Chiều 1/6, chuỗi hoạt động sinh hoạt văn hóa và giáo dục di sản mang tên “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” đã khai mạc tại hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Với chuỗi hoạt động phong phú, liên tục thay đổi chủ đề theo tuần, đây là lần đầu tiên Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đầu tư sân chơi sinh hoạt trong suốt 3 tháng hè với mong muốn gắn kết chương trình giáo dục di sản với học sinh, thanh thiếu niên Thủ đô.
Các hoạt động diễn ra liên tục hàng ngày, từ ngày 1/6 đến ngày 20/8/2018 bao gồm: trại hè sáng tác tranh; làm giấy dó, trang trí và vẽ trên giấy dó; làm diều, vẽ diều và thưởng lãm triễn lãm diều; vuốt nặn và vẽ trên gốm; trải nghiệm làm tranh vải và thú nhồi bông; làm chuồn chuồn tre, vẽ nón vẽ mật nghệ thuật; luyện chữ đẹp và học viết thư pháp,…
Đặc biệt vào các ngày cuối tuần sẽ có hoạt động gắn kết gia đình là những cuộc thi chế biến món ăn, quà vặt truyền thống với game show “Muốn ăn thì lăn vào bếp cùng người nổi tiếng”, “Nam công gia chánh”. Talkshow sống đẹp về tiên học lễ, hậu học văn, đức dục, trí dục, vượt khó thành tài. “Làng hài sĩ tử” với các tích trò “sĩ tử nhập môn”; hội chợ ẩm thực sản vật Việt với chủ đề sĩ tử với gánh quà quê là trải nghiệm và tương tác với các nghệ nhân thực hiện các món ăn thức uống chế biến từ nguồn nguyên liệu dân gian, an toàn.
Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động hè, lần đầu tiên có lễ hội Hoa Chữ tại Hồ Văn diễn ra vào tối thứ 6 hàng tuần. Các em sẽ được thả Hoa Chữ, là các đèn hoa nến gắn chữ mà người thả viết và gửi gắm ước mơ của mình. Đây là một trong những hoạt động nhằm gây quỹ Thái Học ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học thắp sáng ước mơ tri thức.
Tại lễ khai mạc, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám khẳng định, đây là lần đầu tiên chuỗi hoạt động sinh hoạt văn hóa và giáo dục di sản mang tên “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” được tổ chức tại hồ Văn với mong muốn mang đến một sân chơi mới cho trẻ em Thủ đô và thông qua đó kết nối những giá trị di sản về đạo học về giáo dục đang được lưu giữ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Với các hoạt động tương tác trải nghiệm trực quan, sinh động, hấp dẫn các em nhỏ tham gia, thông qua đó gieo những hạt giống về sự tìm tòi, sáng tạo… mang đến cho các em một mùa hè bổ ích, thú vị.
Nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh cho biết: “Tham gia vào chuỗi hoạt động hè tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các em nhỏ sẽ được tìm hiểu về tranh dân gian Đông Hồ, mỗi bức tranh chứa đựng cả tinh hoa và bản sắc của dân tộc với thiên nhiên hoa lá, cỏ cây, trên mỗi bức tranh có bao nhiều màu là có bấy nhiêu bản in. Và mỗi màu được làm từ những nguyên liệu từ thiên nhiên như màu vàng từ hoa hòe, màu hồng của mai điệp, màu đỏ của hòn sỏi son trên núi… Và khi đến đây, các em nhỏ sẽ hiểu được cách làm nên một bức tranh Đông Hồ với bản sắc riêng của quê hương…”.
Ông Lê Xuân Kiêu cũng khẳng định thêm: Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt, nơi đây đã trở thành điểm đến cho du khách trong và ngoài nước. Nhưng Trung tâm cũng mong muốn định vị hồ Văn là sân chơi văn hóa, giáo dục di sản thường xuyên cho trẻ em Hà Nội để các em có môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn.
Bảo Hân
Theo MaskOnline