Văn hóa

Văn hóa Thăng Long – Hà Nội rộng mở hơn sau 10 năm

Ngày 25-9, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo “Văn hóa Thăng Long – Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính (2008-2018)” với sự tham gia của các văn nghệ sĩ thuộc 9 hội chuyên ngành và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội. […]

Ngày 25-9, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo “Văn hóa Thăng Long – Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính (2008-2018)” với sự tham gia của các văn nghệ sĩ thuộc 9 hội chuyên ngành và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội.

Trong bài phát biểu mở đầu, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, đã nhấn mạnh, Hà Nội là nơi chưng cất tinh hoa của cả nước, vì vậy sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, sự hòa quyện giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa văn hóa xứ Đoài cùng các vùng văn hóa khác được gìn giữ tốt đẹp, phát huy thế mạnh cùng Thủ đô tiến lên văn minh, hiện đại.

Tại hội thảo, với tầm nhìn và bề dày kinh nghiệm của các chuyên gia về văn hóa và văn nghệ sĩ hàng đầu Thủ đô, như GS.TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Trần Trí Trắc, nhà thơ Bằng Việt, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, nhà văn Nguyễn Sĩ Đại…, nhiều kiến giải sâu sắc về văn hóa Thăng Long – Hà Nội qua 10 năm đã được phân tích rõ. Trong đó, các đại biểu đều cho rằng, việc hòa nhập giữa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long – Hà Nội, giữa ngôn ngữ, phong tục tập quán, nếp sống của các vùng đất, tạo cảm hứng sáng tạo rộng mở hơn cho văn học, nghệ thuật, từ đó góp phần trở lại việc giữ gìn và phát triển văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Lĩnh vực văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, múa… đều có thành tựu nổi bật trong thời gian qua.

10 năm qua, Hà Nội đã có thêm nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật được đầu tư quy mô lớn, như Bảo tàng Hà Nội, Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam, Rạp Kim Đồng, Thư viện Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng… Nhiều không gian văn hóa được mở thêm, như không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố sách Hà Nội, phố đi bộ Trịnh Công Sơn… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống Thủ đô.

Khép lại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm thêm một lần nữa khẳng định, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, quá trình tiếp cận và hội nhập văn hóa của các vùng văn hóa đã đi đúng hướng và xử lý đúng đắn. Các giá trị tốt đẹp được chọn lọc, hội tụ, kết tinh, tạo nên một nền văn hóa Thủ đô hội nhập và phát triển bền vững.

Theo Báo Hànộimới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *