Văn hóa

Văn hóa ăn, uống của người Hà Nội một thời

Đó là chủ đề cuốn sách ‘Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời’ của tiến sĩ cổ sinh vật học Vũ Thế Long. Cuốn sách là những nghiền ngẫm thú vị của ông về nghệ thuật ẩm thực Hà thành. 

Tác giả Vũ Thế Long sinh năm 1947 tại Hà Nội. Sau nhiều năm làm việc tại Viện Khảo cổ học Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông có niềm đam mê là tìm hiểu về nghệ thuật ẩm thực. Không chỉ khởi xướng chương trình “Bếp Việt” trên sóng truyền hình VTV2, mà Tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long còn là ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Cuốn sách Người Hà Nội chuyện ăn chuyện uống một thời do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Chibooks ấn hành, phần nào thể hiện được tâm tư của ông: Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới.

Người Hà Nội chuyện ăn chuyện uống một thời tựa như ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông – Tây, Nam – Bắc,…

Để tìm cách tiếp cận được với văn hóa ăn uống của Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Thế Long viết ra những gì mà một người ở lứa tuổi “thất thâp cổ lai hy” được sống ở Hà Nội biết được mình đã uống gì, ăn gì, gia đình những người quanh mình ở các lứa tuổi, các thế hệ đã ăn uống ra sao. Đó là một bước khởi động với hy vọng có chút lợi ích gì cho công cuộc tìm hiểu và bảo tồn văn hóa ăn uống của người Hà Nội.

Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” – là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.

V.H

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *