổ biến là việc quay phim, chụp ảnh ở những khu vực cấm; tự tiện sờ, ngồi lên hiện vật; vẽ lên tường, sàn bảo tàng… Thậm chí có những nhóm chụp ảnh cưới còn tự ý xê dịch hiện vật trưng bày để có được góc chụp ưng ý. Vào những lúc bảo tàng tổ chức sự kiện, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm, không gian, cảnh quan bảo tàng như bị “biến dạng” do cách ứng xử thiếu văn hóa của một số du khách mà phổ biến nhất là xả rác bừa bãi…
Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa đánh giá: Ý thức của khách tham quan trong nước nói chung chưa cao. Khi tham quan theo đoàn, có hướng dẫn viên nhắc nhở kịp thời, việc vi phạm được hạn chế phần nào, nhưng khi khách đi theo nhóm nhỏ thì khó kiểm soát hơn. Để ngăn chặn vi phạm, ở nước ngoài, người ta thường tổ chức hàng rào bảo vệ không gian trưng bày, sử dụng đèn hiệu hoặc còi báo động khi có hiện tượng xâm phạm khu vực cấm. Tuy nhiên, ở nước ta, không dễ để áp dụng hình thức bảo vệ này.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Nhằm vận động khách tham quan chung tay bảo vệ hiện vật, giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan, không gian văn hóa, mỗi bảo tàng có giải pháp riêng. Phổ biến nhất là in, treo nội quy, quy chế tham quan ở cổng bảo tàng; gắn biển khuyến cáo những việc không nên làm ở từng khu vực… hay yêu cầu hướng dẫn viên nhắc nhở khi phát hiện vi phạm. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… sử dụng hệ thống dây barie, cột inox để tạo khoảng cách an toàn giữa khách và khu vực trưng bày đặc biệt; phân luồng những đoàn khách đông người để tránh việc gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến hoạt động tham quan của nhóm khác. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam duy trì nhóm tình nguyện viên tham gia hướng dẫn du khách xếp hàng đúng điểm, di chuyển đúng tuyến, vận động, nhắc nhở khách để rác đúng nơi quy định… Bảo tàng lắp đặt nhiều thùng rác với hình dáng “bắt mắt” đi kèm thông điệp về việc giữ gìn vệ sinh chung.
Theo bà An Thu Trà (Phòng Truyền thông và công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), việc làm này nhằm khuyến khích du khách thực hiện đúng quy định của bảo tàng, từng bước hình thành lối ứng xử phù hợp khi tham gia trải nghiệm không gian văn hóa, góp phần gìn giữ cảnh quan cũng như ý thức trách nhiệm bảo vệ hiện vật trong cộng đồng. Còn Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, bảo tàng các nước có nhiều hình thức vận động, nhắc nhở du khách giữ gìn môi trường, cảnh quan cũng như hiện vật rất sáng tạo. Ví dụ như một số bảo tàng ở Đài Loan (Trung Quốc) có những tình nguyện viên là người cao tuổi cầm quạt giấy ghi dòng chữ “hãy giữ trật tự”. Mỗi khi phát hiện có du khách gây ồn ào, họ sẽ tiến lại gần, lịch sự ra hiệu hoặc đưa cho khách đọc thông điệp trên quạt…
Trên đây đều là những cách tuyên truyền, vận động khá hiệu quả và hoàn toàn có thể áp dụng ở bảo tàng tại Việt Nam nhằm bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm ứng xử văn minh cho khách tham quan. Ngoài tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động hiệu quả, các bảo tàng cần áp dụng biện pháp xử phạt tùy theo từng mức độ vi phạm, góp phần xây dựng, củng cố văn hóa ứng xử trong môi trường, không gian văn hóa công cộng mà bảo tàng là một ví dụ.